Ngành Chứng khoán: Sung sức tuổi 20

Thành quả của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được hôm nay có thể là điều mà những 'người khởi thủy' 20 năm trước chưa dám nghĩ tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có diện mạo mới, chất lượng mới trong giai đoạn phát triển 10 - 20 năm tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có diện mạo mới, chất lượng mới trong giai đoạn phát triển 10 - 20 năm tới.

Nhìn lại chặng đường đó không những đầy tự hào, mà với sức trẻ tuổi 20, thị trường chứng khoán Việt Nam có đủ điều kiện để phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp tục ra khơi, chinh phục biển lớn.

Trưởng thành vượt bậc

Gần 24 năm thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và vừa đón sinh nhật tuổi 20 nhân ngày thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đi vào hoạt động. Chặng đường này chưa thực sự dài, nhưng thành quả đạt được hôm nay của TTCK Việt Nam là minh chứng cho một sự trưởng thành vượt bậc.

Chặng đường đó có thể có những thăng trầm, nhưng sau hơn 20 năm kể từ ngày đi vào vận hành, TTCK Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vị trí, vai trò của TTCK là không thể phủ nhận và ngày một lớn lên. Hay có thể nói như nguyên Chủ tịch UBCKNN đầu tiên – ông Lê Văn Châu: “Cho đến nay, có lẽ khó hình dung ra sao nếu trong tiến trình phát triển nền kinh tế đất nước mà không có TTCK. Để TTCK phát triển được như hôm nay, chúng ta đã xây dựng được một nền móng vững chắc cho một tương lai phát triển lâu dài”.

“Từ những ngày đặt “viên gạch đầu tiên” xây dựng TTCK, nhìn lại không ít những thăng trầm, đã có những lúc tưởng như khó vượt qua, nhưng TTCK Việt Nam vẫn vững vàng, từng bước phát triển vững chắc, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước” – nguyên Chủ tịch UBCKNN Lê Văn Châu – đại diện một thế hệ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “khai sơn phá thạch” chia sẻ.

TS. Vũ Bằng – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch UBCKNN cũng cho biết, dù “vạn sự khởi đầu nan” và từ “hai bàn tay trắng”, nhưng TTCK Việt Nam đã được xây dựng thành công. TTCK đã phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu với nhiều thị trường, đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, doanh nghiệp (DN) niêm yết, hệ thống công nghệ được trang bị hiện đại, vấn đề minh bạch và công bố thông tin đã thay đổi tích cực.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, nhờ có định hướng, quyết tâm và quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng nỗ lực, sáng tạo và cả sự đồng lòng, đồng cam cộng khổ của “những người khởi thủy”, TTCK đã được ra đời và về cơ bản phát triển thuận lợi. “Nếu thế hệ đi trước không quyết tâm, không dũng cảm thì sẽ khó có được một TTCK phát triển tương đối toàn diện như hôm nay” – ông Trần Văn Dũng nói.

Lãnh đạo UBCKNN cho biết, trong suốt chặng đường phát triển của mình, TTCK đã không ngừng lớn mạnh về mặt tổ chức và cơ cấu. Từ một Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, đến nay TTCK Việt Nam đã có 2 sở giao dịch chứng khoán và 1 trung tâm lưu ký chứng khoán cùng nhau vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường. Cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu lúc ban đầu, đến nay đã có thêm các thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), TTCK phái sinh và sắp tới là thị trường trái phiếu DN.

Quy mô của TTCK đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho DN và Chính phủ. Thị trường cổ phiếu khởi nguồn có 2 DN, đến nay đã có trên 1.600 DN niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP. Nhiều DN đã huy động được một lượng vốn lớn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thị trường TPCP mới chính thức ra đời được hơn 10 năm nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ, góp phần hiệu quả vào tái cơ cấu nợ công. TTCK phái sinh mặc dù mới ra đời được hơn 3 năm nhưng đã phát triển nhanh chóng, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu.

Cùng với đó, TTCK đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy cổ phần hóa DN nhà nước. Hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK ngày càng hoàn thiện; công nghệ giao dịch, thanh toán phục vụ cho giao dịch chứng khoán của NĐT đã được cải tiến không ngừng. TTCK đã thu hút đông đảo các NĐT trong và ngoài nước với trình độ ngày càng cao, từ 3.000 tài khoản năm 2000, đến nay đã đạt trên 2,5 triệu tài khoản.

Ngoài ra, công tác quản lý thị trường, thanh tra, giám sát đã được củng cố, tăng cường theo nhu cầu phát triển của TTCK. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của TTCK được nâng cấp dần và được sửa đổi toàn diện để bảo đảm tính đồng bộ trong môi trường đầu tư.

Phát triển với diện mạo mới, chất lượng mới

Chủ tịch UBCKNN cho rằng, những thành quả mà TTCK đạt được và truyền thống tốt đẹp của ngành Chứng khoán là nền tảng, là hành trang đủ lớn để thế hệ hôm nay phát triển TTCK Việt Nam bền vững, minh bạch hơn trong 10 hay 20 năm tới.

“Nếu như 20 năm qua là giai đoạn phát triển ban đầu và gặt hái được nhiều thành công thì tiếp theo sẽ là giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh hơn về chất, để khẳng định vị trí của TTCK trong nền kinh tế” – ông Trần Văn Dũng khẳng định.

Liên quan đến chặng đường trong 10, 20 năm tới, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, đầu tiên là TTCK có Luật Chứng khoán 2019, hiệu lực từ 1/1/2021. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, để chuyên nghiệp hóa các mảng thị trường. Cùng với đó, một nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành Chứng khoán là đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành trong năm 2021, mở đường cho triển khai một loạt sản phẩm, dịch vụ mới.

Theo đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm”, Chính phủ đã đặt mục tiêu cho ngành Chứng khoán là phải triển khai thành công từng bước cải cách nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Cùng với sự cộng hưởng của hệ thống công nghệ mới được đưa vào vận hành trong năm tới, sự đồng bộ của 3 luật gồm Luật Chứng khoán, Luật DN, Luật Đầu tư, sẽ tháo gỡ nhiều rào cản cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. “Với những gì đã làm được và những những giải pháp rõ ràng sắp tới, ngành Chứng khoán tự tin đặt mục tiêu sẽ hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường trước hạn” – ông Trần Văn Dũng nói.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thúc đẩy quản trị công ty, áp dụng chuẩn mực quốc tế trong lập và công khai báo cáo tài chính. Trong đó, trước mắt là trình các cấp có thẩm quyền áp dụng thí điểm chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với các DN niêm yết, đồng thời thúc đẩy thực thi chuẩn mực mới về quản trị công ty… Cùng với đó là vận hành thị trường trái phiếu DN chuyên biệt, nhằm tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả và minh bạch hơn cho DN.

“Dù là ngành non trẻ trong bề dày lịch sử 75 năm vẻ vang của ngành Tài chính, nhưng với những gì đã và đang có, cộng với quyết tâm, sức trẻ tuổi 20, ngành Chứng khoán Việt Nam sẽ viết tiếp trang sử vẻ vang. TTCK Việt Nam sẽ có diện mạo mới, chất lượng mới trong giai đoạn phát triển 10 - 20 năm tới…” – Chủ tịch UBCKNN thể hiện quyết tâm.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-08-28/nganh-chung-khoan-sung-suc-tuoi-20-91644.aspx