Ngành chăn nuôi trước thềm TPP

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) sẽ là cơn gió mạnh, thổi bùng ngọn lửa lớn và dập tắt ngọn lửa nhỏ. Doanh nghiệp khẳng định được bản lĩnh thị trường bằng chất lượng sản phẩm và chiến lược kinh doanh là chiến lược đối phó với TPP, mà Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu là một ví dụ.

Em bé người Dao tại Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La được uống sữa miễn phí từ chương trình sữa học đường của Mộc Châu Milk tài trợ. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Em bé người Dao tại Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La được uống sữa miễn phí từ chương trình sữa học đường của Mộc Châu Milk tài trợ. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Mỗi người chăn nuôi là một chủ doanh nghiệp

Xin đi từ một doanh nghiệp có tiếng về sản xuất kinh doanh chăn nuôi bò sữa, đang mang lại nguồn phúc lợi xã hội đáng kể cho cả vùng Tây Bắc: Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk). Doanh nghiệp này tiền thân là nông trường của những người lính Tây Bắc năm xưa ra quân làm kinh tế. Kiên định với phương thức khoán hộ nông dân nông trường từ thập kỷ 90 tới nay, Mộc Châu Milk hiện là doanh nghiệp ngành sữa duy nhất sản xuất nông hộ là chính, bên cạnh những trang trại vệ tinh và cung cấp giống, kỹ thuật. Người chăn nuôi ở đây được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và được sản xuất trong một môi trường nông trại không tường rào. Họ nhận được sự hậu thuẫn tối đa của doanh nghiệp đến độ không gặp bất cứ rủi ro nào trong sản xuất suốt thập kỷ qua.

Một trong những lo ngại từ phía doanh nghiệp là có thể những người nông dân chăn bò của họ không có đủ bản lĩnh cần thiết để trở thành những "chiến binh" thực sự trên "đấu trường" TPP sắp tới. Hiện nay, trung bình trang trại mỗi hộ có khoảng 50 con bò sữa, trang trại nhiều nhất tới 100 con, trong đó, khoảng 2/3 số bò đang cho sữa và số còn lại là bò cạn sữa và bê. Vì vậy, dường như mỗi trang trại là một doanh nghiệp chăn nuôi quy mô nhỏ và chủ trang trại buộc phải trở thành người quản trị chính nông trại của mình. Nếu số bò trong trang trại vượt quá 100 con, cũng đồng thời vượt quá khả năng quản trị của một chủ trang trại hiện nay.

Có mặt tại trang trại của ông Trần Văn Khương, chúng tôi được biết gia đình ông vừa đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mở rộng trang trại bò sữa. Số tiền này phân nửa là vay ngân hàng. Ông Khương cho hay, trong năm nay, ông sẽ đầu tư thêm số vốn không nhỏ cho máy móc cơ giới hóa. Bởi thực tế cho thấy rằng, càng thuần thục khoa học-kỹ thuật và sở hữu công nghệ cao thì lợi nhuận của trang trại sẽ càng cao. Hầu như các chủ trang trại ở đây đều có những bài học thực tiễn từ chính những khó khăn mà họ từng trải qua. Năng lực quản trị nông trại nhỏ của họ cũng vì thế mà đầy tính thực tiễn, chứ không hề sáo rỗng, hoặc được nghe loáng thoáng từ lớp tập huấn lý thuyết khuyến nông nào.

Hiện nay, 100% số trang trại hộ gia đình ở Mộc Châu Milk đều được cơ giới hóa các phương tiện sản xuất. Họ có máy vắt sữa, máy băm cỏ tươi, máy gặt cỏ voi, xe chở sữa tới trạm thu mua... Điều quan trọng là trang trại của họ được giữ sạch, bò khỏe mạnh cho năng suất sữa tốt nhất. Một trong số những công nghệ vượt trội mà Mộc Châu Milk nắm giữ là sử dụng tinh phân định giới tính ngoại nhập có hiệu quả cao nhất. Những con bò khỏe mạnh, chất lượng sữa ổn định, hàm lượng dinh dưỡng cao sinh ra từ tinh phân định giới tính là một niềm tự hào của Mộc Châu Milk khiến họ nằm trong tốp đầu những doanh nghiệp sữa Việt Nam chủ động nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao và môi trường doanh nghiệp sản xuất sạch, tiêu chuẩn, đảm bảo tiêu chí cao nhất trong chế biến thực phẩm chăn nuôi.

