Ngăn Trái Đất nóng lên, cuộc đua đang 'chậm chân'?

Lượng khí nhà kính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu vào năm 2030 có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Khói mù ô nhiễm bao phủ thành phố Los Angeles, California, Mỹ ngày 21/9/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khói mù ô nhiễm bao phủ thành phố Los Angeles, California, Mỹ ngày 21/9/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Con số được đưa ra trong báo cáo thường niên lần thứ 9 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), là lời cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế đang "chậm chân" trong "cuộc đua" chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Báo cáo của UNEP phân tích tác động của những mục tiêu cắt giảm khí thải mà các quốc gia trên thế giới đã cam kết trong Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu và các chính sách của mỗi quốc gia, cũng như đánh giá xem liệu những nỗ lực này đã đủ để thực hiện mục tiêu hay chưa. Kết quả đánh giá được công bố chỉ vài ngày trước Hội nghị LHQ về chống biến đổi khí hậu (COP 24) sẽ diễn ra từ ngày 2-14/12 tại Ba Lan, trong đó các quốc gia thảo luận để có thể thông qua chương trình nghị sự triển khai Hiệp định Paris 2015.

Theo báo cáo của UNEP, lượng khí nhà kính thải ra môi trường trong năm 2017 đã tăng lên mốc kỷ lục mới là 53,5 tỷ tấn sau 3 năm giảm liên tiếp. Để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lần lượt ở ngưỡng 2 độ C và 1,5 độ C như Hiệp định Paris 2015 quy định, lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 phải ở mức thấp hơn con số trên tương ứng khoảng 25% (13,3 tỷ tấn) và 55% (29,4 tỷ tấn).

Theo ước tính của LHQ, các chính sách khí hậu hiện tại sẽ chỉ giúp giảm khoảng 6 tỷ tấn khí nhà kính phát thải trước năm 2030, đồng nghĩa với mức tăng nhiệt bề mặt Trái Đất là 3 độ C vào năm 2100. Báo cáo chỉ ra, những yếu tố lượng khí thải tăng kết hợp với các hành động chưa đủ quyết liệt đang khiến cho con số khoảng cách giữa mức thải thực tế và mức thải mục tiêu trong năm vừa qua cao hơn bao giờ hết.

Báo cáo cho rằng nếu khoảng cách này không được thu hẹp trước năm 2030 thì mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng hoàn toàn vượt quá tầm với. Cũng theo báo cáo này, các quốc gia phải nỗ lực gấp 3 nếu muốn đạt mục tiêu 2 độ C và gấp 5 nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C. UNEP cũng chỉ ra Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đang là nhóm không đảm bảo thực hiện được cam kết.

Trước đó, một báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu LHQ (IPCC) cũng đã khuyến cáo thế giới cần có những bước thay đổi nhanh chóng và chưa từng có tiền lệ thì mới mong đạt mục tiêu 1,5 độ C.

Trong những năm qua, con người đã chứng kiến các vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề, các đợt nắng nóng đỉnh điểm hay các cơn bão có sức tàn phá trên diện rộng khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất mới chỉ tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Vì vậy, UNEP kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động tham vọng hơn và khẩn trương hơn để đạt được mục tiêu đã đề ra. Báo cáo khẳng định, nếu đủ quyết liệt, con người có khả năng giảm được 19 tỷ tấn CO2 phát thải ra môi trường trước năm 2030 và sẽ đạt mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng dưới 2 độ C.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/ngan-trai-dat-nong-len-cuoc-dua-dang-cham-chan-20181128130159687.htm