Ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều tại Hải Dương và Hưng Yên

Theo phản ánh của bạn đọc tới Báo Nhân Dân, hiện nay, dù đang vào đợt cao điểm trong mùa mưa lũ, nhưng trên các bãi sông, tuyến đê thuộc các tỉnh Hải Dương và Hưng Yên vẫn có hơn 240 bến bãi vi phạm Luật Đê điều tồn tại, đe dọa nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ và an toàn các tuyến đê. Các bến kinh doanh than và vật liệu xây dựng trái phép hoạt động công khai từ nhiều năm qua, nhưng chưa được xử lý triệt để.

Nhiều xe tải vẫn hằng ngày đi trên con đê nứt tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên), bất chấp biển cấm.

Ngang nhiên tái phạm nhiều lần

Tại khu vực đê tả sông Hồng, thuộc huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã xuất hiện hai cung nứt có tổng chiều dài 405 m, cách mép mặt đê khoảng 50 cm về phía sông, chiều rộng khe nứt chỗ rộng nhất khoảng 5 cm, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn hệ thống đê. Sự cố nghiêm trọng này được đánh giá do mái đê phía sông quá dốc, chân đê là đầm ao, thời gian mưa kéo dài liên tục cùng với nền đê yếu. Để khắc phục tạm thời sự cố nứt đê, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Khoái Châu đã cùng lực lượng địa phương phát quang mái đê, chân đê, trải ni-lông trùm qua vết nứt, đắp con trạch tránh mưa ngấm vào vết nứt, đồng thời dựng biển cấm xe tải trọng lớn đi qua. Thế nhưng, theo quan sát tại hiện trường, chúng tôi thấy, chỉ trong 20 phút, đã có hàng chục xe tải cỡ lớn chở vật liệu xây dựng đi trên đê. Điều này cho thấy, công tác bảo vệ tuyến đê đang hư hỏng nặng, có thể vỡ bất cứ lúc nào, vẫn chưa được các cấp chính quyền xử lý triệt để.

Tại khu vực đê hữu sông Kinh Thầy, thuộc địa phận xã Hiệp An (huyện Kinh Môn, Hải Dương), hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần thương mại Sông Hàn đang diễn ra rầm rộ và công khai ngay trên bãi sông. Hạt trưởng Quản lý đê Kinh Môn, Nguyễn Văn Đức cho biết: “Tính từ thời điểm vi phạm phát sinh đầu tiên vào tháng 12-2017 đến tháng 8-2018, Hạt Quản lý đê đã lập biên bản 15 lần về vi phạm Luật Đê điều, lập bảy biên bản làm việc với UBND xã Hiệp An, kiến nghị xử lý và ban hành năm quyết định tạm đình chỉ. Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành việc giải tỏa công trình vi phạm mà còn tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình khác, ngang nhiên tái phạm nhiều lần”.

Tại khu vực bãi sông đê hữu Kinh Môn thuộc huyện Kim Thành (Hải Dương) hiện có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm dụng hành lang bảo vệ đê. Điển hình là cơ sở trung chuyển vật liệu và sửa chữa tàu thuyền của ông Đặng Đức Chúc ở thị trấn Phú Thái. Hạt trưởng Quản lý đê Kim Thành, Trương Đức Tốn cho biết: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ông Đặng Đức Chúc đã xây dựng các công trình không được phê duyệt và cấp phép theo quy định, tự ý xây dựng công trình trong phần diện tích đất làm đường vận chuyển và hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ cầu, sông... Sau khi tháo dỡ một số hạng mục công trình vi phạm theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, ông Chúc lại tiếp tục xây dựng các hạng mục công trình khác vi phạm Luật Đê điều trên khu vực bãi sông, như: nhà điều hành hai tầng, nhà trạm cân, nhà ở công nhân, mố cẩu và kè đá bờ sông dài 120 m, tám cột điện, một trạm biến áp treo, chất chứa cọc bê-tông cốt thép, chất chứa than trên bãi sông, hoạt động bến bãi trong mùa mưa lũ... Mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã giao Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh chỉ đạo Hạt Quản lý đê Kim Thành tiếp tục làm việc, kiến nghị chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vi phạm về Luật Đê điều, tuy nhiên, hiện nay các hạng mục công trình vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Toàn tỉnh Hải Dương có 217 bến, bãi đang hoạt động, trong đó chỉ có 29 bến, bãi có giấy phép, còn thời hạn hoạt động, 188 bến, bãi khác đều ở trong tình trạng vi phạm Luật Đê điều, như: hết hạn hoạt động, chưa làm thủ tục cấp phép, hoặc chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong 84 bến, bãi đang hoạt động tại huyện Kinh Môn, chỉ có bảy bến bãi có giấy phép, còn thời hạn hoạt động. Trong 34 bến, bãi đang hoạt động tại huyện Kim Thành, chỉ có năm bến, bãi đang hoạt động có giấy phép và còn thời hạn hoạt động.