Hướng tới nông sản chất lượng cao

Hầu như các hộ chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu đều đã hiểu rằng họ phải từng bước nâng cấp trang trại của mình. Thế hệ những người lính trước đây phục viên trở thành công nhân của nông trường đang dần chuyển giao thế hệ cho con cái họ. Bà Phạm Thị Lịch, một trong những phụ nữ được coi là mát tay chăn nuôi nhất nông trường, bởi bà có thâm niên 10 năm liền nuôi bò thi hoa hậu, đồng thời là một hộ chăn nuôi quản trị giỏi. Nông trại của bà được tính toán đầu tư theo từng năm, lãi suất chia đều cho các thành viên trong gia đình gồm bố mẹ và con cái dựa trên lợi nhuận. Niềm hạnh phúc, vẻ hồn hậu luôn thường trực trên gương mặt người phụ nữ này. Bà nói: "Tôi phải hạch toán việc mua máy móc, có vụ sữa tôi mua được cả máy cày. Đầu tư dựa trên tỉ lệ lợi nhuận thì khoản đầu tư cũng nhẹ đi".

Đó là tư duy hộ nông dân, còn về phía doanh nghiệp thì sao? Ông Trần Công Chiến tỏ vẻ cởi mở hơn hẳn khi chúng tôi đề cập đến vấn đề hội nhập TPP từ phía Mộc Châu Milk mà ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Ông Chiến nói: "Chúng tôi không ngại cạnh tranh với sữa ngoại nhập, mặc dù tâm lý của người tiêu dùng nước ta sính ngoại. Xu hướng tiêu thụ sữa trên thế giới và cả ở Việt Nam là sản phẩm sữa tươi thanh trùng, mà sữa tươi thì không thể vận chuyển về Việt Nam với giá thành thấp hơn doanh nghiệp sản xuất tại chỗ được. Vấn đề còn lại là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn VietGap đang là mức ổn định, chưa phải là mức hài lòng, bởi chúng tôi sẽ tiến tới Global Gap. Nói luôn là chúng tôi là doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận TPP. Việc phải làm hiện nay là hạn chế mức thấp nhất thức ăn chăn nuôi ngoại nhập để hạ giá thành, chủ động nguồn thức ăn tươi, sử dụng thuần thục hiệu quả tinh phân định giới tính. Khả năng cạnh tranh cuối cùng vẫn là chất lượng sản phẩm mà khách hàng cầm trên tay".

Ông Chiến khẳng định, việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại địa phương là một trong những hướng đi chiến lược để Mộc Châu Milk giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sữa. Việc trồng ngô lấy cây để ủ ướp thức ăn cho bò là cần thiết và rất hiệu quả. Vì ngô được sản xuất tại địa phương tươi, dinh dưỡng còn đủ, nhờ đó có chất lượng thức ăn tốt hơn hẳn so với thức ăn nhập khẩu. Bò khi ăn ngô ủ ướp được làm tại địa phương thì năng suất sữa và sản lượng sữa đều tốt hơn hẳn. Hướng mở ra cho cả vùng thảo nguyên Mộc Châu là trồng cỏ và ngô cho bò, trong đó phần lớn là các hộ nông dân người dân tộc thiểu số trong vùng đang có đất nương nhưng hầu như trồng cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp.

Mỗi nông dân là một quản trị doanh nghiệp và họ trực tiếp lao động cho lợi nhuận hằng ngày.

Sự lạc quan của người chăn bò và doanh nghiệp ở Mộc Châu Milk là một trong những thế mạnh của họ trước ngưỡng cửa TPP. Khoảng thời gian 5 - 10 năm để tiến tới xóa bỏ thuế quan theo cam kết TPP chắc chắn sẽ là một chặng đường quyết định đối với sự tồn tại của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đã có nhiều bài học về sự cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thế giới mà phần thiệt thòi thường về phía hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, với sữa - một trong những mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu nhất, thì mặt hàng nội địa, truyền thống này lại có thế mạnh riêng.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tuyên bố và cam kết đứng về phía nông dân, hỗ trợ tối đa và có chính sách cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi phát triển và hội nhập. Việc gia nhập TPP cần có lộ trình và phải được bắt tay vào thực hiện các thiết chế hành lang ngay từ bây giờ. Người nông dân cần có những suy nghĩ mới, bổ sung kiến thức mới trên nền tảng những kinh nghiệm quý giá đã có. Doanh nghiệp và người nông dân trong nước cần có môi trường sản xuất lành mạnh, tư duy tươi mới như Mộc Châu Milk thì TPP sẽ trở thành cơn gió thổi bùng ngọn lửa tăng trưởng.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nganh-chan-nuoi-truoc-them-tpp/