Ngành công nghệ Trung Quốc mất nhiều hơn được trong cuộc chiến thương mại

Trung Quốc có khả năng sẽ phải chịu thiệt nhiều hơn phía Mỹ từ những căng thăng thương mại hiện tại, vốn đã lan sang lĩnh vực công nghệ. Đây là nhận định từ phía Parry Global, tập đoàn cung cấp dịch vụ đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông.

Ảnh: Epoch Times

Trả lời CNBC, Gavin Parry, Giám đốc điều hành của Parry Global cho rằng lý do là bởi phần lớn những công ty công nghệ của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc hiện đang đối mặt với áp lực từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu chuyển việc sản xuất về Mỹ và tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế trong nước. Và nếu việc dịch chuyển này xảy ra, rất nhiều người tại Trung Quốc sẽ mất việc làm.

Đầu tuần này, Tổng thống Trump đã công bố danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà chính quyền Mỹ muốn áp thuế với mục tiêu ngăn chặn các hành vi thương mại không công bằng. Các lĩnh vực được đề xuất bao gồm các sản phẩm sử dụng cho công nghệ robot, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông và không gian vũ trụ. Đây là những lĩnh vực mà các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch phát triển ngành công nghiệp của Trung Quốc.

“Nhiều người cho rằng Mỹ sẽ là kẻ bại lớn nhất trong cuộc chiến thương mại, tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng mất nhiều hơn được”, ông Parry đánh giá.

Lấy tập đoàn Apple làm ví dụ. Linh kiện công nghệ khổng lồ cho điện thoại iPhone của hãng đều có nguồn gốc từ các công ty của Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix. Những linh kiện này sau đó được lắp ráp bởi các tập đoàn như Foxconn của Đài Loan, Trung Quốc.

Như vậy là phần lớn việc lắp ráp iPhone diễn ra ở Trung Quốc. Theo một bài viết của tờ Nhật báo Trung Quốc được đăng vào năm ngoái, dữ liệu cho thấy gần một nửa số iPhone được sản xuất tại nhà máy của Foxconn tại Trịnh Châu, thuộc miền Trung của nước này. Có tới 94 dây chuyền sản xuất iPhone với 350.000 nhân công tại nhà máy này. Vì vậy, nếu như Apple và Foxconn chuyển một vài dây chuyền sản xuất của mình về Mỹ, thì hẳn là nhiều người ở Trịnh Châu sẽ mất việc.

Tháng Một vừa qua, Apple công bố các khoản đầu tư hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, qua đó dự kiến sẽ đóng góp 350 tỷ USD cho kinh tế nội địa và tạo mới khoảng 20.000 việc làm trong vòng 5 năm tới, cùng với hỗ trợ cải tiến công nghệ giữa các nhà sản xuất trong nước.

Ngoài Apple, chính quyền Tổng thống Trump có thể đưa ra các ưu đãi thuế và chính sách khuyến khích khác nhằm thúc đẩy nhiều công ty công nghệ của nước này đưa hoạt động sản xuất về quê hương. Điều này, về lý thuyết, sẽ tăng sức mạnh cho kinh tế trong nước, trong khi thuế nhập khẩu tiếp tục gây áp lực lên phía Trung Quốc.

Thêm vào đó, Bắc Kinh vẫn cần những việc làm mang tính giá trị gia tăng mà các công ty của Mỹ đem lại, để tăng sức mua và phát triển tầng lớp trung lưu của nước này. Theo Parry, những yếu tố này đủ khả năng tạo ra “gợn sóng” ở Trung Quốc, không lớn nhưng đủ để ông Trump có thể yêu cầu Trung Quốc đàm phán.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ còn leo thang đến đâu trước khi quan chức hai nước ngồi vào bàn đàm phán?

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ còn leo thang đến đâu trước khi quan chức hai nước ngồi vào bàn đàm phán?

Thông tin từ Reuters, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tuần này cho biết danh mục hàng hóa chịu thuế được lập bằng cách sử dụng thuật toán máy tính được thiết kế để chọn ra các mặt hàng có thể làm tổn hại cao nhất xuất khẩu của Trung Quốc và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.

Theo Ma Tieying, chuyên gia kinh tế của ngân hàng DBS, Singapore, danh sách áp thuế của Mỹ tập trung vào các cấu phần công nghệ, như bảng mạch lắp ráp, điện trở và thiết bị bán dẫn, thay vì các mặt hàng hoàn chỉnh như điện thoại di động hay máy tính.

“Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu bao gồm thành phẩm, đặc biệt là máy tính và hàng điện tử tiêu dùng giá trị gia tăng tương đối thấp. Hầu hết các sản phẩm này không phải là mục tiêu trực tiếp của Mỹ trong danh sách mặt hàng chịu thuế”, ông Ma nhận định.

Điều này có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ không phải chịu mức tăng đáng kể về giá các mặt hàng điện tử từ Trung Quốc.

Giám đốc điều hành của Parry Global cho rằng, rốt cuộc cả Washington và Bắc Kinh cũng sẽ ngồi vào bàn đàm phán đề giải quyết các tranh chấp thương mại hiện tại, và những hành động ăn miếng trả miếng gần đây chỉ nhằm gia tăng vị thế của từng bên.

Thứ Tư vừa rồi, Trung Quốc tuyên bố tăng thuế nhập khẩu đối với 106 mặt hàng xuất xứ từ Mỹ, bao gồm đậu nành, xe hơi, máy bay và trang bị quốc phòng. Có ý kiến cho rằng quyết định của Bắc Kinh đối với hạt đậu nành là một đòn chính trị nhằm vào nền tảng hỗ trợ của ông Trump, bởi vốn dĩ rất nhiều nông dân ngành này ủng hộ ông Trump từ khi còn tranh cử.

Dean C. Garfield, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin Mỹ cho rằng, thị trường Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ tương hỗ trong lĩnh vực công nghệ, hai bên khó có thể tách rời nhau.

Phát biểu trong chương trình “Squawk Box” của kênh truyền hình CNBC, ông Garfield khẳng định, mặc dù Trung Quốc đã có hành vi lạm quyền tư cách thành viên của WTO, ưu tiên các công ty quốc nội trước đối thủ cạnh tranh nước ngoài, nhưng ông không đồng tình với quyết định tăng thuế của chính quyền Tổng thống Trump.

“Lịch sử đã chứng minh rằng thuế quan không phải là biện pháp hiệu quả. Người tiêu dùng Mỹ hơn ai hết sẽ nhận thấy rõ tác động của điều này”, ông Garfield phân tích thêm.

Trung Quốc đứng trước các cáo buộc, phần lớn là do cách mà nước này từ chối việc mở cửa thị trường. Tuy vậy, kết quả của việc áp thuế mới sẽ khiến cho không chỉ Trung Quốc chịu thiệt hại mà cả nước Mỹ, cũng như thị trường toàn cầu, trừ phi tồn tại một nỗ lực đa quốc gia kéo các bên ngồi vào bàn đàm phán”.

Trung Quốc có thể dùng truyền thông, chính sách để thắng tranh chấp với Mỹ?

Nhìn lại một tháng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ muốn áp thuế thêm 100 tỷ USD với hàng Trung Quốc

XUÂN QUỲNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/nganh-cong-nghe-trung-quoc-mat-nhieu-hon-duoc-trong-cuoc-chien-thuong-mai-3443741.html