Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực tăng trưởng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế và khu vực công nghiệp trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tín hiệu khả quan

Quý I/2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra của Bộ Công Thương, tăng 11,1% (mục tiêu 12%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (tăng 15,7%). Tuy nhiên, đây vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và nền kinh tế.

Sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện tử tăng trưởng khá tốt

Sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện tử tăng trưởng khá tốt

Nguyên nhân tăng trưởng thấp hơn mục tiêu bắt nguồn từ việc một số dự án lớn gặp khó khăn. Cụ thể, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2; Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm nên sản xuất và xuất khẩu tăng nhẹ (khoảng 1,02%).

Riêng với Samsung, Bộ Công Thương phân tích, hoạt động sản xuất của tập đoàn này tại Việt Nam có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ do bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tiêu thụ điện thoại thông minh toàn cầu. Và, dù mặt hàng điện thoại có suy giảm trong quý I nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm điện tử nhìn chung tăng trưởng khá tốt khi một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử dân dụng Việt Nam tiếp tục tạo dấu ấn như ti vi Asanzo, điện thoại Bphone và dự án Vinsmart, Vintech đi vào hoạt động.

Bộ Công Thương cũng kỳ vọng, với việc Samsung vừa ra mắt dòng điện thoại S10, số điện thoại sản xuất và xuất khẩu của Samsung sẽ tăng mạnh trong các tháng tới và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại (dự kiến khoảng giữa tháng 4 khởi động lại 100%), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khởi sắc.

Rà soát, tháo gỡ khó khăn

Các quý còn lại của năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn cho những dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ sẽ tạo điều kiện tối đa cho các dự án sản xuất công nghiệp vận hành, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; trong đó, tập trung vào dự án lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng. Dự kiến từ nay tới cuối năm, Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh sẽ phát huy hết công suất với 7,5 triệu tấn/năm; thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2019, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thúc đẩy ký kết hợp đồng dài hạn giữa Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam với các hộ tiêu thụ than để làm căn cứ xây dựng kế hoạch khai thác than dài hạn và khả thi... Ngoài ra, nhanh chóng hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may, triển khai giải pháp xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm...

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-dong-luc-tang-truong-118103.html