Ngàn Nưa, miền lau trắng

Chúng tôi về thăm khu di tích núi Nưa của xứ Thanh. Giữa đồng bằng sông Mã trù phú, dãy núi linh thiêng này nổi lên như một bức tường thành ngang qua vùng Triệu Sơn, một miền đất mang dấu ấn văn hóa lịch sử đặc sắc.

Đền Nưa trên đỉnh núi Nưa.

Đền Nưa trên đỉnh núi Nưa.

Nhiều di tích ở núi Nưa gắn với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Những lời ca về hình ảnh tuyệt vời của người nữ anh hùng dân tộc trên dải đất này đi vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt:
Ru con con ngủ cho lành
Mẹ còn gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Câu nói đầy khí phách của vị nữ tướng mới 20 tuổi, người đã thay anh trai là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược còn mãi với sử xanh: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ...”.

Quanh khu vực núi Nưa còn các địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa như Gò Đống Thóc, nơi để kho lương thực của nghĩa quân; Đồng Kỵ, nơi nuôi ngựa; Bùng Voi Đẳm, nơi tắm cho voi; Bùng Cổ Ngựa, nơi cho ngựa tắm và uống nước... của nghĩa quân Bà Triệu.

Cùng với những di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa, khu vực núi Nưa còn là vùng văn hóa, với sự phong phú của các truyền thuyết lịch sử, ca dao, tục ngữ, truyện cổ, hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian, mang những giá trị tinh hoa của cuộc sống và con người ở đây.

Đường về khu di tích đã được mở rộng, tuy có những đoạn khá dốc, có biển cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện đi lại. Chúng tôi viếng đền thờ Bà Triệu ở chân núi rồi ngược lên khu di tích trên đỉnh, ở độ cao trên 580 mét, một quần thể có đền Nưa, giếng Tiên, huyệt đạo Am Tiêm cùng một số di tích khác. Cùng với Đá Chông ( Ba Vì, Hà Nội ) và núi Bà Đen (Tây Ninh), Am Tiêm được các nhà phong thủy coi là một ba huyệt đạo của Việt Nam, nơi giao hòa khí thiêng trời đất, thu hút rất đông du khách tới thăm, đặc biệt trong dịp lễ hội đầu năm.

Khu đền Nưa nằm trên đỉnh núi. Ở đây , ngoài các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và huyệt đạo An Tiêm còn có chùa Am Tiêm, đền chúa Thượng Ngàn, đền thờ đạo sĩ Tu Nưa, ban thờ lộ thiên thờ thần núi Tản Viên... Từ năm 2009, khu vực này đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Chúng tôi lên đỉnh núi Nưa. Một ngày nắng đẹp. Bầu trời trên như cao hơn. Giữa bốn bề cây xanh, không khí rất trong lành, yên tĩnh. Mùi hương trầm nhẹ bay gợi cảm giác hoài niệm về những dấu ấn mà thời gian để lại trên mảnh đất này. Theo chân các du khách thập phương, chúng tôi viếng đền, thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân, thăm giếng Tiên, tương truyền là nơi Bà Triệu và nghĩa quân vẫn lấy nước rửa mặt trước khi ra trận, thăm vườn cây bồ đề và các điểm di tích trong khu vực.

Những trải nghiệm rất ấn tượng với mỗi người tại huyệt đạo Am Tiêm. Huyệt đạo nằm trên một mỏm cao, bán kính khoảng hơn 20 mét, có tầm nhìn ra các hướng. Theo các nhà phong thủy, đây là nơi hội tụ linh khí của đất và trời. Một ban thờ chính đặt ở giữa, bốn phía đều có bát hương, ứng với ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đường Thiền Hành bao quanh huyệt đạo. Du khách sẽ đi theo chiều kim đồng hồ, nam 7 vòng, nữ 9 vòng, trước khi vào khấn ở ban thờ chính. Trong không khí trang nghiêm, chỉ còn tiếng chuông gió reo khẽ, mọi người nhắm mắt, thả lỏng người, tâm thế thanh thản để cảm nhận luồng sinh khí của đất trời truyền qua cơ thể, đem lại một cảm giác khoan khoái, nhẹ nhõm.

Từ huyệt đạo Am Tiêm, sau khi làm lễ, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng phong cảnh toàn vùng. Đồng ruộng, làng mạc thanh bình nối tiếp nhau gần xa. Sông suối uốn khúc như trong một bức tranh thủy mặc. Qua những hàng lau đang mùa trổ cờ, đồng bằng sông Mã mang nhiều trầm tích văn hóa và lịch sử trải dài trong tầm mắt - một vẻ đẹp mang sức sống trường tồn được lưu truyền qua nhiều thế hệ trên mảnh đất này.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-doc/ngan-nua-mien-lau-trang-20201215155152255.htm