Ngành Công Thương: Tạo hiệu ứng lan tỏa

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) mới của thế giới đã được các đơn vị ngành Công Thương nghiên cứu, giải mã, ứng dụng thành công vào những lĩnh vực quan trọng, mang lại hiệu quả lớn.

"Giải mã" nhiều công nghệ tiên tiến

Trong thời gian qua, các tập đoàn, tổng công ty, viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương luôn xác định nghiên cứu và phát triển KH&CN là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực của sự phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới chế tạo thành công giàn khoan tự nâng

Các đơn vị của Bộ Công Thương đã chú trọng đẩy mạnh hợp tác với nhiều đơn vị nghiên cứu KH&CN để hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nhập khẩu công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, nhiều thành tựu KH&CN mới của thế giới đã được nghiên cứu và giải mã thành công.

Điển hình trong ngành dầu khí, việc doanh nghiệp trong nước chế tạo thành công giàn khoan tự nâng, ngoài ý nghĩa về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng thì thành tựu này còn đưa Việt Nam trở thành một số ít quốc gia trên thế giới (khoảng 10 nước) có khả năng tự thiết kế chi tiết, chế tạo giàn khoan tự nâng hoạt động ở vùng biển sâu đến 400ft với điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Hay trong lĩnh vực năng lượng điện, Việt Nam đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công, vận hành các công trình thủy điện quy mô lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu. Việc làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này giúp ngành điện hoàn thành xuất sắc trước thời hạn thi công công trình thủy điện Sơn La, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á chế tạo thành công chủng loại máy biến áp điện lực 3 pha 500kV - 3x150MVA với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của các nước châu Âu, trong khi giá bán giảm 15 - 20%...

Tương tự, trong lĩnh vực khai thác than, thông qua Dự án KH&CN cấp Nhà nước: "Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo", lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới, giúp tăng tính chủ động, giảm chi phí tư vấn, thiết kế khoảng 30% so với chi phí thuê nước ngoài; góp phần nội địa hóa 2/3 giá trị, giảm 17 - 20% chi phí nhập khẩu thiết bị…

Câu chuyện các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp trong ngành Công Thương làm chủ thiết kế và chế tạo, cung cấp thiết bị cho những ngành công nghiệp quan trọng, thay thế nhiều sản phẩm nhập ngoại, giúp đất nước tiết kiệm một lượng ngoại tệ lớn, giờ đã không còn là chuyện hiếm. KH&CN đã và đang bám rễ vào mọi lĩnh vực của ngành Công Thương và có sức lan tỏa tới nhiều ngành khác về tinh thần nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.

Trong điều kiện đầu tư cho nghiên cứu KH&CN còn nhiều khó khăn so với các nước trên thế giới, song những thành tựu mà nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu ngành Công Thương mang lại đã cho thấy nỗ lực lớn trong việc đảm đương nhiều dự án quy mô hiện đại. Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN của ngành đã được trao các giải thưởng cao quý về KH&CN như giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN, giải thưởng VIFOTEC…

Tăng quy mô nhiệm vụ nghiên cứu

Thực tế cho thấy, trong thành tích chung của ngành Công Thương có những đóng góp quan trọng của KH&CN, đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác KH&CN. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi cam kết các hiệp định thương mại tự do và xu hướng phát triển, ứng dụng nhanh chóng các thành tựu mới về KH&CN, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng và phát triển. Công Thương là một ngành lớn, quản lý bao trùm nhiều ngành công nghiệp quan trọng và mũi nhọn của nền kinh tế, trong thời gian tới sẽ tiếp tục là nơi áp dụng mạnh mẽ những tiến bộ KH&CN.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ các công trình thủy điện quy mô lớn

Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của ngành, năm 2020, Vụ KH&CN sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; phát huy các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, tiếp tục tăng tỷ lệ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ thông qua hình thức tuyển chọn, và triển khai theo định hướng giảm về số lượng, tăng quy mô trên mỗi nhiệm vụ, tập trung vào các nhiệm vụ theo định hướng ưu tiên của Bộ, tránh dàn trải. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình hiện có khi chưa có những chương trình hỗ trợ riêng về chuyển đổi số đối với doanh nghiệp.

Các hoạt động hỗ trợ sẽ ưu tiên vào cung cấp thông tin, kết nối doanh nghiệp với nhà cung cấp giải pháp có năng lực, tạo ra những mô hình điểm trong chuyển đổi số, phát triển các mô hình nhà máy thông minh… là những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp. Xây dựng mô hình chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến 4.0 trong các lĩnh vực, làm tiền đề phát triển và nhân rộng.

Vụ KHCN sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ Công Thương và cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ KH&CN, các bộ, ngành có liên quan xem xét, tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư chiều sâu cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cho các tổ chức KH&CN từ ngân sách nhà nước theo nhu cầu phát triển KH&CN, không phân biệt tổ chức nghiên cứu trực thuộc Bộ hay trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Ngoài ra, có chương trình đầu tư một số hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu quy mô pilot cho một số lĩnh vực quan trọng...

Thời gian qua, các hoạt động KH&CN đã bám sát yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ và của ngành, góp phần thực hiện các yêu cầu và mục tiêu phát triển của ngành Công Thương.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-tao-hieu-ung-lan-toa-137489.html