Ngành công nghiệp buôn bán, xuất khẩu con nuôi ở Hàn Quốc

Sau vụ bé gái 16 tháng tuổi bị cha mẹ nuôi bạo hành đến chết, các vấn đề liên quan quy trình, thủ tục và quá trình giám sát việc nhận con nuôi ở Hàn Quốc tiếp tục bị đem ra mổ xẻ.

Zing trích dịch bài đăng trên Nikkei Asia nói về cái chết của bé gái Hàn Quốc do bị cha mẹ nuôi lạm dụng và ngành công nghiệp nhận con nuôi tồn tại nhiều vấn đề ở quốc gia này.

Những người biểu tình cùng nhau hô vang cụm từ "án tử hình" được sơn màu đỏ trên khẩu trang của họ, trong khi đếm ngược đến ngày bắt đầu một phiên tòa tại Tòa án Quận Nam Seoul.

Đám đông đang chờ xem liệu các công tố viên có nâng tội danh thành tội giết người đối với một phụ nữ bị cáo buộc lạm dụng dã man dẫn đến cái chết của con nuôi 16 tháng tuổi, Jeong-in, vào tháng 10/2020 hay không.

Trước đó, các công tố viên bị chỉ trích vì quá khoan dung khi cho rằng người mẹ nuôi chỉ phạm tội ngộ sát. Trước áp lực dư luận, bản cáo trạng mới đây đã được sửa đổi.

"Điểm mấu chốt của bản cáo trạng sửa đổi là bị cáo đã gây thương tích bằng cách đạp mạnh vào lưng nạn nhân, với hiểu biết rằng tác động lực vào bụng nạn nhân vốn đã bị tổn thương trước đó hoàn toàn có thể dẫn đến tử vong", luật sư truy tố nói.

 Một bức ảnh của Jeong-in được đặt bên ngoài tòa án Seoul.

Một bức ảnh của Jeong-in được đặt bên ngoài tòa án Seoul.

Người mẹ nuôi bác bỏ cáo buộc, nói rằng cô "không có ý định làm nạn nhân chết” nhưng thừa nhận một số cáo buộc lạm dụng, bao gồm việc làm gãy xương đòn trái và xương sườn phải của Jeong-in.

Vụ việc đã gây xôn xao dư luận Hàn Quốc sau khi một phóng sự điều tra về cái chết của Jeong-in được phát sóng trên đài truyền hình SBS vào đầu tháng này. Chương trình lên án cảnh sát đã nhiều lần ngó lơ các báo cáo về việc đứa trẻ sơ sinh bị bạo hành dưới bàn tay của cha mẹ nuôi.

Trước khi Jeong-in qua đời, mẹ nuôi đã nắm lấy cả hai cánh tay của cô bé lắc mạnh và sau đó đánh ngất đứa trẻ. Sau khi nhận thấy Jeong-in bị thương nặng, người mẹ nuôi đã đưa cô bé đi cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ phát hiện nạn nhân bị bầm tím khắp người, nội tạng bị vỡ và gãy xương.

Khi phiên tòa xét xử người mẹ nuôi tiếp tục với bản cáo trạng sửa đổi, dư luận cũng đang hướng sự quan tâm đến cách “ngành công nghiệp sản xuất con nuôi” của Hàn Quốc hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua.

Ngành công nghiệp xuất khẩu con nuôi

Việc nhận con nuôi trở nên phổ biến ở Hàn Quốc sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Hơn 200.000 trẻ em đã được gửi ra nước ngoài làm con nuôi, phần lớn đến Mỹ.

Tobias Hubinette, một người nhận con nuôi và là học giả nghiên cứu về Hàn Quốc, đã viết trong nghiên cứu năm 2005 "Comforting an Orphaned Nation" rằng việc nhận nuôi người Hàn Quốc đã trở nên phổ biến ở các nước phương Tây, nơi tỷ lệ sinh giảm do tiếp cận với biện pháp tránh thai và phá thai, từ cuối những năm 1960.

Vào thời điểm đó, nhiều người di cư nông thôn Hàn Quốc phải trải qua cảnh nghèo đói ở chốn thành thị. Nhiều trẻ em bị buộc phải làm việc trong các nhà máy đã bị bỏ rơi và bị bắt cóc để làm con nuôi.

Việc bãi bỏ quy định đối với ngành nhận con nuôi, dẫn đầu bởi Holt International Children Services - cơ quan giúp Jeong-in được nhận nuôi, đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các trại trẻ mồ côi. Những cơ sở này luôn muốn dẫn đầu về tỷ lệ trẻ em được nhận nuôi, để được các tổ chức tình nguyện nước ngoài hỗ trợ tài chính.

Đỉnh điểm, năm 1985, khoảng 9.000 trẻ em từ các trại mồ côi Hàn Quốc được nhận nuôi. Việc nhận nuôi con trở thành một “ngành công nghiệp” với khả năng sản xuất, buôn bán, thậm chí xuất khẩu mà sản phẩm lại chính là những đứa trẻ.

Vòng hoa tưởng nhớ Jung-in được đặt gần văn phòng công tố ở Seoul. Ảnh: Yonhap.

Trước sự bùng nổ của ngành công nghiệp này, các nhóm vận động cho người nhận nuôi con đã nỗ lực thúc đẩy Đạo luật Nhận con nuôi được thông qua vào năm 2011.

Megy Dokyung Kim, chủ tịch Hiệp hội các gia đình mẹ đơn thân Hàn Quốc và là người vận động luật sửa đổi, cho biết những lỗ hổng trong hệ thống pháp lý thường gây hại cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất chính là những đứa trẻ được nhận nuôi.

