Ngân vang nữ du kích Hoàng Ngân

Tôi về thăm xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ở Trụ sở UBND xã, ông Lê Văn Trung, phó Bí thư Đảng ủy xã vui vẻ cho biết: 'Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Trưng Trắc là địa phương có phong trào đấu tranh khá mạnh'.

Từ đội nữ du kích đường 5

Theo như lời ông Trung, tôi được biết thêm, do nằm dọc Quốc lộ số 5 và tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi ngang đầu xã nên địa bàn xã hồi đó thường xuyên bị quân Pháp tuần tra lùng sục hòng xây dựng hành lang bảo vệ tuyến vận chuyển quan trọng của chúng. Nhưng ngay từ tháng 10/1946 dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, công tác xây dựng lực lượng vũ trang đã được khẩn trương tiến hành. Ông Trung hào hứng cho hay: “Hồi đó xã chúng tôi đã thành lập trung đội tự vệ, mỗi thôn có một tiểu đội”. Theo đó, đến tháng 3/1947, đội tự vệ thoát ly của xã chính thức được hình thành với 22 chiến sĩ và lấy chùa thôn Tuấn Dị làm cơ sở. Đội có nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu kết hợp với sản xuất lương thực.

Nhà lưu niệm Lực lượng du kích Hoàng Ngân và Liệt sĩ anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Khang ở xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên)

Nhà lưu niệm Lực lượng du kích Hoàng Ngân và Liệt sĩ anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Khang ở xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên)

Từ chính phong trào này mà đến cuối năm 1947, xã có một đội nữ du kích do chị Quản Thị Sành, đảng viên, Bí thư phụ nữ xã phụ trách; chị Chu Thị Đậy, người thôn Nhạc Lộc, làm đội trưởng. Đây là đội nữ du kích đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. Những nữ du kích hồi đó đều ở tuổi mười tám đôi mươi tràn đầy sức sống. Ông Trung còn nhấn mạnh: “Người dân xã chúng tôi gọi đội nữ du kích đó là “Đội nữ du kích đường 5” anh ạ”.

Theo hướng dẫn của ông Trung, tôi về thôn Ngọc Lịch để tìm đến nhà người nữ du kích năm nào. Rất may là cụ Chu Thị Nhâm dù đã 95 tuổi nhưng cụ vẫn còn mạnh chân tay và minh mẫn. Nói chuyện du kích năm xưa, chợt cụ Chu Thị Nhâm như “sống lại” quãng thời gian sôi nổi, nhiệt tình đó.

Trận đánh đầu tiên mà các nữ du kích tham gia là trận đánh phục kích một đoàn xe địch trên đường 5 hôm trung tuần tháng 3/1948. Cụ Nhâm cười rất vui: “Ban đầu cũng hơi sờ sợ, sau khi nghe tiếng mìn của ta nổ làm lật một xe nhà binh, rồi thấy bọn lính Pháp hò nhau bỏ chạy tán loạn thì ai cũng hết sợ”. Trận đánh tiếp theo là phục kích một tốp lính Pháp đi tuần, các nữ du kích đã tóm được một tên lính Pháp rồi đưa tên này về phía sau khai thác.

Kể những câu chuyện “đánh nhau” khiến cụ Nhâm hào hứng hẳn lên. Vẻ chậm chạp tuổi già như biến mất. Tôi có cảm tưởng như đang ngồi trước mặt mình và kể chuyện cho nghe là một cô gái người thôn Tuấn Dị trẻ trung, mảnh mai. Bất chợt cụ Nhâm trầm xuống khi kể về trận đánh mà cụ không bao giờ quên. Trận này đội nữ du kích cũng bí mật ra đường 5 phối hợp với các du kích nam phục kích đoàn xe địch. Cụ Nhâm bảo: “Nữ chúng tôi có nhiệm vụ chuyển thương về phía sau thôi nhưng cũng căng thẳng lắm”. Cụ Nhâm nói thế rồi im lặng. Lát sau bà Trần Thị Lan, người con gái mà hiện cụ sống cùng mới cho biết: “Trận đánh này diễn ra vào tháng 2/1954, trận đó người chồng của cụ là chiến sĩ du kích Đỗ Văn Khoát đã hy sinh. Hai năm sau, năm 1956, cô du kích Chu Thị Nhâm mới đi bước nữa với một người du kích cũ, đó là cụ Trần Văn Lừng, người thôn Ngọc Lịch.

Được nghe câu chuyện về những nữ du kích nơi đây, tôi mới hiểu ra vì sao xã sau này xã lại mang tên người nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc, năm 40 đã dấy cờ “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng” đánh đuổi giặc Nam Hán xâm lược nước ta. Tôi còn được biết thêm: “Đội nữ du kích xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chính là “tiền thân” của Phong trào du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên.

Hiện vật ở Nhà lưu niệm

Hiện vật ở Nhà lưu niệm

Tới Lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân

Tôi tới thăm Nhà lưu niệm “Lực lượng du kích Hoàng Ngân và Liệt sĩ AHLLVT Trần Thị Khang” ở xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Đó là một ngôi nhà mới được xây dựng cách đây ba năm, ở ngay đường phố mang tên Trần Thị Khang. Một khu nhà mang dáng dấp của một ngôi đình đền thờ truyền thống của người Việt. Một điều lý thú là cũng chính thôn Xuân Đào của xã Xuân Dục này, là quê hương của lãnh tụ thứ 2 và là lãnh tụ chính của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883- 1892) giai đoạn đầu khi người Pháp xâm lược nước ta, ông là Nguyễn Thiện Thuật, hậu duệ đời thứ 13 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Nữ Anh hùng LLVT thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp Trần Thị Khang tên thật là Vũ Thị Kính, chị là con gái thôn Xuân Đào.

