Ngành công nghiệp thời trang loay hoay tìm cách sống sót trong đại dịch Covid-19

Sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, gel sát khuẩn... ngành công nghiệp thời trang đang tìm đủ mọi cách để sống sót trong mùa dịch Covid-19.

Ngành công nghiệp thời trang đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi đại dịch Covid-19 như một cơn bão càn quét khiến các show diễn thời trang, các Tuần lễ thời trang lớn nhỏ trên thế giới liên tục bị hủy từ tháng 2/2020. Khi nhu cầu của người dân lúc này chỉ là tích trữ thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thường ngày… không còn ai nghĩ đến chuyện mua sắm quần áo hay mỹ phẩm.

Đó là lúc, ngành công nghiệp thời trang thực sự phải thay đổi để tìm cách sống sót trong đại dịch Covid-19.

Với những người không làm trong ngành công nghiệp thời trang, ảnh hưởng rõ ràng nhất mà họ có thể thấy đó chính là việc các show diễn thời trang lớn trên thế giới liên tục bị hủy. Trong đó có Tuần lễ thời trang Thượng Hải (26/3-2/4), MET gala (tháng 5/2020), Tuần lễ thời trang New York (tháng 6/2020), Tuần lễ thời trang Paris (23/6-9/7)…

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 không chỉ dừng lại ở đó. Đại dịch bùng phát trên toàn cầu đã và đang làm hàng triệu cửa hàng thời trang, mỹ phẩm trên toàn thế giới phải đóng cửa. Hàng triệu người sản xuất may mặc lâm vào cảnh thất nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với nguy cơ bị phá sản, trong khi những ông lớn ngành thời trang cũng phải chật vật để trụ vững.

Theo một nghiên cứu được BBC công bố, gần 20% các doanh nghiệp vừa và nhỏ (trong đó có cả các doanh nghiệp về thời trang) sẽ bị phá sản trong tháng 4 do không có đủ tiền vốn để xoay sở. Riêng ở Anh, có khoảng 800.000 đến một triệu công ty có thể sớm phải đóng cửa, khoảng 20.620 cửa hàng không bao giờ có thể mở trở lại sau khi lệnh cấm mở các cửa hàng “không thiết yếu” (bao gồm cửa hàng thời trang) được ban hành để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trang Fashion United đăng tải thông tin, sản xuất hàng dệt may châu Âu có thể giảm 50% doanh số và sản xuất do đại dịch Covid-19. Một cuộc thăm dò của Liên đoàn Dệt may châu Âu (Euratex) cho biết, có đến 80% các công ty đã sa thải công nhân và 1/4 cho biết họ đang xem xét đóng cửa hoàn toàn. Doanh số bán lẻ và xuất khẩu cũng sẽ giảm sút.

Tại thị trường châu Á – nơi đặt rất nhiều công xưởng sản xuất may mặc, ảnh hưởng nặng nề nhất là các công nhân. Khi các cửa hàng thời trang tại các thị trường phát triển phải đóng cửa tạm thời, nhu cầu về quần áo cũng giảm theo. Các thương hiệu và nhà bán lẻ đã hủy bỏ hoặc hoãn đơn đặt hàng, dẫn đến có hơn một triệu công nhân ở Bangladesh bị sa thải hoặc tạm thời bị đình chỉ công tác. Theo một báo cáo của CGWR, khủng hoảng này không chỉ diễn ra ở Bangladesh mà ở tất cả quốc gia sản xuất hàng may mặc.

Với các ông lớn của ngành thời trang, nhiều thương hiệu xa xỉ đã quyết định đóng cửa các nhà máy của họ. Ví dụ như Channel đóng nhà máy tại Pháp và Thụy Sĩ, Hermès đã đóng 42 cơ sở sản xuất tại Pháp vào cuối tháng 3, Gucci đóng 6 nhà máy và tất cả các cửa hàng tại Italy, Armani cũng đóng các cửa hàng và nhà máy tại Italy.

Sau khi bị giảm 49% doanh thu, H&M đã phải cắt giảm giờ làm việc của hàng chục nghìn nhân viên trên toàn cầu để tiết kiệm tiền lương. Mademoiselle Coco cũng duy trì hoạt động với số nhân viên tối thiểu. Primark giảm 50% lương của nhân viên, Everlane sa thải một lượng lớn nhân viên… Hàng loạt thương hiệu thời trang, mỹ phẩm khác như Nike, Supreme, Ralph Lauren, Sephora, Glossier, Kiehl's, Uniqlo, The Wing, Chillhouse, Urban Outfitters… cũng buộc phải sử dụng các biện pháp tương tự.

Sẽ không có một con số cụ thể về thiệt hại kinh tế mà ngành công nghiệp thời trang đã gặp phải. Có rất nhiều ông chủ lớn đã quyên góp hàng triệu USD, Euro để cải thiện tình hình cho các nhân viên như Prada, Gucci và Giorgio Armani nhưng điều đó là không đủ. Các hãng thời trang cần một biện pháp mạnh mẽ hơn để vực đậy. Đó là lúc các hãng hướng ánh nhìn đến một thị trường khác cấp bách và thiết thực hơn - đồ y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ và gel khử khuẩn.

