Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Sáng ngày 4/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Trong những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành và của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm đã vượt qua khó khăn thách thức, đạt được những kết quả toàn diện. Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành, bí thư, chủ tịch 63 tỉnh thành đã luôn sâu sát, quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, bảo đảm cuộc sống cho người dân ngày càng tốt hơn.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành và của nền kinh tế. Ảnh Chinhphu.vn

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành và của nền kinh tế. Ảnh Chinhphu.vn

Định hướng nội dung thảo luận trong cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đi thẳng vào những tồn tại, yếu kém, khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ ngành, từng địa phương phải đổi mới để cùng bàn, đưa ra đối sách, giải pháp, xử lý nhanh, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Lưu ý các bộ, ngành, địa phương về tinh thần, thái độ làm việc, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra rằng, vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực, bê trễ trong công việc. Đo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại, song tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của nước ta ước đạt 6,76%, mặc dù thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018, song cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017 và dự báo nếu không có những yếu tố bất thường thì dự báo năm 2019 có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6,8%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta cần có thái độ nhìn nhận nghiêm túc để thấy được trách nhiệm, đặc biệt là tìm được giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm. Ảnh Chinhphu.vn

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp, xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, ước đạt 8,93%, cao hơn dự kiến trong kịch bản tăng trưởng đã đề ra là 8,68%, trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao, tới 11,18%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành và của nền kinh tế.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao nên ngành thủy sản có mức tăng trưởng khá, đạt 6,45%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau, củ, quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng trưởng khá...

Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong công tác hội nhập quốc tế tiếp tục ghi nhận những kết quả rất tích cực, trong đó nổi bật là việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), mở ra cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp EU trong thời gian tới.

Cùng đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, công tác an sinh xã hội, tạo việc làm… tiếp tục được quan tâm đầu tư.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-dan-dat-tang-truong-kinh-te-121945.html