Ngang ngửa vụ Lehman Brothers, gã khổng lồ địa ốc Trung Quốc Evergrande đã gây ra chuyện gì?

Thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, kích hoạt chế độ 'cảnh giác cao độ', khi gã khổng lồ địa ốc Evergrande của Trung Quốc bị 'chúa chổm' quật. Người ta so sánh bê bối của Evergrande không kém gì vụ Lehman Brothers gây khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008.

Những người mua nhà giận dữ vây quanh trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc đòi trả lại tiền. (Nguồn: Getty Images)

Những người mua nhà giận dữ vây quanh trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc đòi trả lại tiền. (Nguồn: Getty Images)

Evergrande có thể sụp đổ bất cứ lúc nào?

Nhà phát triển bất động sản vào loại lớn nhất Trung Quốc đang đối mặt với "trái bom nợ" hàng tỷ USD, làm dấy lên lo ngại rằng, nhiều nhà đầu tư thế giới phải nếm "trái đắng" khi Bắc Kinh có thể phải đối mặt với "khoảnh khắc Lehman Brothers", nếu công ty này sụp đổ và gây ra rủi ro tài chính.

Đâu là lý do Tập đoàn Evergrande bất ngờ làm chao đảo các thị trường tài chính từ Hong Kong đến Phố Wall? Đối mặt với thách thức bắt đầu vào thứ Năm tuần trước, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới Evergrande sẽ phải trả lãi 84 triệu USD (61 triệu Bảng Anh) cho trái phiếu của mình.

Hiện các nhà phân tích cũng lo ngại, nhà kinh doanh địa ốc này có thể không trả được 103 tỷ USD mà họ nợ các ngân hàng, công ty xây dựng và các chủ nợ khác, làm tăng thêm áp lực cho các cơ quan tài chính Trung Quốc, những đơn vị đang nỗ lực hạ nhiệt lĩnh vực bất động sản đang quá nóng trong nền kinh tế, đồng thời kiềm chế người đi vay và nhà đầu tư.

Từ đầu tuần này, Evergrande đã bắt đầu trả nợ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh quản lý tài sản bằng chính tài sản, khi họ đang phải vật lộn để tìm đủ tiền trả cho các khoản nợ.

Evergrande Group là gì?

Là một trong những “ông lớn” bất động sản số 1 Trung Quốc, Evergrande sở hữu tổng tài sản lên tới khoảng 356 tỷ USD và doanh thu hằng năm được báo cáo hơn 108 tỷ USD.

Doanh nhân Hui Ka Yan thành lập Evergrande, tiền thân là Tập đoàn Hengda, vào năm 1996 tại Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Evergrande Real Estate hiện sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố trên khắp quốc gia châu Á.

Tập đoàn Evergrande hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ là phát triển bất động sản. Các hoạt động kinh doanh của đơn vị này bao gồm quản lý tài sản, sản xuất ô tô điện, sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Evergrande thậm chí còn sở hữu một trong những đội bóng lớn nhất của Trung Quốc - Guangzhou FC.

Theo Forbes, ông chủ Hui có tài sản cá nhân khoảng 10,6 tỷ USD.

Tại sao Evergrande gặp rắc rối?

Evergrande mở rộng mạnh mẽ để trở thành một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc bằng cách vay hơn 300 tỷ USD (217 tỷ Bảng Anh), để xây dựng căn hộ, cao ốc văn phòng và trung tâm mua sắm.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra các quy định mới để kiểm soát số tiền nợ của các nhà phát triển bất động sản lớn. Các biện pháp mới đã khiến Evergrande phải bán các sản phẩm của mình với mức chiết khấu lớn, để đảm bảo tiền duy trì hoạt động kinh doanh.

Giờ đây, công ty đang phải vật lộn để trả lãi cho các khoản nợ khổng lồ. Bê bối đã khiến giá cổ phiếu của Evergrande giảm khoảng 85% trong năm nay. Trái phiếu của tập đoàn này cũng đã bị hạ cấp thảm hại bởi các cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu.

Có một số lý do khiến các vấn đề của Evergrande trở nên nghiêm trọng

Thứ nhất, nhiều người đã mua tài sản từ Evergrande ngay cả trước khi công trình được khởi công. Họ đã trả tiền đặt cọc và có thể mất số tiền đó nếu Evergrande bị phá sản.

Ngoài ra, có vô số đối tác kinh doanh với Evergrande, bao gồm các công ty xây dựng và thiết kế, nhà cung cấp vật liệu… có nguy cơ phải chịu những tổn thất lớn, thậm chí có thể bị phá sản theo Evergrande.

Thứ ba là tác động tiềm tàng đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Chuyên gia Mattie Bekink của Economist Intelligence Unit (EIU) tiết lộ, Evergrande được cho là đang nợ khoảng 171 ngân hàng trong nước và 121 công ty tài chính khác.

