Ngang nhiên bán đất rừng ở Quảng Sơn

Sau khi được UBND tỉnh Đác Nông bàn giao hơn 158ha rừng thông ở xã Quảng Sơn, huyện Đác G'long để quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng, Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ (Công ty Nguyên Vũ) có địa chỉ tại phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa đã buông lỏng quản lý khiến nhiều diện tích rừng thông bị đốn hạ, công khai chiếm đất sản xuất nhưng không hề bị ngăn chặn hoặc xử lý.

Rừng thông của Công ty Nguyên Vũ được bán cho người dân địa phương canh tác cây nông nghiệp.

Rừng thông của Công ty Nguyên Vũ được bán cho người dân địa phương canh tác cây nông nghiệp.

Qua điều tra, phóng viên Báo Nhân Dân điện tử phát hiện một đường dây mua bán đất rừng trái phép, có sự móc ngoặc, cấu kết giữa nhân viên, lãnh đạo Công ty Nguyên Vũ với nhiều cá nhân khác để “qua mặt” các cơ quan chức năng, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Công khai mua bán đất rừng

Đi thực tế trên diện tích rừng thông được giao cho Công ty Nguyên Vũ, chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích rừng thông bị đốn hạ, đốt cháy trơ trụi, một số diện tích đã được người dân dùng máy múc gốc trồng tiêu, bơ, cà-phê... Điều đáng nói là khi làm việc với người dân họ đều khẳng định đất rừng được mua của Công ty Nguyên Vũ và cung cấp cho chúng tôi giấy viết tay thực hiện việc mua bán đất rừng.

Ông Chu Văn Chung, thường trú tại thôn Quảng Hợp cung cấp một mảnh giấy thể hiện việc nhận đất và giao tiền có chữ ký với bên bán là Phan Thành Nghĩa. Giấy được viết tay vào ngày 4-11-2016 với nội dung: “Tôi: Chu Văn Chung, sinh ngày 1-4-1974, cư trú tại thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn. Hôm nay ngày 4-11-2016, Tôi có giao cho người của Công ty Nguyên Vũ là ông Phan Thành Nghĩa số tiền 200.000.000 đồng để mua một mảnh đất khoảng hơn bốn sào (Hơn 4.000m2 - PV) liền kề với rẫy của tôi và đã được công ty chấp nhận, cho người ra bàn giao đất cho tôi để chôn cọc bê-tông làm mốc giới. Trong đó, người của công ty là ông Nghĩa nhận tiền, còn ông Thùy và ông Hiệp là người đo đất giao cho tôi. Ông Châu là người làm chứng”.

Ông Lê Đình Thi, sinh năm 1965, thường trú tại Bon R’Bút khẳng định: “Gia đình mình đang canh tác trên đất hợp pháp, được mua của Công ty Nguyên Vũ”. Sau đó ông Thi cung cấp giấy mua bán đất được viết vào ngày 16-3-2017 với nội dung: “Tên tôi: Lê Đình Thi, sinh năm 1965, thường trú tại Bon R’Bút. Vào tháng 2-2017, Công ty Nguyên Vũ vào thỏa thuận và cắt lại cho gia đình tôi năm sào đất (5.000m2 – PV) với số tiền 200.000.000 đồng. Ông Phan Thành Nghĩa nhận đợt một là 120.000.000 đồng, được sự đồng ý của chị Thoa giám đốc. Và tháng ba chở số trụ và kẽm gai ông Nghĩa nhận thêm số tiền là 70.000.000 đồng để trả cho công nhân và tiếp khách. Số đất tôi đã nhận là ba sào (3.000m2 – PV) và đã rào kẽm”.

Bà Đinh Thị Nhung, thường trú tại thôn Quảng Hợp cung cấp giấy mua bán đất với nội dung: “Sau khi gia đình tôi đã thỏa thuận với Công ty Nguyên Vũ và được sự đồng ý của công ty, gia đình tôi đã đưa cho Công ty Nguyên Vũ với số tiền là một trăm triệu đồng. Lần đầu ra nhà đưa trước 20 triệu đồng cho ông Lếp. Lần hai đưa cho ông Nghĩa là người đại diện của công ty là tám mươi triệu”. Tại một giấy mua bán đất khác không ghi ngày tháng có nội dung: “Tôi tên: Lương Hữu Dũng, hiện ngụ tại Bon R’Bút, xã Qảng Sơn, Đác Glong, Đác Nông. Sau khi đã thỏa thuận với Công ty Nguyên Vũ. Tôi có đưa cho ông Phan Thành Nghĩa là người đại diện của công ty số tiền là 300.000.000 đồng và công ty đã giao cho tôi một mảnh đất khoảng 1ha ở khu nghĩa địa”…

Từ những mảnh giấy mua bán đất viết tay nêu trên, chúng tôi đã tìm ra một đường dây mua bán đất rừng do Phan Thành Nghĩa, thường trú tại thôn 1C, xã Quảng Sơn, nhân viên của Công ty Nguyên Vũ cầm đầu.

