Ngành Công nghiệp cơ khí: Nan giải bài toán tồn tại - phát triển

Từng được coi là 'máy cái' của sản xuất công nghiệp trong nước, là ngành công nghiệp mũi nhọn, giữ vai trò chủ đạo... nhưng ngành cơ khí đã qua 'thời oanh liệt', đang phải tìm cách để tồn tại và phát triển.

Nhiều giải pháp đã được đề xuất nhưng vấn đề là phải chọn lọc và “kết dính” để đạt tính hệ thống, đồng bộ. Đây cũng là bài toán đặt ra với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cơ khí trên địa bàn Thủ đô.

Mất phương hướng tiếp cận thị trường

Theo Sở Công Thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 14.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí với khoảng 254.000 lao động. Tuy nhiên, số liệu của Hội Cơ khí Hà Nội cho thấy trong số đó chỉ có gần 30 doanh nghiệp quy mô lớn, còn lại là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các hộ sản xuất cơ khí; khoảng 50% doanh nghiệp chế tạo, lắp ráp, số còn lại chuyên sửa chữa thiết bị. Trên địa bàn Thủ đô có nhiều làng nghề kim khí nổi tiếng, đứng đầu cả nước về quy mô và doanh thu. Huyện Thường Tín có 2 làng nghề kim khí ở xã Văn Tự, xã Khánh Hạ; Thanh Oai có 5 làng nghề kim khí thuộc xã Thanh Thùy; ở Đan Phượng là làng nghề kim khí Tân Hội... Đặc biệt, huyện Thạch Thất có làng nghề cơ khí Phùng Xá với 816/1.361 hộ trong thôn làm nghề, doanh thu mỗi xưởng lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng/năm, là điển hình của làng nghề sản xuất cơ khí ở Hà Nội và cả nước.

Một thời gian dài trước đây, cơ khí Hà Nội có “anh cả” là Nhà máy Chế tạo Máy công cụ số 1, sản xuất nhiều loại “máy cái” cho các ngành. Những năm gần đây, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công công nghệ dập vuốt hiện đại, phục vụ ngành công nghiệp sản xuất khung, vỏ xe máy, ô tô. Công nghệ này được áp dụng tại Nhà máy Z551, Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Ngô Gia Tự..., giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Ngành cơ khí đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về thiết bị cơ khí thủy công; dây chuyền thiết bị cán thép; dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng, nhà máy đường, nhà máy chế biến mủ cao su; sản xuất, lắp ráp hầu hết các chủng loại xe ô tô, đặc biệt là chế tạo thành công giàn khoan tự nâng có độ sâu đến 90m nước...

Tuy vậy, nhìn tổng thể, hiệu quả hoạt động của ngành cơ khí chưa đạt yêu cầu. Có tiềm năng lớn, từng được coi là lực đẩy của sản xuất công nghiệp, được tạo điều kiện phát triển nhưng ngành cơ khí không phát huy được lợi thế đó. PGS.TS Phạm Đắc, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Hà Nội nhận định: Công nghiệp cơ khí Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn “giậm chân tại chỗ”, nói vui là “chưa chịu phát triển”. Tất cả các doanh nghiệp cơ khí lớn đều phải nhập dây chuyền của nước ngoài, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội.

Những yếu kém dễ nhận thấy của ngành cơ khí là trình độ công nghệ thấp, tính cạnh tranh kém; sản phẩm nội địa ít hoặc không có tính hữu dụng, dẫn đến hậu quả là nhiều doanh nghiệp dần “cụt” vốn và mất phương hướng tiếp cận thị trường. Một số nhà máy, doanh nghiệp cơ khí lừng danh một thời do sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường đã phải chuyển đổi mô hình, thậm chí giải thể... Nguyên nhân chủ yếu là chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh; quản lý nguồn vốn đầu tư chưa chặt chẽ; vai trò điều phối của Nhà nước còn hạn chế.