Nếu Evergrande vỡ nợ, các ngân hàng và những tổ chức cho vay khác có thể buộc phải cho vay ít đi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng được gọi là khủng hoảng tín dụng, khi các công ty gặp khó khăn trong việc vay tiền với lãi suất phải chăng.

Một cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ là tin xấu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bởi vì các công ty không vay được vốn sẽ khó phát triển, thậm chí trong một số trường hợp không thể tiếp tục hoạt động.

Vấn đề này cũng có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài không thấy thoải mái, họ có thể đánh giá Trung Quốc là một nơi kém hấp dẫn hơn để đầu tư.

Evergrande có 'quá lớn để thất bại'?

Tính nghiêm trọng tiềm ẩn trong sự sụp đổ của một công ty nợ nần chồng chất đã khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu Bắc Kinh có thể can thiệp để giải cứu?

Chuyên gia Mattie Bekink của EIU cho rằng: "Thay vì mạo hiểm làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến các chủ nợ phẫn nộ, Bắc Kinh rất có thể sẽ tìm ra cách để đảm bảo hoạt động kinh doanh cốt lõi của Evergrande tồn tại".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không chắc chắn về ý tưởng trên, như bài đăng trên mạng xã hội WeChat Trung Quốc, Tổng Biên tập Hu Xijin của tờ Global Times nhận định, Evergrande không nên dựa vào gói cứu trợ của chính phủ và thay vào đó cần tự cứu lấy mình.

Giới quan sát bình luận rằng, “bình luận của ông Hu Xijin cho thấy, mục đích của Bắc Kinh có thể sẽ là kiềm chế nợ doanh nghiệp, có nghĩa là một gói cứu trợ cao như vậy rất có thể được coi là một ví dụ xấu".

Tại sao tai ương của Evergrande lại gợi lên "khoảnh khắc Lehman Brothers"?

Điều đáng sợ nhất là sự thất bại của Evergrande có thể dẫn đến những thiệt hại lớn cho các bên cho vay và các trái chủ. Sự đổ vỡ có thể khiến các quân cờ domino tài chính rơi vào thị trường bất động sản rộng lớn của Trung Quốc - cũng giống như sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào năm 2008 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng từng "hạ gục" thị trường nhà đất Mỹ và nhấn chìm nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái.

Một lý do để lo ngại là giá nhà ở Trung Quốc đã tăng đều đặn trong hơn hai thập niên qua, trong khi cỗ máy kinh tế của nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào xây dựng. Theo Capital Economics, tổng nợ của Trung Quốc tính trên tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008.

Khi tầng lớp trung lưu đang phát triển lộ diện, họ đã đổ hàng tỷ USD vào việc mua nhà trong giai đoạn đó. Theo các nhà phân tích, một cú sốc tài chính đột ngột làm sụt giảm giá trị của các bất động sản nhà ở và thương mại có thể lan rộng khắp nền kinh tế Trung Quốc.

Nhà kinh tế Ed Yardeninói, Chủ tịch của Yardeni Research, Inc., nổi tiếng với vai trò nhà cung cấp các chiến lược đầu tư toàn cầu và các phân tích, khuyến nghị phân bổ tài sản, nhận định rằng: “Là một nhà phát triển quan trọng về mặt hệ thống, một vụ phá sản của Evergrande sẽ gây ra vấn đề cho toàn bộ lĩnh vực bất động sản, vốn là nguồn quan trọng của tăng trưởng kinh tế và việc làm ở Trung Quốc.

Đó có thể là cách nhìn nhẹ nhàng nhất.

Còn như Alan Ruskin, chiến lược gia vĩ mô tại Deutsche Bank cảnh báo trong một nghiên cứu: "Evergrande có khả năng trở thành vụ vỡ nợ doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay, với sự lây lan sang các tổ chức tài chính khác, nhà cung cấp, chủ sở hữu nhà, chủ sở hữu sản phẩm của Evergrande, các công ty bất động sản và cả nhà đầu tư quốc tế".

Hiện tại, hầu hết các nhà phân tích vẫn đang đặt cược rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp để hỗ trợ nền kinh tế, nếu thất bại của Evergrande gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính.

Tuy nhiên, đó chỉ là những gì Bắc Kinh đã làm cách đây vài tuần, khi họ đứng ra bảo lãnh cho Huarong, một công ty quản lý tài sản lớn do nhà nước kiểm soát.

Còn Evergrande lại thuộc sở hữu tư nhân, vì vậy vẫn chưa rõ Bắc Kinh đang "chuẩn bị" cho nó tồn tại ở mức độ nào.

(theo CBS News, BBC)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngang-ngua-vu-lehman-brothers-ga-khong-lo-dia-oc-trung-quoc-evergrande-da-gay-ra-chuyen-gi-159301.html