Ngành Công Thương: Tạo nguồn lực cho khoa học và công nghệ

Các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương luôn xác định nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng - động lực của sự phát triển để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ được doanh nghiệp ngành Công Thương chú trọng thực hiện

Tập trung đầu tư

Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng quyết liệt, đổi mới KH&CN bảo đảm cho sự phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, đòi hỏi các tập đoàn, tổng công ty phải tập trung và tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư. Bằng nguồn kinh phí của mình, hàng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã giao cho các đơn vị thành viên thực hiện khoảng trên 50 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng/năm. Các nội dung nghiên cứu đều bám sát thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, nghiên cứu và làm chủ công nghệ thăm dò và khai thác dầu khí trong các đối tượng móng nứt nẻ trước đệ tam; nghiên cứu và áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm cải thiện khai thác thứ cấp và các giải pháp thu hồi tam cấp nhằm gia tăng thu hồi dầu khí (EOR) của các mỏ đang khai thác; nghiên cứu phát triển các loại phụ gia, chất xúc tác sử dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học…

Hay tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, những năm gần đây, mỗi năm, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển tại tất cả các doanh nghiệp (DN) trong Tập đoàn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các DN đã thực hiện hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, đã và đang góp phần quan trọng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp cũng đã kết hợp tốt nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn của đơn vị và vốn hỗ trợ của nước ngoài để triển khai thực hiện dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu cho các viện, phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Khơi thông chính sách

KH&CN được nhận định là yếu tố quyết định phát triển của nền kinh tế cũng như của các DN. Qua đó, cần có những chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động KH&CN. Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết, triển khai thực hiện Luật KH&CN 2013, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực ban hành nhiều văn bản nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý KH&CN theo tinh thần đổi mới, gắn nhiệm vụ nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn của thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn có những quy định khó thực hiện, chưa tạo thuận lợi cho ứng dụng kết quả nghiên cứu cần tiếp tục sửa đổi, tháo gỡ.

Có thể kể đến, cơ chế gắn dự án KH&CN với dự án đầu tư phát triển đang gặp khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện do tiến độ phê duyệt dự án KH&CN thường chậm so với tiến độ thực hiện; việc hoàn thành các nội dung, dự án KH&CN phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách cho phép được chỉ định áp dụng kết quả của các dự án KH&CN trong những dự án đầu tư phát triển nên việc áp dụng, nhân rộng kết quả KH&CN vẫn gặp khó khăn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Yến - Trưởng ban Khoa học - công nghệ PVN, để phát huy tối đa tiềm lực KH&CN, PVN kiến nghị với các bộ, ngành xem xét chỉnh sửa luật hoặc có nghị định, các văn bản pháp luật hướng dẫn phù hợp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho hoạt động, tổ chức KH&CN của DN. Bên cạnh đó, cần liên tục rà soát các quy định pháp luật để giảm sự chồng chéo, không đồng bộ. Đồng thời, tăng cường lấy ý kiến các DN trong quá trình xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.

Đến nay, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn của Bộ Công Thương đã xây dựng, phê duyệt và đang thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nganh-cong-thuong-tao-nguon-luc-cho-khoa-hoc-va-cong-nghe.html