Qua những bằng chứng mà chúng tôi có được, Phan Thành Nghĩa phải thừa nhận là người trực tiếp bán đất rừng, nhận tiền của nhiều hộ dân, đồng thời cung cấp thêm nhiều bằng chứng liên quan. Tuy nhiên, Phan Thành Nghĩa cho rằng: “Không phải mình tự ý bán đất công ty để chiếm đoạt tiền mà tất cả việc làm của mình là theo chỉ đạo của Giám đốc Công ty Nguyên Vũ Nguyễn Thị Kim Thoa và chồng là Lương Ngọc Lếp, nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đác Nông. Toàn bộ tiền bán đất cũng được nộp hết cho Công ty Nguyên Vũ”.

Theo tài liệu được cung cấp thì đến nay Phan Thành Nghĩa đã bán bảy lô đất lâm nghiệp của Công ty Nguyên Vũ cho 13 hộ dân xã Quảng Sơn, tại tiểu khu 1645, 1659 và 1669 với tổng diện tích gần 6,4ha, số tiền thu được hơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Phan Thành Nghĩa còn thừa nhận đã nhận tiền mua đất của năm hộ dân khoảng 1,5 tỷ đồng, do Công ty Nguyên Vũ chưa cắt thông xong nên chưa bàn giao đất. Khi bán đất, Phan Thành Nghĩa đều đứng tư cách pháp nhân là người đại diện của Công ty Nguyên Vũ. Thủ tục mua bán đất đều được thực hiện bằng giấy viết tay…

Sau khi mua đất rừng của Công ty Nguyên Vũ người dân đã làm nhà, canh tác trên đất nhưng không bị cơ quan chức năng ngăn chặn.

Ai là kẻ “chống lưng”?

Việc bán đất rừng diễn ra công khai, tràn lan nhưng Công ty Nguyên Vũ, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không hề ngăn chặn, xử lý. Dư luận đặt câu hỏi, Phan Thành Nghĩa là ai?

Phan Thành Nghĩa, sinh năm 1966, nguyên quán tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Năm 2004 đến xã Quảng Sơn lập nghiệp bằng nghề kinh doanh, buôn bán nông sản. Năm 2009 thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quốc Triệu kinh doanh, chế biến lâm sản. Tháng 4-2016, Bộ Công an phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Quốc Triệu kinh doanh hơn 50m3 “gỗ lậu” nên bị đình chỉ hoạt động, xử phạt hành chính và cấm hành nghề kinh doanh lâm sản.

Trao đổi với chúng tôi, Phan Thành Nghĩa cho biết: “Tôi quen Nguyễn Thị Kim Thoa từ năm 2009. Bà Thoa rất tin tưởng và giúp tôi rất nhiều trong chuyện làm ăn, nhất là việc kinh doanh, buôn bán gỗ tại Quảng Sơn. Đến năm 2016, Công ty Nguyên Vũ được UBND tỉnh Đác Nông giao quản lý, bảo vệ, sản xuất kinh doanh hơn 158ha rừng thông tại xã Quảng Sơn. Do bị động về phương án, các điều kiện khác trong quản lý, bảo vệ nên đã giao cho tôi điều hành công việc. Trong thời gian này, tôi đã nhiều lần dùng tiền của mình trả lương công nhân, xây dựng trạm quản lý bảo vệ rừng, làm đường... và bà Thoa hứa nếu làm tốt sẽ cắt cho tôi 3ha đất để sản xuất, nuôi sống vợ con”.

Giải thích về hành vi bán đất rừng trái quy định, Phan Thành Nghĩa cho biết: “Tôi biết việc bán đất rừng là vi phạn pháp luật nên đã nói với Nguyễn Thị Kim Thoa và chồng là Lương Ngọc Lếp không nên làm như vậy nhưng cả hai bảo cứ làm đi, mọi việc sau này họ sẽ lo hết. Sau đó bà Thoa viết giấy ủy quyền điều hành công ty nên tôi tin tưởng làm theo chỉ đạo chứ không phải tự ý thực hiện. Cụ thể, ông Lếp chỉ đạo tôi nếu ai có nhu cầu mua đất liền kề thì cứ bán đi, kể cả rừng thông với cây nhỏ có đường kính 20 cm cũng bán, bán xong điện thoại báo cáo và nộp tiền về công ty là được, mọi việc không được để ai biết kể cả bảo vệ của công ty. Sau khi giao đất xong thì chỉ ranh giới cho bảo vệ là đất đã giao cho dân rồi không can thiệp nữa. Sau đó, bà Thoa, ông Lếp còn vào tận Quảng Sơn để chỉ cho tôi những địa điểm, khu vực đất được phép bán”.

