Ngân sách: Thu ít đi, vay nợ nhiều hơn

Chính phủ xây dựng dự toán thu năm 2018 cao hơn thực tế ở một số khoản thu quan trọng nhưng thực tế không đạt được. Trong khi đó nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia tiếp tục đà tăng.

Giao dự toán thu quá cao

Nguồn thu từ doanh nghiệp giảm cả ba khu vực: DNNN, FDI và doanh nghiệp ngoài nhà nước, ảnh hưởng đến thu ngân sách nói chung. Ảnh: Nhà máy đạm Cà Mau - nơi Chính phủ dự định sẽ tăng một số khoản thuế đối với ngành đạm năm 2019

Ủy ban Tài chính – ngân sách (UB TC-NS) của Quốc hội đã thẳng thắn nhận định trong Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và dự toán NSNN 2019 (chiều 22-10 tại Quốc hội) rằng Chính phủ giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017 nên nhiều khoản thu, số thu từ khu vực doanh nghiệp không đạt yêu cầu.

Ủy ban này đánh giá rằng kết quả thu NSNN ước sẽ vượt dự toán vì 9 tháng qua đã đạt 73% dự toán nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: tỉ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra. Nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với 2017. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 30/9/2018 số nợ thuế nội địa khoảng 82,9 ngàn tỉ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm hết năm 2017. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất- kinh doanh không đạt dự toán. Một số địa phương dự toán ước hụt thu nội địa cho thấy thu NSNN còn thiếu vững chắc.

Nói riêng về thu nội địa: ước vượt thu 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp như đã nói lại không đạt được. UB TC-NS cho rằng dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao.

“Đây là điều Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán cho các năm tiếp theo”, Ủy ban đề nghị.

Trước đó, trong báo cáo cho ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện NSNN năm 2018 gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có những nhận định chi tiết. Theo đó, số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô. Trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỉ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỉ đồng). Thu từ đất không ổn định, thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (73,5 đô la so với 50 đô la/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.

Nguồn thu từ ba khu vực không đạt dự toán (thu từ khu vực DNNN giảm 2,9% (4.908 tỉ đồng); thu từ khu vực doanh nghiệp FDI giảm 15,1%, (33.646 tỉ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỉ đồng).

Qua số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu NSNN trên địa bàn của các địa phương gửi KTNN cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu NSNN trên địa bàn, như TP HCM, TP Hà Nội và Tỉnh Vĩnh Phúc ước hụt thu 2 năm liên tiếp. Năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao.

Năm 2019 sẽ là năm thứ tư liên tiếp trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm (2016-2020), dự kiến tỉ lệ huy động từ thuế, phí sẽ thấp hơn mức 21% GDP) khiến cho ngân sách sẽ khó khăn. UB TC-NS cho rằng, cần phân tích kỹ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và có biện pháp động viên nguồn thu cao hơn trên cơ sở cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu, rà soát các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư…

Nợ công tiếp tục đà tăng

Nhìn tổng thể, năm 2018, bội chi ngân sách bằng dự toán, nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay nợ dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỉ trọng vay trong nước cao hơn là những dấu hiệu tích cực, theo đánh giá của UB TC-NS. Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể: dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3128 ngàn tỉ đồng, 3409 tỉ đồng (2018). Nợ Chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2590 tỉ đồng, ước năm 2018 là 2892 ngàn tỉ đồng (2018). Vay để trả nợ gốc năm 2017 là 150,7 ngàn tỉ đồng; 157 ngàn tỉ đồng (2018) và 201,21 ngàn tỉ đồng (2019).

Thực tế đang có những chương trình, dự án mới đã ký kết và đang đàm phán nhưng chưa giải ngân nên chưa tính vào nợ công và sẽ là yếu tố tăng nợ công trong thời gian tới.

UB TC-NS tán thành với phương án Chính phủ dự kiến: bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6%GDP, giảm 0,1%GDP so với năm 2018 . Song đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi. Trường hợp tăng thu NSNN thì phải kiên quyết ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật NSNN.

Tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Cụ thể: năm 2017 bằng 62,6% GDP, năm 2018 bằng 61,4% GDP và dự kiến năm 2019 bằng 61,3% GDP song nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên. Như nợ Chính phủ ở mức 51,8% GDP (2017) sẽ lên 52,1% GDP (2018) và 52,2% (2019).

Đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần (50%GDP). Điều này cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro.

Ngọc Lan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280539/ngan-sach-thu-it-di-vay-no-nhieu-hon.html