Ngành công nghiệp Bình Dương tăng trưởng khá

Trong 8 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương tăng 6,47% so cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng gần 99% giá trị sản xuất toàn ngành, tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng kinh tế của Bình Dương.

Công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự đồng thuận, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN), Bình Dương đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” là vừa chống dịch vừa chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh thích ứng với tình hình mới.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - cho biết, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng ngành công thương tỉnh liên tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho cộng đồng DN. Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020 tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp của Bình Dương tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng khá.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng kinh tế của Bình Dương

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng kinh tế của Bình Dương

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương tăng 6,47% so cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 98,9% giá trị sản xuất toàn ngành, tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội của Bình Dương.

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, chỉ số công nghiệp tăng 9,3% so với tháng 7 và tăng 12,7% so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% so với tháng 7 và tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,79%; kim loại tăng 10,1%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 9,9%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,57%; thiết bị điện tăng 8,05%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 7,39%...

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp

Dự báo, trong 4 tháng cuối năm 2020, sản xuất công nghiệp vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngành Công Thương đã chủ động nắm bắt tình hình, tích cực tham mưu và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm duy trì và phát triển sản xuất.

Theo đó, Sở Công Thương Bình Dương đã tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh các đề án phát triển công nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN phát triển sản xuất kinh doanh, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển công nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Hà cho hay, hiện Sở Công Thương đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện 2 đề án hỗ trợ ngành gỗ và cơ khí cho các DN trên địa bàn, thúc đẩy sản xuất đối với các ngành ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực từ nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo nhận định của Sở Công Thương Bình Dương, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN tiếp cận thị trường, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Kỳ vọng trong thời gian tới thúc đẩy tăng trưởng các ngành nghề, lĩnh vực mà DN được hưởng lợi như dệt may, da giày, điện tử…

Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND Bình Dương: Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Bình Dương tiếp tục triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-nghiep-binh-duong-tang-truong-kha-143433.html