Ngành Công Thương phía Nam: Phát huy thế mạnh vùng

Ngày 24/8, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ V- năm 2018 với chủ đề 'Liên kết phát triển ngành công thương, phát huy thế mạnh của vùng' nhằm đánh giá tình hình phát triển công nghiệp, thương mại và hiệu quả hợp tác giữa địa phương thời gian qua.

Góp phần vào thành công của cả nước

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Châu Hồng Phúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- đánh giá, năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018, ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tham mưu kịp thời cho các cấp lãnh đạo ban hành những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực của ngành và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

Theo ông Phúc, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức đan xen, nhất là trong bối cảnh các nước gia tăng bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị, chính sách thương mại của một số nước lớn đang là những thách thức đối với kinh tế nước ta nói chung và ngành Công Thương nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, khu vực phía Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Cụ thể, về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2018 tăng bình quân 9,81% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại cũng diễn ra sôi động, hàng hóa trên thị trường đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại không ngừng phát triển. Mạng lưới bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng được củng cố và ngày càng mở rộng về qui mô kinh doanh. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 1.441.787 tỷ đồng, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tỷ trọng 57,82% so với cả mước.

Mặt khác, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực đạt 62,866 tỷ USD, tăng 12,07% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu thực hiện 57,026 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 43,65% cả nước.

Trong công tác quản lý thị trường, thời gian qua, các tỉnh, thành phố phía Nam đã tăng cường kiểm tra xử lý buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Nhờ vậy, 7 tháng đầu năm, tổng số vụ xử lý của khu vực đạt 12.264 vụ với tổng số tiền nộp ngân sách 134,99 tỷ đồng.

Liên kết phát triển vùng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành Công Thương phía Nam là sự hợp tác, liên kết vùng chặt chẽ và hiệu quả giữa 20 tỉnh/thành phố.

Trong đó, các Sở Công Thương trong khu vực đã tạo được mối liên kết để cùng nhau phát triển. Các địa phương đã phối hợp xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng; trao đổi thông tin về công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ di dời; trao đổi thông tin về việc hình thành và tổ chức hoạt động của các cụm công nghiệp.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Đặc biệt, các tỉnh thường xuyên hợp tác triển khai xây dựng và thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong năm và dịp Tết Nguyên đán đối với các mặt hàng thiết yếu; trao đổi kinh nghiệm tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn và công tác xã hội hóa phát triển chợ. Đồng thời phối hợp cung cấp thông tin và mời doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại của nhau.

Theo ông Phạm Thành Kiên- Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai nhiều chương trình liên kết đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, liên kết cung ứng hàng hóa cho các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn của TP. Hồ Chí Minh.

Nổi bật nhất là Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với 20 tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ, qua đó đã giúp doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý, đưa hàng vào siêu thị, TTTM, chợ đầu mối,...

“Thông qua các hội nghị này, các doanh nghiệp đã kết nối lại với nhau. Một số doanh nghiệp trong khu vực đã lựa chọn được các đối tác thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương. Tính đến nay, các doanh nghiệp phân phối của TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư 13 trung tâm thương mại; 269 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành; hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành”- ông Kiên cho biết.

Tiếp tục khơi thông các nguồn lực

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2018, góp phần quan trọng vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, các tỉnh phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực, năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các công trình, dự án điện, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện và bảo đảm chất lượng đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm của khu vực. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các dự án đang gặp khó khăn trong đầu tư xây dựng, các dự án còn vướng mắc trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về hoạt động thương mại, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" một cách thiết thực, hiệu quả.

Khu vực phía Nam bao gồm đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa và trái cây của cả nước. Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, phải chủ động kêu gọi nhà đầu tư và tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ, củng cố và nâng cấp hệ thống bán lẻ truyền thống, tạo lập các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Quan trọng không kém, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đặc biệt đề nghị các tỉnh phía Nam quan tâm phát triển cơ khí nông nghiệp để góp phần giảm nhọc nhằn cho bà con nông dân và thúc đẩy quá trình cơ khí hóa nông nghiệp của đất nước.

Đình Dũng – Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-phia-nam-phat-huy-the-manh-vung-107848.html