Theo quy định, từ ngày 1-5 đến 31-10 hằng năm (thời điểm mùa mưa lũ), các bến, bãi chứa chất vật tư, vật liệu xây dựng khu vực bảo vệ đê không được hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tại các bến, bãi chứa vật tư và kinh doanh vật liệu xây dựng trên tuyến sông Hồng, sông Luộc của tỉnh Hưng Yên vẫn diễn ra phổ biến.

Tỉnh Hưng Yên có hơn 300 bến, bãi, trong đó, 57 bến, bãi vi phạm Luật Đê điều. Các vi phạm này xuất hiện ở nhiều huyện, như Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và TP Hưng Yên.

Các bến, bãi chứa vật liệu xây dựng của tỉnh Hưng Yên chủ yếu vi phạm các lỗi như: chủ bãi không thực hiện đúng đồ án thiết kế được phê duyệt; bến, bãi nằm trong quy hoạch từ nhiều năm nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động; bến, bãi không nằm trong quy hoạch nhưng các xã vẫn chưa tập trung xử lý giải tỏa, đình chỉ hoạt động; nhiều bến, bãi vi phạm chiều cao, chiều rộng, khoảng cách mép bờ sông, không xử lý chống thấm nền bãi cát, không có hệ thống thoát nước...

Quyết liệt xử lý

Lý giải việc vẫn có nhiều điểm vi phạm pháp luật về đê điều tại tỉnh Hải Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Phú cho rằng: Quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý đê điều, phòng, chống thiên tai của tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số đối tượng vi phạm không hợp tác với đơn vị quản lý đê điều, có trường hợp còn lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng. Chính quyền địa phương chưa thật sự tích cực, có biểu hiện bao che, né tránh trách nhiệm khi xử lý các vụ vi phạm, dẫn đến các vi phạm không được xử lý triệt để, công trình vi phạm không được giải tỏa. Bên cạnh đó, quyền hạn của cơ quan quản lý đê còn ít, lực lượng mỏng, năng lực không đồng bộ, dẫn đến một số vi phạm phát hiện muộn, gây khó khăn trong việc giải tỏa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Khoái Châu (Hưng Yên) Hoàng Văn Tựu thừa nhận: Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản, Luật Đê điều và phòng, chống thiên tai của chính quyền cơ sở còn hạn chế. Tại huyện Khoái Châu, việc quản lý sử dụng đất công ích tại một số xã có bến, bãi chưa được quan tâm, cho nên có hiện tượng dùng đất ven sông cho thuê làm bến, bãi, dẫn đến việc khó thanh lý hợp đồng trước hạn và xử lý giải tỏa vi phạm.

Hàng trăm bến, bãi sản xuất, kinh doanh vi phạm Luật Đê điều tại hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên nếu không được xử lý nghiêm, quyết liệt, sẽ ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, công trình thủy lợi, cản trở thoát lũ lòng sông, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Để chấm dứt tình trạng này, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vi phạm của các bến, bãi theo chỉ đạo của các UBND tỉnh. Kiên quyết chỉ đạo UBND các xã thanh lý hợp đồng đối với những trường hợp cho thầu bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái quy định pháp luật, giải tỏa những bến, bãi kinh doanh trái phép trên đất nông nghiệp thầu của nhân dân. Nếu nơi nào thực hiện không nghiêm thì phải kiến nghị xem xét trách nhiệm người đứng đầu, rút kinh nghiệm cho các đơn vị khác.

Ngay từ đầu mùa mưa lũ 2018, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều. Trong đó nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện quy định về bảo vệ hành lang đê điều, các địa phương phải xử lý kiên quyết đối với các doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý các công trình thủy lợi, đê điều.

Bài và ảnh: VINH HÀ, THÁI QUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37833502-ngang-nhien-vi-pham-luat-de-dieu-tai-hai-duong-va-hung-yen.html