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi, năm 2019 có 42 trẻ em tử vong do lạm dụng, 30.045 trường hợp xâm hại trẻ em được báo cáo cho các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Số liệu từ Thống kê Hàn Quốc cho thấy 302.676 trẻ sơ sinh được sinh ra ở Hàn Quốc trong năm đó, 704 trẻ được nhận làm con nuôi.

Trong đó, 13,35% trẻ em được nhận làm con nuôi là nạn nhân của lạm dụng, tỷ lệ cao gấp đôi so với trẻ em được cha mẹ ruột nuôi dưỡng.

Quy trình nhận nuôi sơ sài

Cha mẹ nuôi của Jeong-in bắt đầu quá trình nhận con nuôi vào cuối tháng 3/2020 với Holt - cơ quan nhận con nuôi lớn nhất ở Hàn Quốc.

Ba báo cáo riêng biệt nghi ngờ Jeong-in bị lạm dụng đã được đệ trình vào tháng 5, tháng 6 và tháng 9 bởi một bác sĩ nhi khoa đã khám cho cô bé, giáo viên và những người qua đường phát hiện cô bé bị bỏ lại một mình trong xe giữa thời tiết nắng nóng.

Khi nhà chức trách nhận thấy những vết bầm tím trên khắp cơ thể Jeong-in, cha mẹ nuôi của cô bé đã nói rằng họ đã nắn chân với hy vọng "giúp con không bị chân vòng kiềng". Cảnh sát đã không tiếp tục điều tra với lý do thiếu bằng chứng để xác định hành vi lạm dụng trẻ em.

Trong khi đó, ngày 22/12, Holt nói rằng họ đã làm theo hướng dẫn nhận con nuôi của Hàn Quốc bằng cách tổ chức các buổi tư vấn trong suốt 18 tháng và tiến hành chăm sóc theo dõi sau khi xác nhận việc nhận nuôi. Cơ quan này từ chối bình luận trường hợp của Jeong-in.

Người biểu tình bên ngoài tòa án ở Seoul.

Helen Noh, hiệu trưởng trường cao đẳng khoa học xã hội tại Đại học Soongsil, cho biết: “Làm theo hướng dẫn là mức tối thiểu và mới chỉ là bề nổi. Mỗi trường hợp nhận nuôi đều rất khác nhau và đáng lý ra những cơ quan như Holt phải có đủ chuyên môn nghiệp vụ để thể hiện vai trò giám sát của mình”.

Hướng dẫn do Bộ Y tế và Phúc lợi yêu cầu các bậc cha mẹ nuôi tương lai phải trải qua ít nhất 8 giờ giáo dục về các chủ đề như nuôi dạy trẻ, tâm lý và cảm xúc của con nuôi và các yêu cầu chung của việc nhận con nuôi.

Tuy nhiên, các chuyên gia về phúc lợi trẻ em đã bày tỏ lo ngại rằng 8 giờ là không đủ để nắm bắt thông tin cần thiết và những buổi học này thường do nhân viên tại các cơ quan nhận con nuôi thiếu đào tạo chuyên môn phụ trách.

Hàng loạt lỗ hổng

Trường hợp của Jeong-in là hồi chuông báo động về một ngành công nghiệp nhận con nuôi tồn tại nhiều vấn đề của Hàn Quốc. Thế nhưng, cô bé không phải là nạn nhân đầu tiên.

Năm 2016, Eun-bi, 4 tuổi, được đưa đến bệnh viện với đầy vết bỏng và bầm tím trên cơ thể. Cha mẹ nuôi của cô bé cho biết những vết thương này là do em bất cẩn làm đổ mì ramen. Cảnh sát đã dừng điều tra vì “thiếu bằng chứng cáo buộc tội lạm dụng trẻ em”.

Giáo sư Do Mee-hyang, giảng viên về phúc lợi trẻ em tại Đại học Namseoul, cho biết: “Vì trẻ nhỏ không thể thực hiện quyền nói hoặc thể hiện bản thân nên xã hội có xu hướng không suy nghĩ thấu đáo về quyền con người của chúng. Trẻ em vẫn chỉ được xem như tài sản của cha mẹ, những người có thể bị kiểm soát một cách mù quáng”.

18 dự luật liên quan đến lạm dụng trẻ em được quốc hội Hàn Quốc thông qua.

Tuần trước, quốc hội Hàn Quốc đã thông qua 18 dự luật liên quan đến lạm dụng trẻ em, trong đó nêu rõ trừng phạt thể chất là bất hợp pháp và yêu cầu cảnh sát ngay lập tức bắt đầu điều tra khi có báo cáo về tình trạng lạm dụng. Một nhà lập pháp cũng đã đệ trình dự luật tăng gấp đôi mức án đối với những kẻ lạm dụng trẻ em, song dự luật này không được thông qua.

Trong khi nhiều nhà quan sát cảm thấy nhẹ nhõm khi công tố viên quyết định tăng tội danh đối với cha mẹ nuôi của Jeong-in, Kim Yeong-ju, một luật sư chuyên về lạm dụng trẻ em, nói rằng nó chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một con đường dài phía trước.

“Không một ai làm đúng công việc của họ, và tất cả đều thất bại với Jeong-in theo một cách nào đó, từ cơ quan thực thi pháp luật đến các cơ quan nhận con nuôi và dịch vụ bảo vệ trẻ em. Không chỉ có một hoặc hai lỗ hổng trong hệ thống này”, Kim nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-cong-nghiep-buon-ban-xuat-khau-con-nuoi-o-han-quoc-post1174943.html