Ngành Công Thương miền Trung sẵn sàng nguồn cung hàng hóa ứng phó với bão số 9

Ngành Công Thương các địa phương khu vực Nam Trung bộ đều đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu trải đều ở các quận, huyện, thành phố, sẵn sàng phương án cung ứng hàng hóa cho các khu vực trong cả trường hợp mưa lũ chia cắt, cô lập.

Hàng hóa thiết yếu dồi dào, đảm bảo không gián đoạn nguồn cung

Ngay khi có thông tin cơn bão số 9 dự kiến trực tiếp đổ bộ vào đất liền qua địa phận các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và gây mưa lớn dọc khắp miền Trung, các tỉnh thành đã chủ động có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng ứng phó với bão số 9 để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ tại các tỉnh miền Trung đều tăng nguồn hàng hóa dự trữ để sẵn sàng cung ứng trong trường hợp mưa lũ kéo dài

Các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ tại các tỉnh miền Trung đều tăng nguồn hàng hóa dự trữ để sẵn sàng cung ứng trong trường hợp mưa lũ kéo dài

Tại TP. Đà Nẵng, ông Lê Đức Viên - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết: ngay sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với cơn bão số 9 vào sáng 26/10, Sở Công Thương thành phố đã chủ động làm việc với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối, tiểu thương có dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố để sẵn sàng điều động khi có yêu cầu. Lượng hàng hóa thiết yếu sẵn có tại thành phố gồm 165 tấn gạo trắng, 1 triệu gói mì ăn liền, 300 nghìn chai nước uống đóng chai loại 1,5 lít, hơn 1 triệu lít xăng, hơn 2 triệu lít dầu diezen, hơn 20 nghìn lít dầu hỏa. Tổng giá trị hàng hóa hơn 54 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đã sẵn có 438 tấn gạo rải đều các quận huyện; các công ty, nhà máy trên địa bàn thành phố có khả năng sản xuất 1,7 triệu gói mì/ngày, lương khô 1.000 thùng….

Tại tỉnh Quảng Nam, Sở Công Thương tỉnh đã yêu cầu các UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu trong thời gian ứng phó bão số 9 và tình hình mưa lũ, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực và nước uống...

Sở Công Thương Quảng Nam cũng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất khẩn trương tổ chức chằng chống cơ sở vật chất nhà xưởng, không để bị tốc mái do gió bão; có biện pháp bảo vệ trang thiết bị làm việc, tránh bị hư hỏng do mưa, bão; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đến tính mạng công nhân và người lao động trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam khẩn trương kiểm tra đánh giá tình trạng sạt lở khu vực công trình, khu láng trại, nhà ở công nhân, nhà quản lý vận hành, bắt buộc phải di dời, sơ tán người, phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Nếu xuất hiện tình trạng sạt lở có khả năng ảnh hưởng đến an toàn tính mạng thì có biện pháp khắc phục kịp thời, tuyệt đối không tổ chức thi công xây dựng tại các khu vực nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng: khu vực có độ dốc lớn, trơn trượt, sạt lở, dễ xuất hiện lũ quét, lũ ống... Tạm dừng việc thi công xây dựng trên công trường khi xét thấy có khả năng xuất hiện các hiện tượng gây mất an toàn do mưa lũ.

Đặc biệt, tỉnh bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp. Sẵn sàng và nghiêm túc tuân thủ các phương án ứng phó thiên tai cho công trình, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp với chính quyền địa phương để chủ động triển khai thực hiện khi có sự cố.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm dự trữ của tỉnh gần 12 ngàn tấn, 13,8 tấn gạo và hơn 1.000 thùng nước đóng chai… Ngoài lượng hàng hóa dự trữ tại siêu thị còn có lượng hàng dự trữ tại các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm; các cửa hàng tiện lợi kinh doanh tại địa phương. Trường hợp đặc biệt, nếu hết lượng hàng ở trên, các hệ thống siêu thị sẽ điều chuyển nguồn hàng từ tổng về kho để cung cấp trong thời gian tiếp theo.