Làm việc với chúng tôi, Giám đốc Công ty Nguyên Vũ Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định: “Tôi không chỉ đạo Phan Thành Nghĩa bán đất rừng cho người dân. Ông Nghĩa đã lợi dụng sự tín nhiệm của gia đình tôi bán đất rừng trái quy định. Việc ủy quyền cho Phan Thành Nghĩa điều hành công ty chỉ là tạm thời từ 25-3 đến 20-4- 2016 do gia đình bận đi công tác xa. Cũng trong thời gian này, ông Nghĩa đã lấy đất của công ty bán cho nhiều người dân để trục lợi cá nhân với nhiều tỷ đồng nhưng tôi không biết. Đến khi một số người dân tới đòi đất thì tôi mới phát hiện ông Nghĩa lấy đất của công ty bán cho dân lấy tiền bất hợp pháp. Sau đó ông Nghĩa đã viết bản tường trình gửi lãnh đạo công ty, thú nhận việc làm sai trái và hứa tự chịu trách nhiệm với các sai phạm trên. Hiện, tôi đã đề nghị cơ quan Công an tỉnh Đác Nông vào cuộc điều tra làm rõ sự việc”.

Trong khi đó, Phan Thành Nghĩa lại cho rằng: “Việc bà Thoa ủy quyền điều hành Công ty là để cài bẫy chứ không phải vì lý do tin tưởng. Tôi bắt đầu bán đất cho dân từ cuối năm 2016 đến nay chứ không riêng gì thời gian được ủy quyền. Sau khi mua đất người dân dùng máy múc gốc thông, trồng tiêu, cà-phê ...nhưng công ty không hề ngăn chặn. Nếu không có sự thỏa thuận của công ty thì người dân có canh tác được không? Bà Thoa đã cố tình tạo ra bằng chứng vô can để đẩy hết trách nhiệm cho tôi. Tôi xin khẳng định rằng, chồng bà Thoa là sếp lớn của ngành công an, nên có ba đầu sáu tay tôi cũng không dám tự ý bán đất rừng của công ty”.

Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Đỗ Ngọc Hiếu cho biết: “Tôi có nghe dư luận trong dân về việc Công ty Nguyên Vũ và Phan Thành Nghĩa bán đất rừng cho dân còn sự việc cụ thể như thế nào thì tôi không nắm rõ. Mặc dù đất rừng nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn nhưng rừng đã giao cho Công ty Nguyên Vũ. Nếu để mất đất, rừng thì trước tiên là đơn vị chủ rừng phải chịu trách nhiệm, sau đó là cơ quan kiểm lâm, còn chính quyền địa phương chỉ quản lý nhà nước chứ người ít, việc nhiều không thể quản lý hết được”.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đác G’long Lê Văn Hà cho biết: “Chúng tôi chỉ nghe nói có chuyện bán đất rừng tại Công ty Nguyên Vũ còn sự việc cụ thể như thế nào thì chịu. Vì khi bàn giao rừng cho Công ty Nguyên Vũ Hạt Kiểm lâm huyện Đác G’long không được tham gia. Hiện nay, mọi thông tin liên quan đến Công ty Nguyên Vũ và hồ sơ giao đất chúng tôi cũng không có”.

Chưa thể khẳng định được ai là người chỉ đạo bán đất rừng tại Công ty Nguyên Vũ? Cá nhân Phan Thành Nghĩa có tự ý bán đất rừng hay không? Thế nhưng, có một sự thực đã rõ là đất rừng của Nhà nước giao cho Công ty Nguyên Vũ quản lý đã bị một số cá nhân cắt bán cho người dân, trục lợi nhiều tỷ đồng. Cả đất và rừng đều nằm dọc theo quốc lộ 28, trước UBND xã Quảng Sơn, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Quảng Sơn, Đồn Công an Quảng Sơn nhưng không có cơ quan nào biết hoặc ngăn chặn.

NGUYỄN VĂN YÊN

PVTT tại Đác Nông

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/33028702-ngang-nhien-ban-dat-rung-o-quang-son.html