Cụ Chu Thị Nhâm, nữ du kích đường 5, với bức ảnh kỷ niệm

Cụ Chu Thị Nhâm, nữ du kích đường 5, với bức ảnh kỷ niệm

Tại Nhà lưu niệm, tôi được cô Đỗ Thị Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, cũng đồng thời là người được giao trọng trách trông coi kiêm hướng dẫn viên Nhà lưu niệm đón tiếp. Cô Uyên cho hay: “Vào ngày mùng 2/2/1950, tỉnh Hội Phụ nữ Hưng Yên tổ chức Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Ngân, Bí thư đầu tiên (chủ tịch) Trung ương Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam (Hội Phụ nữ Việt Nam), tại thôn Muội Sảng, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ. Với mục đích là để học tập tinh thần hoạt động và đấu tranh cách mạng của đồng chí Hoàng Ngân. Trong lễ truy điệu đó, tỉnh Hội phụ nữ Hưng Yên đã đề nghị với Tỉnh ủy lấy tên đồng chí Hoàng Ngân đặt cho Phong trào phụ nữ Hưng Yên là “Phong trào Hoàng Ngân”. Lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân của tỉnh Hưng Yên ra đời ngay sau đó với các đội nữ du kích ở các huyện trong tỉnh”.

Nghe tới đây tôi nhớ hồi tôi còn thiếu niên, được anh bạn cùng phố Bần Yên Nhân (nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào) là Đào Quang Nhuận, cho hay: “Mẹ tao là nữ du kích Hoàng Ngân đấy”. Nghe anh bạn nói vậy, tôi hơi ngạc nhiên bởi người mẹ này có dáng người nhỏ bé, rất tảo tần và đẻ tới 10 con. Tôi đã nghĩ: “Một người đàn bà như vậy thì làm du kích kháng Pháp làm sao nổi?”.

“Đội nữ du kích đường 5” trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2003

“Đội nữ du kích đường 5” trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2003

Hồi đó tôi đã được nghe người mẹ của anh bạn Nhuận là bác Nhưỡng gái, thực ra người phụ nữ ấy có tên thật là Chu Thị Hợi, nhưng chúng tôi gọi theo lối “nhà quê” là gọi bác theo tên chồng, ông Đào Văn Nhưỡng. Vào tuổi đôi mươi, cô gái làng Triều Đông, xã Vĩnh Khúc (giáp với xã Trưng Trắc), huyện Văn Giang, Chu Thị Hợi đã náo nức cùng chị em tham gia vào đội nữ du kích Hoàng Ngân của huyện. Tôi nhớ bác Nhưỡng gái còn bảo: “Hồi đó thấy chị em ai cũng mong muốn được trực tiếp đánh Pháp nên tôi giấu thầy u tôi tham gia du kích. Toàn chị em tuổi như nhau cả. Chị Thơm, chị Vần; rồi chị Lành, chị Cam này”.

Cô Uyên cho biết thêm: “Không chỉ là Đội trưởng Đội nữ du kích Hoàng Ngân của huyện mà chị Trần Thị Khang còn trực tiếp làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc huyện Phù Cừ. Ngày mùng 8/6/1950, chị Trần Thị Khang về công tác tại thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ thì gặp địch càn quét. Chúng bắt được chị dưới hầm bí mật và đưa chị về bốt La Tiến giam giữ”. Sau 5 ngày vừa dụ dỗ vừa tra tấn không có kết quả, chúng cắt cổ chị rồi vứt xác chị xuống sông Luộc, khi ấy chị mới 21 tuổi.

Xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, nơi có đội nữ du kích đầu tiên của tỉnh Hưng Yên và là tiền thân của Phong trào du kích Hoàng Ngân

Xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, nơi có đội nữ du kích đầu tiên của tỉnh Hưng Yên và là tiền thân của Phong trào du kích Hoàng Ngân

Lần theo những hiện vật và hình ảnh được trưng bày trong Nhà lưu niệm, tôi được biết: Lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp đã lập nhiều chiến công, đặc biệt là chiến công “địch vận” nhờ dựa vào thế mạnh của người phụ nữ. Đã có hàng trăm nữ du kích Hoàng Ngân chiến đấu, anh dũng hy sinh, tiêu biểu là các nữ Anh hùng liệt sĩ như: Bùi Thị Cúc, Trần Thị Tý, Trần Thị Khang; đặc biệt chị Bùi Thị Cúc đã được Bác Hồ tặng 6 chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”.

Cô Đỗ Thị Uyên chỉ tay vào lá cờ thêu dòng chữ “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - mà Nhà nước ta phong tặng cho lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên, treo trang trọng trên bức tường, nói rất vui: “Phong trào Nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Chiến công Hạng 3. Có 25 chị được tặng Huy hiệu Bác Hồ và hàng ngàn chị em được tặng thưởng Huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen. Đây là những phần thưởng cao quý, là niềm tự hào của các thế hệ phụ nữ Hưng Yên nói riêng và nhân dân Hưng Yên nói chung.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ngan-vang-nu-du-kich-hoang-ngan-i744050/