Ông Đỗ Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, hiện nay nguồn hàng hóa dự trữ tại chỗ trên địa bàn tỉnh dồi dào. Trong trường hợp nguồn cung từ nơi khác (như quốc lộ 1A tạm chia cắt do mưa bão) thì hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu của toàn tỉnh liên tục từ 7 - 10 ngày. “Chúng tôi đã chỉ đạo các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị phân phối, bán lẻ, cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu dự trữ nguồn hàng sẵn sàng cung ứng khi có yêu cầu với giá cả bình ổn”, ông Đạt cho hay và cho biết thêm, Sở Công Thương đã yêu cầu các đơn vị không được lợi dụng tình hình mưa bão, nhất là sau bão để găm hàng, bán hàng tăng giá bất hợp lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải có phương án phòng, chống bão số 9 nhằm giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản do cơn bão này gây ra, đặc biệt, lưu ý đối với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, Khu VSIP Quảng Ngãi và doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo các Sở Công Thương, hiện các nguồn hàng hóa thiết yếu đều được rải đều khắp các quận, huyện, xã phường, vì vậy, sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa nhanh nhất khi có yêu cầu. Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường các địa phương hiện đang theo sát diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, sở, ban ngành với ngành Công Thương để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các vùng bị mưa lũ chia cắt (Ảnh: thôn Lộc Mỹ, Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng bị cô lập sau bão số 5 hồi đầu tháng 10/2020)

Cần sự phối hợp chặt chẽ để cung ứng hàng hóa trong trường hợp mưa lũ chia cắt, cô lập

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch Thường trực TP. Đà Nẵng - cho rằng, hiện nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm trên địa bàn TP. Đà Nẵng đảm bảo, dồi dào. Tuy nhiên, các quận cần chủ động có phương án để khi xảy ra lũ lụt có thể cung ứng lương thực, thực phẩm đến kịp thời với từng người dân, rút kinh nghiệm tại các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ sau đợt lũ vừa rồi gặp khó khăn khi tiếp ứng lương thực, thực phẩm cho người dân khi lũ lên nhanh.

Theo ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, việc đưa hàng hóa đến tay người dân không phải trách nhiệm của một Sở, ngành cụ thể nào mà phải phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. “Đặc điểm của bão số 9 là cả mưa to, gió lớn. Phải có các phương án cụ thể để đưa hàng hóa đến từng điểm bị cô lập an toàn“, ông Ban nói.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - ông Lê Đức Viên - cho hay, về phần ngành Công Thương, các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu đều đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn hàng, sẵn sàng điều động nhân lực, phương tiện để kịp thời điều phối, cung ứng hàng hóa khi có thiên tai, bão lụt xảy ra, để cung ứng hàng hóa cụ thể đến người dân cần có sự tham gia chặt chẽ của chính quyền tại các địa phương. “Sở đã yêu cầu các phòng kinh tế hạ tầng các quận huyện tùy theo tình hình thực tế chủ động ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng tại địa bàn phụ trách để cung ứng hàng hóa khi có yêu cầu”, ông Viên nói.

Ông Lê Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho rằng, việc cung ứng hàng hóa đến các điểm bị lũ chia cắt, cô lập không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các quận, huyện, các Sở, ban ngành liên quan. “Hàng hóa ngành Công Thương đã chuẩn bị dồi dào và đảm bảo. Trong trường hợp mưa lũ chia cắt, cô lập một số khu vực, xã, thôn thì cần phải có đơn vị phụ trách việc đi lại, tàu thuyền, nắm rõ địa bàn... Cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương để có thể cung ứng nhanh nhất hàng hóa đến tay người dân”, ông Đạt nói.

Vũ Lê - Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-mien-trung-san-sang-nguon-cung-hang-hoa-ung-pho-voi-bao-so-9-146313.html