Ngành bia giảm kỳ vọng trong năm 2019

Theo dự báo, Việt Nam sẽ vượt qua Ba Lan để trở thành quốc gia tiêu thụ bia đứng thứ 9 trên thế giới ngay trong năm 2018. Thế nhưng, với sự gia tăng đáng kể về chi phí đầu vào và áp lực cạnh tranh từ các đối thủ ngoại, lợi nhuận của các doanh nghiệp bia được dự báo sẽ tiếp tục kém khả quan trong năm 2019.

Hết thời tăng trưởng nóng

Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất thế giới. Năm 2017, tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 4 tỷ lít, chiếm 2,1% tổng sản lượng bia toàn cầu, đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 trong khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 5,7%, cao nhất trong nhóm 10 quốc gia có quy mô thị trường lớn nhất. Xét trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2007-2017), tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm (CAGR) của Việt Nam đạt 8,3%, cao nhất trong nhóm này.

Việc thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 60% lên 65% trong năm 2018 cũng tạo nên áp lực cho doanh nghiệp do gánh nặng thuế này không được chuyển hết cho người dùng. Đây cũng chính là nguyên nhân góp phần làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành trong năm 2018.

Trong giai đoạn 2007-2017, quy mô thị trường Việt Nam tăng 15 bậc, từ 25 lên thứ 10 thế giới. Năm 2018, ngành bia Việt Nam có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất, phân bổ rộng khắp các vùng miền với sản lượng sản xuất ước tính lên đến 4,3 tỷ lít bia, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 4,2 tỷ lít bia. Như vậy, nhiều khả năng Việt Nam sẽ vượt qua Ba Lan để trở thành thị trường bia lớn thứ 9 thế giới trong năm nay.

Dù vậy, tăng trưởng sản lượng của ngành bia đang có dấu hiệu chậm lại, 3 năm gần nhất tốc độ tăng trưởng đều giảm so với tăng trưởng các giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2007-2011, CAGR đạt 9,7%, giai đoạn 2012-2015 là 7,3%, giai đoạn 2016-2018 chỉ tiêu này chỉ còn 6,8%. Xu thế tốc độ tăng trưởng giảm cũng đang yếu dần, năm 2018 tăng trưởng tương đương với mức tăng trưởng năm 2017. Điều này cho thấy giai đoạn tăng trưởng nóng đã qua và tăng trưởng ngành bia đang dần ổn định hơn.

Theo thống kê của CTCK FPT (FPTS), kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 của các doanh nghiệp ngành bia, cho thấy sự sụt giảm trong biên lợi nhuận. Cụ thể, kết quả kinh doanh lũy kế 3 quý năm 2018 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), ghi nhận biên lợi nhuận gộp đạt 23%, biên lợi nhuận sau thuế đạt 14%, trong khi cùng kỳ năm 2017 lần lượt là 27% và 16%.

Kết quả kinh doanh lũy kế 3 quý năm 2018 của Tổng CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (BHN), cũng nhận sự sụt giảm về biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận sau thuế khi đạt 25% và đạt 8%, so với 27% và 9% cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân khiến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia suy giảm trong năm 2018 chủ yếu đến từ chi phí đầu vào tăng. Cụ thể, giá thóc đại mạch trung bình 9 tháng năm 2018 là 127USD/tấn (tăng 30%), giá gạo trung bình 9 tháng năm 2018 đạt 424USD/tấn (tăng 6%).

Thương hiệu ngoại thắng thế
Ngoài yếu tố đầu vào, các thương hiệu bia trong nước còn chịu áp lực lớn từ các đối thủ cạnh tranh. Thị trường bia Việt Nam hiện có mức cô đặc cao với 4 doanh nghiệp lớn chiếm đến 90% thị phần gồm: SAB (chiếm 40,9% thị phần), BHN (18,4%), Heineken Việt Nam (23%) và Carlsberg (7,7%).

Trong khi đó, 10% thị phần còn lại là các hãng bia ngoại như Sapporo và các hãng bia địa phương. Những năm gần đây, thị phần của các thương hiệu bia Việt đang có xu hướng giảm, trong khi Heineken Việt Nam (sở hữu 2 thương hiệu Heineken và Tiger) đang gia tăng thị phần đáng kể.

Xét trong giai đoạn 2014-2017, tốc độ tăng trưởng của phân khúc cao cấp CAGR đạt 15%, ngược lại phân khúc giá rẻ có mức tăng trưởng thấp CAGR chỉ đạt 4,8%, cho thấy người Việt đang có xu hướng chuyển lên sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn. Thống kê này cho thấy các thương hiệu bia Việt đang thất thế trong việc canh tranh thị phần. Các thương hiệu bia ngoại với định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp đang tăng trưởng mạnh, do xu thế sử dụng các sản phẩm chất lượng cao của người Việt.

Đặc biệt, việc thừa hưởng các kinh nghiệm và chiến lược marketing toàn cầu của công ty mẹ, giúp các hãng bia ngoại gây được ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng, đặc biệt trong phân khúc cao cấp.

Theo thống kê, GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng từ 2.012USD (năm 2014) lên mức 2.343USD (năm 2017), khiến tỷ lệ người trong tầng lớp giàu có và trung lưu cũng tăng mạnh. Điều này khiến khuynh hướng tiêu dùng của họ thay đổi, chuyển sang sử dụng những sản phẩm có giá bán cao hơn. Với xu thế mới của ngành bia, các doanh nghiệp đang ngày càng tập trung hơn vào phân khúc cao cấp cho mức sinh lợi cao hơn, nhưng đòi hỏi chiến lược kinh doanh bài bản hơn.

Heineken Việt Nam với kinh nghiệm kinh doanh các sản phẩm cao cấp, và lợi thế được thừa hưởng những chiến dịch marketing từ công ty mẹ đang thống lĩnh phân khúc này. Gần đây, doanh nghiệp này đã mua lại nhà máy bia tại Vũng Tàu của Carlsberg và đang có kế hoạch mở rộng công suất nhà máy này từ 50 lên 650 triệu lít/năm.

SAB với chiến lược thuê tư vấn nước ngoài làm marketing cho sản phẩm bia Saigon Special đã gặt hái được nhiều thành tựu. Với sản phẩm này SAB giành được thị phần thứ 2 trong phân khúc cao cấp và được biết đến nhiều hơn trong giới trẻ.

Đặc biệt, sự kiện Thaibev mua lại SAB cuối năm 2017 và trực tiếp tham gia quản lý điều hành từ quý II-2018, được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng quản lý của doanh nghiệp này trong thời gian tới. BHN cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi tham gia phân khúc cao cấp bằng việc gây dựng lại một sản phẩm đã từng là thương hiệu tạo nên tên tuổi của doanh nghiệp trong quá khứ bia Trúc Bạch. Tuy nhiên, sản phẩm này vì nhiều lý do vẫn chưa thể khẳng định được vị trí của mình như kỳ vọng của lãnh đạo doanh nghiệp, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh ở phân khúc cao cấp.

Thảo Nguyên

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/nganh-bia-giam-ky-vong-trong-nam-2019-64285.html