Ngành chế biến gỗ: Tận dụng hiệu quả các lợi thế

Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) sẽ được hiệp hội, DN ngành chế biến gỗ thực hiện đồng bộ, có chiến lược bài bản, cụ thể hơn trong năm 2019 để tận dụng hiệu quả những lợi thế mà Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đem lại.

Tiếp đà xuất khẩu ấn tượng từ năm 2018, 2 tháng đầu năm 2019, ngành chế biến gỗ của Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Nhiều DN khẳng định, các đơn hàng xuất khẩu (XK) đã được đối tác nhập khẩu chốt đến hết năm 2019. Điều này cho thấy, mục tiêu kim ngạch 11 tỷ USD của ngành trong năm nay là hoàn toàn khả quan.

Khẳng định ngành chế biến gỗ đã có sự bứt phá ngoạn mục, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, cách đây 15 năm, kim ngạch XK gỗ chỉ đạt mấy trăm triệu USD thì năm 2018 đã đạt gần 9,4 tỷ USD. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm và hướng đi đúng đắn về đường lối đẩy mạnh XK của Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan. Quan trọng hơn, chính DN đã chủ động cải tiến mẫu mã, chất lượng để nâng sức cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường khó tính.

Doanh nghiệp ngành gỗ nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh

Doanh nghiệp ngành gỗ nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, điểm quan trọng góp phần đưa ngành gỗ phát triển là công tác XTTM đã được Chính phủ, Bộ Công Thương và các địa phương chú trọng, đầu tư thỏa đáng nhằm hỗ trợ DN tiếp cận thị trường.

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - nhìn nhận, để đạt mục tiêu XK 11 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã "đặt hàng", trong năm nay, ngành gỗ sẽ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, từ xây dựng thương hiệu, đầu tư dây chuyền công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm tới công tác XTTM để tiếp cận thị trường thế giới.

Trên thực tế, các hoạt động XTTM trong nhiều năm nay đã được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như HAWA thực hiện thường xuyên, liên tục để tìm kiếm thị trường, nguồn cung nguyên liệu cho các DN hội viên. Tuy nhiên, trong năm nay, việc XTTM sẽ được nâng tầm hơn bằng các chương trình xúc tiến có chọn lọc và thiết kế riêng những hội chợ, triển lãm mang tầm khu vực nhằm tận dụng tối đa những lợi thế của Hiệp định CPTPP.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, xác định kênh XTTM qua hình thức hội chợ, triển lãm là hiệu quả và ít tốn tiền nhất, HAWA sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn DN tham gia những sự kiện đồ gỗ ở nước ngoài để hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đặc biệt, việc XTTM ngay tại nội địa trong năm 2019 sẽ được HAWA nâng chất hơn. Cụ thể, cùng với việc tổ chức triển lãm quốc tế Vifa Expo, triển lãm nội địa Vifa Home, HAWA đang hoàn tất những khâu cuối cùng để có thể tổ chức Vifa Gu - triển lãm phong cách sống và giải pháp trọn gói cho không gian nội thất vào tháng 5/2019.

Bên cạnh đó, ngành gỗ sẽ đẩy mạnh XTTM qua thương mại điện tử. Các DN chế biến gỗ đang từng bước nâng cao năng lực tiếp cận, marketing và thiết kế gian hàng trên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng. Với các giải pháp này, DN ngành gỗ sẽ có cơ hội bán hàng nhiều hơn cho khách mua quốc tế, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch XK và đạt mục tiêu đã đề ra.

Ông Huỳnh Quang Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long : CPTPP sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường lớn cho DN gỗ, song đơn hàng sẽ không tự tới mà chúng ta phải chủ động tìm kiếm bằng việc XTTM tới các thị trường mới thông qua khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước này.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-che-bien-go-tan-dung-hieu-qua-cac-loi-the-116858.html