Dịch Covid-19 lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới với số lượng ca nhiễm không ngừng tăng lên khiến vật tư y tế đều trong tình trạng khan hiếm. Việc chuyển hướng sản xuất không chỉ là hành động vì cộng đồng mà còn là giải pháp cho các hãng thời trang, mỹ phẩm trong giai đoạn này.

Theo Elle, hãng thời trang Prada hiện đang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế cho nội địa Italy. Khoảng 10.000 khẩu trang và 10.000 quần áo y tế được sản xuất mỗi ngày cho các bệnh viện tại Italy. Các cơ sở sản xuất của Giorgio Armani cũng đã chuyển sang các mặt hàng y tế.

Tại Pháp, Gucci đang sản xuất 1,1 triệu khẩu trang phẫu thuật và 55.000 đồ bảo hộ. Hai công ty con là Balenciaga và Saint Laurent có trụ sở tại Paris của Gucci cũng đang chờ Chính phủ phê duyệt giấy phép sản xuất khẩu trang. Chanel cũng sẽ sử dụng chuỗi cung ứng của mình để sản xuất khẩu trang cho nhân viên y tế của Pháp.

Nhà mốt Anh Burberry biến nhà máy ở Yorkshire (nơi thường sản xuất áo khoác) thành nơi sản xuất áo y tế và khẩu trang. "Trong thời gian thử thách, chúng ta phải cùng nhau tiến lên", Giám đốc điều hành của Burberry, Marco Gobbetti nói. "Toàn bộ đội ngũ tại Burberry rất tự hào khi có thể hỗ trợ những người đang làm việc không mệt mỏi để chiến đấu với Covid-19."

Tại Mỹ, Ralph Lauren sẽ sản xuất 25.000 áo khoác và 250.000 khẩu trang. Nhãn hiệu thời trang Hungary Nanushka chuyển sang sản xuất khẩu trang để cung ứng cho các bệnh viện và người dân. Ngoài ra, còn hàng loạt các hãng khác cũng sản xuất khẩu trang và quần áo y tế như Brandon Maxwell, Reformation, Christian Siriano, H&M, Zara…

LVMH, công ty mẹ của Dior, Givenchy và Louis Vuitton, đã chuyển đổi tất cả các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, các sản phẩm làm đẹp và nước hoa thành sản xuất nước khử trùng tay để tặng miễn phí cho các bệnh viện Pháp. Mỹ phẩm Kylie & Coty sản xuất gel khử trùng tay cho các bệnh viện tại Nam California (Mỹ). Thương hiệu xa xỉ Italy Salvatore Ferragamo đang sản xuất 50.000 chai khử khuẩn tay…

“Một trong những cảm giác tồi tệ nhất mà một cuộc khủng hoảng như thế này mang lại đó là sự bất lực. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và công nhân phải chịu hậu quả kinh tế tàn khốc. Có rất nhiều người bị ảnh hưởng trong cộng đồng thời trang, từ nhà thiết kế đến nhân viên trụ sở và nhân viên bán lẻ. Họ cần được giúp đỡ” - Tổng biên tập tạp chí Vogue Anne Wintour chia sẻ với tờ Fashion United.

Để trợ giúp cho ngành công nghiệp thời trang, Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ (CFDA) và Vogue đã ra mắt một quỹ cứu trợ cho những người trong cộng đồng thời trang Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ông lớn ngành thời trang Ralph Lauren đã quyên góp 10 triệu USD để giúp chống lại cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong đó có một phần để gây quỹ nhằm hỗ trợ các nhà thiết kế thời trang Mỹ chịu thiệt hại về tài chính từ Covid-19. Hãng Levi Strauss & Co đã cam kết ủng hộ 3 triệu USD để giúp các nhân viên, đối tác trong ngành thời trang vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hội đồng Thời trang Anh (BFC) cũng thành lập Quỹ Khủng hoảng Covid BFC, với sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà thiết kế để sống sót qua khủng hoảng. Save The High Street, tổ chức Anh nhằm hỗ trợ các nhà bán lẻ địa phương đang triển khai chương trình hỗ trợ kéo dài 12 tuần để giúp những người đang vật lộn với tác động của Covid-19.

Các chuyên gia chưa thể đánh giá được ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp thời trang sẽ kéo dài bao lâu. Tất cả những gì mà ngành thời trang có thể làm được trong lúc này là tìm mọi cách để trụ vững và sống sót trước “cơn bão” Covid-19./.

Bài: Thanh Thanh | Thiết kế: Hà Phương
Kỹ thuật: Tuấn Linh

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nganh-cong-nghiep-thoi-trang-loay-hoay-tim-cach-song-sot-trong-dai-dich-covid19-1034732.vov