Mặt khác, trong khi doanh nghiệp rất cần các hiệp hội hỗ trợ, dẫn dắt thì hoạt động của các tổ chức này lại chưa mạnh. Hội Cơ khí Hà Nội hoạt động không ổn định, chưa có nhiều tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Vực dậy bằng chiến lược tổng thể

Theo các chuyên gia, phải đánh giá đúng thực trạng ngành cơ khí và vực dậy bằng chiến lược tổng thể. Đã 18 năm kể từ khi Quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 ra đời, nhưng trong 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm được chú trọng phát triển thì chỉ có 2 nhóm thực hiện được định hướng chiến lược (đóng tàu, chế tạo thiết bị điện), còn 6 nhóm ngành (thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy móc nông nghiệp, phương tiện giao thông, máy công cụ, máy móc phục vụ ngành xây dựng) dường như vẫn trong tình trạng “bất động”. Hiệu suất công nghiệp của ngành cơ khí Việt Nam chỉ đứng ở nửa sau “bảng xếp hạng” khu vực Đông Nam Á. Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu trong nước. Khi nhập siêu trở thành xu hướng ngày càng mạnh thì cơ khí nội địa mất vị thế và mất thị phần ngay ở “sân nhà”.

Những năm tới, ngành cơ khí vẫn có triển vọng tăng doanh thu nhưng chỗ đứng trên thị trường không còn chắc chắn và sẽ tiếp tục bị nhiều tập đoàn đầu tư nước ngoài chiếm chỗ. Vì thế, cách ứng phó hữu hiệu là phải có chiến lược tổng thể từ khâu tổ chức bộ máy, đầu tư dây chuyền sản xuất, thiết kế, xây dựng thương hiệu và chọn giải pháp kinh doanh phù hợp để phát triển doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, chúng ta cần giải quyết cho được hai vấn đề lớn: Tăng tính khả thi của các chính sách định hướng và thực thi nghiêm túc, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển ngành để tạo thêm việc làm, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cơ khí. Phải chú trọng đầu tư chế tạo chứ không chỉ gia công, lắp ráp cho doanh nghiệp nước ngoài. Phải chọn lọc và kết hợp các giải pháp để đạt tính hệ thống và đồng bộ. Nhà nước và các cấp, ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí trong nước ở lĩnh vực đấu thầu, đặt hàng và mua sản phẩm cơ khí nội cho các công trình có vốn đầu tư công...

PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên nhận định: Ngành cơ khí đang ở giai đoạn khó khăn nên cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhanh chóng củng cố, hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp cơ khí và năng lực hệ thống. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam cần bổ sung, điều chỉnh theo tầm nhìn dài hạn; việc tổ chức thực hiện phải nhất quán; chính sách về tín dụng phải có tác dụng thiết thực. Ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề xuất: Để hội nhập thành công, các doanh nghiệp cơ khí cần thay đổi tư duy, cách thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp. Số doanh nghiệp chuyên về chế tạo đã ít lại thiếu vốn để đổi mới, nâng cấp thiết bị, nên cần được ưu tiên vay vốn ưu đãi. Cũng có thể thực hiện giải pháp Nhà nước đầu tư ban đầu, sau chuyển giao bằng cách cổ phần hóa để doanh nghiệp có cả thế và đà phát triển. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác thị trường, bảo hộ sản phẩm cơ khí trong nước; đào tạo nhân lực ngành cơ khí theo chiều sâu để có đội ngũ công nhân giỏi; thu hút nhân tài, chuyên gia trên lĩnh vực này...

Nhiệm vụ của ngành cơ khí là cung cấp máy công cụ, máy động lực, thiết bị cho các ngành kinh tế, đáp ứng nhu cầu dân sinh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp cơ khí còn hạn chế về quy mô, trình độ kỹ thuật công nghệ, nguồn vốn lớn, nhân lực... Theo PGS.TS Phạm Đắc, để phát triển công nghiệp cơ khí, cần có sự ổn định của những chính sách phù hợp (chính sách thuế; tạo dung lượng thị trường; ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu...) để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp cơ khí. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ khí phải nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, tài chính và công nghệ; phát triển với các sản phẩm có chất lượng với chi phí sản xuất thấp; mở rộng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên kết “4 nhà” trong lĩnh vực cơ khí cần được đẩy mạnh để công nghiệp cơ khí phát triển, lấy lại vị thế ngành “xương sống” của cả nền sản xuất và tiêu dùng xã hội.

Theo Báo Hà Nội Mới

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-nghiep-co-khi-nan-giai-bai-toan-ton-tai-phat-trien-137462.html