Ngành chăn nuôi vượt khó trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh

Năm 2020 là một năm khó khăn của ngành chăn nuôi khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi,... ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của toàn ngành. Dù vậy, tính đến thời điểm này, tình hình của ngành chăn nuôi đã có những tín hiệu tích cực.

 Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trong năm 2020, nhưng đến nay, công tác tái đàn lợn đã được thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương (Ảnh minh họa: GV)

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trong năm 2020, nhưng đến nay, công tác tái đàn lợn đã được thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương (Ảnh minh họa: GV)

Tổng đàn lợn cả nước đã đạt khoảng 26,1 triệu con

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, năm 2020, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, ngoài tác động của đại dịch COVID-19, ngành còn chịu tác động không nhỏ của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và bão, lũ lịch sử tại các tỉnh khu vực miền Trung, biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu gây ra.

Trước bối cảnh khó khăn, trong năm 2020, ngành chăn nuôi đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Bộ giao, triển khai nhiệm vụ trọng tâm về công tác chỉ đạo tái đàn, tăng đàn lợn, đáp ứng đủ nguồn cung con giống cho nhu cầu sản xuất nhằm tăng nguồn cung lợn thịt, góp phần giảm giá sản phẩm và ổn định thị trường. Đồng thời, triển khai chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm,...

Đáng chú ý, trong công tác phòng, chống DTLCP, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ban, ngành và cả hệ thống chính trị, sau 11 tháng, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Trong đó, Cục Chăn nuôi đã tham mưu trình Bộ NN&PTNT ban hành Văn bản số 2608/BNN-CN ngày 15/4/2020 về việc triển khai một số biện pháp phát triển chăn nuôi lợn và kiểm soát giá thịt lợn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở các cấp độ khác nhau để duy trì đàn lợn giống.

Trên cơ sở đó, theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 10/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 26,1 triệu con, tương đương với 85% đàn lợn khi chưa có xảy ra DTLCP (tháng 1/2019). Các doanh nghiệp lớn đều cho kết quả tái đàn và mở rộng quy mô đàn lợn rất cao. Riêng báo cáo của 16 đơn vị, doanh nghiệp chăn nuôi cho thấy, đàn lợn thịt đến hết tháng 10/2020 đạt trên 5,55 triệu con, tăng so với 1/1/2019 là 59,8% và so với 1/1/2020, tăng 55,3%.

Bên cạnh đó, theo thống kê của ngành chăn nuôi, trong năm 2020, sản lượng thịt gia cầm hơi các loại đạt trên 1,42 triệu tấn, tăng khoảng 9,2%, sản lượng trứng đạt 14,5 tỷ quả, tăng khoảng 9,5% so với năm 2019. Sản lượng thịt bò hơi đạt khoảng 372,5 nghìn tấn, tăng khoảng 4,8% so với năm 2019. Giá trị sản xuất chăn nuôi ước cả năm 2020 tăng khoảng 5% so với năm 2019.

Về tình hình thị trường chăn nuôi, năm 2020, ghi nhận diễn biến ở mức cao của giá thịt lợn. Có thời điểm, giá thịt lợn hơi tăng cao và cán mốc 100 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp được triển khai, bắt đầu từ tháng 9/2020, giá thịt lợn hơi đã có chiều hướng giảm và giảm nhanh trong cuối tháng 10, và tháng 11. Hiện nay, giá thịt lợn hơi bình quân tại khu vực các tỉnh phía Bắc dao động từ 68.000-71.000 đồng/kg, khu vực phía Nam và miền Trung không có sự chênh lệch đáng kể, giá bình quân dao động từ 68.000-70.000 đồng/kg.

Cùng với nhiệm vụ phát triển sản xuất, trong năm 2020, ngành Chăn nuôi còn triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất sau bão, lũ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Chăn nuôi cùng với Cục Thú y và Trung tâm khuyến nông Quốc gia,…kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ con giống, vật tư chăn nuôi thú y cùng với nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ con giống, vật tư chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất, sớm có sản phẩm vào các tháng cuối năm. Trong đó, định hướng tập trung khôi phục nhanh đàn gia cầm và thủy cầm để giúp người dân nhanh chóng có được thu nhập, góp phần nhanh chóng ổn định đời sống.

Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất đạt khoảng 5,5-6%

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, tình hình sản xuất chăn nuôi trong năm 2021 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, do dịch bệnh, nhất là DTLCP vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và tăng trưởng sản xuất chăn nuôi. Thời tiết, khí hậu ngày càng biến đổi cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển chăn nuôi bền vững.

Đi cùng với đó là áp lực của thị trường, việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn, thịt gia súc ăn cỏ gia tăng sẽ là những thách thức đối với sản xuất chăn nuôi trong nước. Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tác động bao trùm đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Nguồn lực xã hội đầu tư cho ngành chăn nuôi tiếp tục là những khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất và tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi trong nước.

Mặc dù còn nhiều thách thức, tuy nhiên, năm 2021, ngành Chăn nuôi đề ra mục tiêu, tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 5,5-6%. Sản lượng thịt các loại đạt trên 5,7 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 547,3 nghìn tấn (tăng 7,9%). Sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn (tăng 11,5%).

Để đạt được mục tiêu đề ra, Cục Chăn nuôi cho biết, ngành sẽ tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là DTLCP, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm và xử lý triệt để ngay những bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện còn trong phạm vi hẹp. Tập trung chỉ đạo triển khai giải pháp phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sữa, thịt gia cầm, yến và tơ tằm.

Cùng với giải pháp trên, Cục Chăn nuôi sẽ tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi; kiểm soát việc sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất công nghiệp trong chế biến thức ăn chăn nuôi,…

Trong đó, với chăn nuôi lợn, ngành tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát bệnh DTLCP, triển khai các biện pháp khôi phục, mở rộng quy mô đàn lợn. Khôi phục, nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở giống lợn, đáp ứng đủ số lượng giống bố mẹ cho nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, hoàn thiện và phổ biến rộng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho các loại hình chăn nuôi. Phát triển các mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết, phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng, từng phân khúc thị trường.

Về chăn nuôi gia cầm, điều chỉnh quy mô đàn phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu theo từng quý trong năm, tránh tình trạng mất cân đối cung - cầu ảnh hưởng đến thị trường và thu nhập của người chăn nuôi. Nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống gia cầm, nhất là nguồn gốc xuất xứ và lý lịch con giống.

Với chăn nuôi gia súc ăn cỏ, theo Cục Chăn nuôi, ngành sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh viêm da nổi cục, không để bệnh này trở thành dịch lớn trên toàn đàn. Đồng thời, mở rộng mô hình chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò bằng giải pháp thâm canh trồng cỏ, ngô sinh khối kết hợp ủ ướp với các loại phụ phẩm nông, công nghiệp. Phát triển công nghiệp giết mổ tập trung và chế biến các sản phẩm thịt gia súc ăn cỏ, tăng sản phẩm thịt mát cung cấp cho thị trường./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nganh-chan-nuoi-vuot-kho-trong-boi-canh-anh-huong-dich-benh-571748.html