Ngành cơ khí Việt Nam trước thềm CMCN 4.0: 'Cung' chưa đáp ứng 'cầu'

Theo giới chuyên gia, ngành cơ khí Việt Nam dù có nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang có những biến chuyển mạnh mẽ

Nhiều tín hiệu tích cực

Phát biểu tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức ngày 5/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Đây là ngành có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Đồng thời, đảm bảo khả năng tham gia sâu của nền kinh tế vào mảng sản xuất và phân phối toàn cầu, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững và dài hạn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bảo Lâm

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bảo Lâm

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để phát triển công nghiệp cơ khí. Nhờ đó, ngành cơ khí trong nước đã đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp cơ khí tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016 trong khi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD. Nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước được thay thế, dây chuyền sản xuất trong các nhà máy được đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa ngày một nâng cao góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của một số tập đoàn đa quốc gia.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí cũng như cần giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

“Bộ Công Thương sẽ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hóa thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, đề xuất việc hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nói thêm, Bộ này sẽ đề xuất xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hóa thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Bộ sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp đề xuất những điều chỉnh về chính sách thuế nhằm tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, cũng như hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành cơ khí...", lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin thêm.

“Cung” chưa đáp ứng “cầu”

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí hiện ước đạt 50 tỷ USD; trong đó sản xuất trong nước 16 tỷ USD. Như vậy, ngành cơ khí cả nước mới chỉ đáp ứng 32,5% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn mục tiêu đề ra là tới năm 2003 phải đáp ứng được 45-50% nhu cầu trong nước.

Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngành cơ khí mới đáp ứng được 34,5% nhu cầu cơ khí của cả nước, không hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chiến lược (mục tiêu năm 2010 của ngành này đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước).

Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, thực tiễn sau 20 năm phát triển ngành này, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu với thế giới.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng ngành cơ khí Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh gay gắt của các nước có nền công nghiệp cơ khí hiện đại. Ảnh: Bảo Lâm

Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển mới ở trình độ công nghệ thời 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực... thua kém các nước trong khu vực. Từ đó, cơ khí Việt Nam rơi vào tình cảnh “thua trên sân nhà” trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, ông Long cho rằng, hệ thống chính sách và bộ máy quản lý nhà nước đối với sản xuất cơ khí nội địa không hữu hiệu, không đi vào cuộc sống, không bảo vệ được thị trường nội địa, mất nhiều đơn hàng cho nước ngoài...

Chưa kể, tình trạng đầu tư tự phát, yếu kém trong nghiên cứu thị trường, quản lý sản xuất, thiết bị công nghệ yếu kém dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam khó cạnh tranh. Sản phẩm cơ khí Việt Nam hiện nay chủ yếu gia công kết cấu thép, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho biết, mục tiêu tổng quát đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về xuất khẩu, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Cụ thể, đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu. Sau năm 2025, hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp; hình thành một số nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ công trình công nghiệp.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nganh-co-khi-viet-nam-truoc-them-cmcn-40-cung-chua-dap-ung-cau-d148607.html