Ngành cá tra hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD năm 2018

Năm 2018, ngành cá tra hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 – 2,2 tỷ USD, chiếm 31,5% kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản.

Quang cảnh hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành hàng cá tra năm 2018. Ảnh: Thanh Liêm/TTTXVN

Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành hàng cá tra năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/3 tại thành phố Cần Thơ.

Theo đó, chỉ tiêu sản lượng cá tra thương phẩm trong năm 2018 cần đạt trên 1,3 triệu tấn và sản xuất khoảng 2,2 tỷ cá giống. Để đạt được mục tiêu trên, theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng con giống cùng với phát triển thị trường và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm cá tra.

Cùng với đó, ngành cá tra phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi bằng cách khuyến khích, hỗ trợ người nuôi cá tra thương phẩm có liên kết đầu ra với doanh nghiệp chế biến để cân đối cung cầu.

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu lại khá thận trọng trước con số kim ngạch trên 2 tỷ USD. Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, Đồng Tháp cho rằng việc dự báo kim ngạch và sản lượng cá tra trong năm 2018 tăng khoảng 20% là hơi chủ quan.

Theo ông Ong Hàng Văn, hiện các doanh nghiệp chế biến đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nguyên nhân là do thời điểm trước Tết lượng con giống bị thiệt hại quá lớn dẫn đến không còn nguồn cung giống sau Tết. Điều này đã làm giá cá giống loại 30 con/kg tăng từ 55.000 đồng lên 75.000 đồng/kg nhưng vẫn thiếu giống phục vụ sản xuất.

Theo ông Văn, ngành cá tra hiện nay có nhà máy, có thị trường và vốn đầu tư nhưng lại không có giống. Chính vì thiếu nguồn giống chất lượng nên tỷ lệ hao hụt khi nuôi từ cá giống lên cá thịt là rất lớn. Đại diện Công ty Trường Giang cho biết, doanh nghiệp này có 60 ha nuôi cá tra và thiệt hại mỗi tháng do cá chết lên đến 6 – 7 tỷ đồng.

Cũng theo ông Văn, doanh nghiệp này sẵn sàng cùng với các công ty khác góp vốn để đặt hàng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II sản xuất cá giống để có nguồn giống đảm bảo chất lượng cho ngành cá tra.

Giám đốc Công ty Thủy sản Biển Đông, ông Ngô Quang Trường, nhận định với tình hình giá cá nguyên liệu như hiện nay thì dù cá giống giá cao nhưng người nuôi cũng phải có lời ít nhất 6.000 đồng/kg, thậm chí 10.000 đồng/kg, tương đương 50% chi phí bỏ ra.

Do đó cần quản lý số lượng, chất lượng con giống và vùng nuôi, chất lượng chế biến để từ đó thiết lập lại trật tự trong quản lý cung cầu của ngành cá tra. Ông Trường cho rằng việc khan hiếm giống trong thời gian qua một phần do thời tiết. Nếu theo quy luật mùa thuận của sản xuất cá giống, thời điểm tháng 4, tháng 5 hàng năm thì khoảng một tháng tới sẽ có cá giống trở lại.

Thu hoạch cá tra ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng cho rằng khó khăn nhất hiện nay của ngành cá tra là cá giống, do giống bố mẹ chưa đảm bảo, dịch bệnh, tỷ lệ ương đạt thấp. Trong khi quy hoạch đất để sản xuất cá tra lại vướng về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâu nay thiếu thực tiễn, chỉ ở trên giấy.

Theo ông Quốc, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay giá thành sản xuất cao, hao hụt con giống lớn, muốn được 1 con thành phẩm phải mất 3 con giống, trong khi công nghệ thức ăn chưa đảm bảo ổn định và thật tốt để hạ giá thành. Tổn thất do dịch bệnh rất lớn, có những bệnh gần như bó tay, mà dùng thuốc càng nhiều thì hao hụt càng lớn.

Theo Tổng cục Thủy sản, chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỉ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp. Ngay từ đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh đã xảy ra trên giai đoạn cá giống ở một số địa phương sản xuất giống trọng điểm có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp giống trong những tháng tiếp theo.

Đồng tình với kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng đây là giai đoạn mà ngành cá tra cần tập trung giải quyết vấn đề giống. Cụ thể, tăng cường kiểm soát chất lượng giống, đảm bảo đủ lượng cung cấp; tổ chức kiểm tra và kiểm soát các cơ sở sản xuất giống, các địa phương phải nắm sát tình hình.

Tổng cục Thủy sản và các cơ quan, địa phương rà soát ngay đối tượng đàn cá tra chọn giống, chọn được lượng cá giống bố mẹ tin cậy, chỉ đạo điều chỉnh, công bố công khai, ông Tám chỉ đạo.
Việc giá cả đang tốt là tín hiệu vui cho cá tra Việt Nam trong năm 2018.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2 – 2,2 tỷ USD trong năm nay là một kỳ vọng lớn, một bài toán khó đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của cả ngành. Để giải quyết được vấn đề này thì phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát chất lượng giống, vùng nuôi và thị trường.

Về lâu dài, ông Tám cho biết Bộ đang thẩm định, trong tháng 3 này sẽ phê duyệt đề án giống cá tra 3 cấp, thống nhất tập trung cùng An Giang và Đồng Tháp xây dựng vùng giống tập trung tại hai tỉnh đầu nguồn này. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp lớn ngoài việc xây dựng vùng nguyên liệu còn phải liên kết với các cơ quan nghiên cứu giống và liên kết với người nuôi ương giống để tạo thành quy trình sản xuất.

“Đây là một cuộc cách mạng, cần thời gian. Khi đó vẫn tạo điều kiện cho nông dân sản xuất giống, mặt khác phải nâng cao trách nhiệm và vai trò của các doanh nghiệp lớn”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Tính đến hết năm 2017, diện tích nuôi cá tra cả nước là 5.230 ha (tăng 3,5% so cùng kỳ), chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nhiều nhất là Đồng Tháp với 2.532 ha, kế đến là An Giang và Bến Tre với diện tích thả nuôi lần lượt là 770 ha và 777 ha.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, năm 2017, sản lượng cá tra đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp hơn 21% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

Giá cá tra nguyên liệu loại 1 trung bình cả năm 2017 giữ ở mức cao, dao động từ 22.000 - 29.000 đồng/kg (dưới 0,8 kg/con), người nuôi có lãi từ 3.000 - 8.000 đồng/kg. Tính đến 10/3/2018, giá cá nguyên liệu loại 1 ở mức 28.500 - 30.000 đồng/kg. Thậm chí có nơi thương lái thu mua với giá 31.000 đồng – 32.000 đồng/kg tùy theo phương thức thanh toán./.

Thanh Liêm/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nganh-ca-tra-huong-toi-muc-tieu-2-ty-usd-nam-2018/78981.html