Ngành công nghệ thông tin thiếu hụt nhân lực

Dự đoán của Công ty tuyển dụng Vietnamworks đến cuối năm 2018, nhân lực ngành công nghệ thông tin cần khoảng 400.000 người. Các vị trí đang khan hiếm chủ yếu là lập trình viên có kinh nghiệm.

Đào Ngọc Thạch

Tại hội thảo các ngành nghề tương lai của thời đại công nghệ thông tin diễn ra vào ngày 18.9 vừa qua tại TP.HCM, tiến sĩ Alan Sixsmith, ĐH Công nghệ Sydney, chia sẻ: “Sự thiếu hụt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên nghiêm trọng tại châu Á. Hiện nay, ước tính số lượng người hoạt động trong lĩnh vực này chỉ 300.000 người nhưng nhu cầu thực tế lên đến vài triệu chuyên gia. Trong tương lai gần, ngành công nghệ nghiên cứu ứng dụng AI vào các ngành khác còn cần lượng lớn nhân viên với nhiều vị trí”.

Do hệ quả của thiếu hụt nhân lực, lương ngành công nghệ thông tin ở VN hiện đang đứng ở mức cao. Theo bảng hướng dẫn lương do Adeco VN (công ty tuyển dụng) thống kê, lương trung bình cho những người có 1 - 2 năm kinh nghiệm thấp nhất từ 15 - 30 triệu đồng/tháng.

Mới ra trường hồi tháng 4.2018 nhưng từ tháng 10.2017, Lưu Thái Minh Khôi, cựu sinh viên công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã đi làm chính thức ở một công ty lớn. Minh Khôi chia sẻ: “Do đặc thù về ngành, sau kỳ thực tập, mình trở thành nhân viên chính thức ở vị trí kỹ sư viết và vận hành phần mềm tại Công ty Novobi, có trụ sở chính tại Austin, Texas (Mỹ). Trong văn phòng mình cũng có nhiều sinh viên năm 3 tham gia chương trình thực tập sinh rồi trở thành nhân viên chính thức”.

Giảng viên Phạm Nguyễn Sơn Tùng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Quan trọng nhất đối với sinh viên ngành công nghệ thông tin là khả năng tự học. Những gì học ở trường chỉ đáp ứng những kiến thức nền tảng cho việc đi làm sau này. Muốn đi xa hơn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh viên phải tự học khá nhiều, trang bị thêm kiến thức về Blockchain, Algorithm (thuật toán), Data Science (khoa học dữ liệu), AI... Các bạn cần tự học, tự làm dự án, chọn chuyên ngành mà mình thích để theo đuổi, sau đó phấn đấu theo lộ trình để trở thành chuyên gia trong chuyên ngành đó”.

Ngoài tiếng Anh, tiến sĩ Alan Sixsmith cũng chia sẻ thêm: “Sinh viên cần trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội, xây dựng và làm việc nhóm cũng như kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Các kỹ năng sẽ giúp ứng viên nắm bắt được cơ hội, tiến xa trong ngành công nghệ thông tin”.

Nguyên Trang

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nganh-cong-nghe-thong-tin-thieu-hut-nhan-luc-1007098.html