Ngành chăn nuôi thú y cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa

Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đối với ngành chăn nuôi thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), bệnh lở mồm long móng (LMLM) gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi, là rào cản rất lớn trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm động vật của các nước trên thế giới. Đến tháng 8-2020, trên thế giới có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ được công nhận sạch bệnh LMLM.

Tất cả các quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực vẫn có bệnh LMLM ở gia súc xảy ra hàng năm.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2020, dịch bệnh xảy ra trầm trọng nhất vào các năm 2018 và 2019, chủ yếu trên đàn lợn chưa được tiêm phòng vắc-xin LMLM (là lợn thịt không phải là đối tượng phải tiêm phòng bắt buộc trong Chương trình giai đoạn 2016 - 2020). Trong gần 8 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh LMLM xảy ra tại 185 xã của 21 tỉnh, TP.

Cũng theo Cục Thú y, nguyên nhân xảy ra dịch là do đối tượng gia súc được tiêm phòng còn hạn chế; con giống chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh tại một số địa phương; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gặp khó khăn; tình trạng bán chạy gia súc bệnh, gia súc chết còn khá phổ biến; việc vận chuyển bất hợp pháp gia súc, sản phẩm gia súc qua biên giới.

Theo Cục Thú y, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Ảnh tư liệu

Theo Cục Thú y, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Ảnh tư liệu

Do đó, để đảm bảo hội nhập sâu rộng, cần có giải pháp phòng, chống và kiểm soát tốt đối với bệnh LMLM để bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc trong nước, xây dựng và duy trì các vùng, cơ sở an toàn đối với bệnh LMLM phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các cấp chính quyền cần có sự quan tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2021 - 2025 sẽ kiểm soát hiệu quả bệnh LMLM trên địa bàn cả nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus LMLM ngoại lai. Xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh LMLM cấp huyện hoặc vùng liên huyện, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh.

Mục tiêu cụ thể là: Số lượng ổ dịch LMLM và gia súc mắc bệnh giảm 10-20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2025, xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện hoặc vùng liên huyện, có thể của 1 tỉnh hoặc nhiều tỉnh, TP. Xây dựng thành công, duy trì ít nhất 1.000 cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh đối với bệnh LMLM; được OIE xác nhận chương trình quốc gia LMLM.

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn sự xâm nhiễm virus LMLM từ bên ngoài vào Việt Nam. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu chính ngạch. Kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Xây dựng quy định về kiểm soát người, phương tiện vận chuyển, mang theo động vật, sản phẩm động vật. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng trên diện rộng cho trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống và một số loại gia súc khác.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tương lai, ngành chăn nuôi không chỉ phục vụ nhu cầu thực phẩm của 100 triệu dân mà còn hướng tới xuất khẩu, mà một trong những yêu cầu quan trọng nhất theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới OIE để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi là phải có cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và khống chế được bệnh LMLM.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nganh-chan-nuoi-thu-y-can-tiep-tuc-no-luc-hon-nua-209016.html