Ngành Bảo hiểm xã hội: Nỗ lực đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thông qua. Trao đổi với báo chí về nhiệm vụ của ngành BHXH thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định: Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân và toàn xã hội, đòi hỏi phải có sự quyết liệt, đồng bộ và nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Với trách nhiệm được giao, ngành BHXH sẽ căn cứ Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và tình hình thực tế để xác định những nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu cụ thể, xây dựng chiến lược và kế hoạch hoạt động hàng năm. Trong đó, ngành sẽ tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH nhằm hiện thực hóa Nghị quyết.

Theo ông Ánh, thực tế qua thực tế hơn 20 năm được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam hiểu rất rõ về những khó khăn, vướng mắc, cũng như là mong muốn của người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, ngành sẽ chủ động, tích cực tham gia với Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật BHXH, cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đảm bảo phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội trong từng giai đoạn.

Ưu tiên cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH.

Theo Nghị quyết đã thông qua, yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH được đặt ra cấp thiết. Cụ thể: Thể chế hóa các chủ trương và hoàn thiện pháp luật, chính sách về BHXH phải kết hợp với hoàn thiện pháp luật, chính sách về chế độ tiền lương, việc làm, chính sách người có công với cách mạng và các chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan khác.

Nghị quyết cũng yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về BHXH theo hướng tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH đa tầng; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH, bảo đảm các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH.

Sửa đổi, bổ sung chính sách BH thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BH thất nghiệp. Có quy định cụ thể và cơ chế quản lý chặt chẽ việc đầu tư Quỹ BHXH, bảo đảm việc đầu tư Quỹ BHXH an toàn, bền vững, hiệu quả.

Hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH; đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý Quỹ BHXH nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH.

Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, thời gian tới, ngành BHXH sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH đến mọi người lao động. Tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH là giải pháp đầu tiên trong nhóm 5 nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH.

Cũng theo ông Đào Việt Ánh, thực tiễn hơn 20 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH cho thấy, khi nào người dân, người lao động hiểu rõ tầm quan trọng, thấy được lợi ích của chính sách và chủ động tham gia thì thu được rất nhiều kết quả. Vì vậy, ngành BHXH sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành ở trung ương và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương để công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH được tiến hành một cách đồng bộ hơn, khoa học hơn và bài bản hơn; gắn kết chặt chẽ hơn công tác tuyên truyền với hiệu quả, kết quả đạt được.

Đặc biệt, ngành BHXH cũng sẽ ưu tiên tuyên truyền trên các kênh có tác động xã hội lớn; đồng thời, chú trọng tuyên truyền đến những đối tượng tiềm năng nhưng kết quả tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH còn hạn chế. Nội dung tuyên truyền cần đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền mục tiêu an sinh xã hội bền vững và lâu dài trong cải cách chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ không kém phần quan trọng là đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hơn nữa năng lực và chất lượng phục vụ của ngành BHXH, trong đó, tiếp tục ưu tiên cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ BHXH. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành liên quan, tạo tiền đề để giảm thủ tục hành chính.

Thực hiện giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, tới tất cả tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách. Trong quá trình tổ chức thực hiện, lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là chỉ tiêu đánh giá chất lượng phục vụ.

Ngọc Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nganh-bao-hiem-xa-hoi-no-luc-dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song-75245.html