Ngành công nghiệp tăng trưởng khả quan

Kết thúc năm 2019, ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khá ấn tượng. Các ngành kinh tế chủ lực duy trì đà tăng trưởng tốt với mức tăng 9,13%, cao hơn so với kế hoạch đề ra 0,2%. Đạt kết quả này là nhờ kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh, cùng với đó là sự nỗ lực của các DN trong việc tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Đóng gói hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.

Đóng gói hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.

ĐÃ CÓ ĐƠN HÀNG CHO NĂM MỚI

Những ngày cuối năm 2019, tại Công ty TNHH sản xuất Giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1), hơn 200 công nhân hối hả vào ca sản xuất để kịp hoàn thành chuyến hàng đầu tiên của năm 2020. Bà Lưu Thị Anh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty cho biết: Đến thời điểm này, công ty đã sản xuất 2,5 triệu đôi đệm lót giày, vượt 10% so với kế hoạch năm 2019 đề ra. Các sản phẩm của Công ty không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Băng-la-đét… “Hiện nay, công ty đã có nhiều đơn hàng từ phía đối tác trong và ngoài nước. Để đáp ứng yêu cầu cho khách, công ty đang đặt ra mục tiêu năm 2020 là tăng năng lực sản xuất lên 20-30%”, bà Anh cho hay.

Không riêng gì Công ty TNHH sản xuất Giày Vĩnh Uy II mà nhiều DN trong ngành may mặc cũng phấn khởi cho biết, họ đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu trong năm 2020.

Tại Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh BR-VT (Baseafood), ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Kết thúc năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Baseafood đạt 39,2 triệu USD, doanh thu đạt 900 tỷ đồng, đạt 120%, lợi nhuận đạt 12 tỷ đồng đạt 138% so với kế hoạch. Hiện tại công ty đã ký được nhiều hợp đồng dài hạn cho các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...

Năm qua, cũng là một năm ngành thép gặt hái được nhiều kết quả thuận lợi với mức tăng 8,75% chiếm 35% tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô). Các DN sản xuất thép cho biết, thời gian qua, giá thép trong nước thường xuyên nằm ở mức từ 12,3 - 12,5 triệu đồng/tấn, tăng bình quân 500 ngàn đồng/tấn so với năm 2018. Cùng với đó thị trường tiêu thụ ổn định. Đây chính là động lực để các DN như: Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt, Nhà máy thép Pomina 2, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen… nâng cao năng lực sản xuất. Kết thúc năm 2019, Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 126 ngàn tấn thép cán, tăng gấp 4 lần và hơn 350 ngàn tấn phôi thép, tăng khoảng 55% so với năm 2018. Theo kế hoạch, năm 2020 Thép Tung Ho sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu và cung cấp cho thị trường 1 triệu tấn thép các loại.

Sản xuất đế giày tại Công ty TNHH sản xuất Giày Vĩnh Uy II (KCN Đất Đỏ 1).

VẪN CẦN ĐƯỢC TIẾP SỨC

Mặc dù, đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo nhìn nhận của ngành công thương, ngành công nghiệp của tỉnh hiện vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn như hoạt động kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn phụ thuộc vào các DN đầu tư có vốn nước ngoài và chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp. Các DN của tỉnh chủ yếu là các DN nhỏ và vừa nên gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực quản trị DN, năng lực kết nối. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động. Ông Trần Minh Quang, Giám đốc Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) chia sẻ: Hầu hết các DN trong ngành đều phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Để ngành may mặc phát triển bền vững, cần có những DN sản xuất các sản phẩm phụ trợ như: sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa...

Kết thúc năm 2019, các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh duy trì đà tăng trưởng tốt với mức tăng 9,13%. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May Việt An (CCN Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ).

Năm 2020, ngành công nghiệp đặt ra mục tiêu phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) tăng 9,06% so với năm 2019. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành công thương sẽ triển khai tích cực đề án và kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, triển công nghiệp chất lượng cao tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) tăng 9,13% so với cùng kỳ và cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch (9,11%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có mức tăng trưởng tốt với 9,79%, tiếp tục tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Đáng ghi nhận là ngành đóng tàu và đóng mới giàn khoan với mức tăng 93,6% so với năm 2018.

(Nguồn: Sở Công thương)

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngành công thương sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ. Với các DN ngành dệt may, tới đây, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Cụ thể, tạo mối liên kết giữa các DN lớn với các DN nhỏ trên địa bàn tỉnh hợp tác sản xuất, gia công; phát triển thêm nhiều công ty sản xuất sợi, nguyên vật liệu để tạo tính cạnh tranh trong việc cung cấp các sản phẩm sợi. Bên cạnh đó, tới đây, Dự án hóa dầu Long Sơn đưa vào hoạt động với công suất lên tới 1,6 triệu tấn/năm, có khả năng cung cấp một số sản phẩm hóa dầu làm nguyên liệu cho ngành dệt may (xơ sợi tổng hợp polyester) sẽ giúp các DN dệt may chủ động tốt hơn về nguồn nguyên liệu, đáp ứng các yêu cầu từ các Hiệp định thương mại. Riêng ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện tỉnh đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển để kêu gọi đầu tư dự án tại các KCN có đủ điều kiện như KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Đất Đỏ 1…

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201912/nganh-cong-nghiep-tang-truong-kha-quan-887812/