Ngăn ngừa tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em: Quyết liệt hơn nữa trong hành động!

An toàn cho con người nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng từ lâu là yếu tố vô cùng quan trọng của một quốc gia, là thước đo của nền văn minh xã hội. Từ thực tế các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em cho thấy, tâm lý ngại lên tiếng, chế tài xử lý chưa nghiêm… là những 'rào cản' khiến công tác bảo vệ các nạn nhân còn khó khăn. Hơn hết, để ngăn chặn đối tượng phạm tội liên quan, sự chung tay, vào cuộc từ các cơ quan chuyên môn và xã hội là hết sức cần thiết.

Đưa bạo lực ra vùng sáng

Những năm qua, tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại có chiều hướng diễn biến phức tạp. Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó xâm hại tình dục chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Số trẻ em lao động trái pháp luật lên tới 790.518 trường hợp, 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và gần 13.500 trẻ 15 tuổi tảo hôn.

Tuyên truyền về bình đẳng giới thông qua tiểu phẩm ngắn, góp phần nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng. Ảnh: Phạm Thảo

Tuyên truyền về bình đẳng giới thông qua tiểu phẩm ngắn, góp phần nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng. Ảnh: Phạm Thảo

Đáng chú ý, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ. Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.

Mỗi vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em đều mang đến những hậu quả nặng nề không thể đo đếm, khó có thể xoa dịu. Và những con số này vẫn chưa phản ánh hết thực trạng đau lòng bởi còn có nhiều vụ xâm hại đã không được trình báo chỉ vì những lý do khác nhau. Bên cạnh đó, phần lớn còn do tâm lý e ngại, xấu hổ nên một số gia đình cố tình che giấu thông tin khi có vụ việc xâm hại tình dục xảy ra…

Những việc làm này đều gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý. Bản thân nạn nhân cũng âm thầm chịu đựng, một bộ phận chỉ dám chia sẻ câu chuyện nhưng đề nghị không công khai danh tính. Nói cách khác, họ chỉ muốn nói ra để giải tỏa nỗi niềm nhưng hành động quyết liệt, đấu tranh phản kháng lại thì không.

Khách quan nhìn nhận, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội. Phụ nữ, trẻ em không chỉ là nạn nhân chính của bạo lực trong gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực, xâm hại. Song điểm chung đều xuất phát từ những định kiến, quan niệm lạc hậu về giới vẫn tồn tại dai dẳng. Tuy nhiên, có thể thấy các nguyên nhân của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới phần lớn bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, định kiến giới, coi trọng sự thống trị của nam giới cũng như hạ thấp vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em…

Chủ động phòng ngừa

Theo tìm hiểu, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực và được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh. Song song với khung pháp lý, nhiều biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, xử lý người có hành vi bạo lực được các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện.

Chẳng hạn, Hội Liên hiệp phụ nữ có mô hình ngôi nhà bình yên; tham mưu xây dựng các mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; Tòa án thí điểm thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên; các biện pháp cấm tiếp xúc, giáo dục tại các cơ sở đối với người gây bạo lực gia đình....

Tuyên truyền an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại đô thị. Ảnh: Giang Nam

Tương tự, tại Hà Nội, công tác này cũng đặc biệt được đẩy mạnh. Dễ thấy, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội triển khai rộng rãi Quyết định số 938/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”;

Quyết định số 1863/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 có nội dung, thí điểm kết nối các biện pháp điều tra thân thiện với dịch vụ y tế, hỗ trợ tâm lý, phúc lợi xã hội, dịch vụ bảo vệ trẻ em cho trẻ em là người bị hại, người làm chứng của bạo lực, xâm hại tình dục; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan tổ chức liên quan.

Tương tự, tại nhiều cơ quan, đơn vị, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em cũng được đẩy mạnh thực hiện, nhờ vậy đã thu được nhiều tín hiệu tích cực. Theo tìm hiểu, từ năm 2013 Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện hai dự án "Thành phố an toàn cho trẻ em gái" và "Hành trình an toàn cho phụ nữ tại đô thị".

Những dự án này đã tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chia sẻ tại buổi tọa đàm Thành phố an toàn, thân thiện với em gái được tổ chức mới đây nhằm phát động chiến dịch “Phòng chống quấy rối - Chuẩn thanh niên thời đại mới”, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, để góp phần hỗ trợ cho các bạn gái khi tham gia giao thông công cộng, thời gian qua đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp.

Chẳng hạn như, tập huấn cho lái xe, phụ xe, người bán xe, cán bộ điều hành, in poster tờ rơi phát trên xe buýt… Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay hệ thống xe buýt của Hà Nội có khoảng 1.700 phương tiện được gắn camera. Năm 2019 có 2 trường hợp hành khách bị quấy rối, lái xe bus đã đóng cửa và đến báo với cơ quan công an gần nhất để xử lý.

Còn tại huyện Ba Vì, trong 2 năm 2019 - 2020 đã có 2 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn. Để ngăn ngừa, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành khẩn trương điều tra xác minh và xử lý theo quy định của Pháp luật, đồng thời triển khai đầy đủ các biện pháp khẩn cấp bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Đặc biệt, trong 2 năm Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì và các cơ sở đã tổ chức được 42 hội nghị tuyên truyền tập huấn về pháp luật, 2 cuộc phát động hưởng ứng chủ đề năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em với sự tham gia của 650 người, 3 buổi tọa đàm, truyền thông, hội thảo về các chủ đề có liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em với sự tham gia của 2322 người, tổ chức được 7 lớp dạy kỹ năng mềm cho 490 trẻ em trên địa bàn huyện....

Tài liệu tuyên truyền phòng ngừa xâm hại phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Giang Nam

Với cấp công đoàn Thủ đô, công tác này cũng được chú trọng quan tâm. Cụ thể, Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự tổ chức tuyên truyền bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hóa.

Qua thông điệp "Chấm dứt bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em", hội thi nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, đề cao vai trò, trách nhiệm và hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức, các cấp công đoàn trong việc thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Rõ ràng, để bảo vệ nhóm đối tượng là phụ nữ và trẻ em, việc lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tố cáo các vụ xâm hại, bạo lực là hết sức cần thiết. Việc vào cuộc tích cực và kịp thời của các ngành chức năng, các tổ chức xã hội thời gian qua là rất đáng ghi nhận, góp phần rất lớn hạn chế và từng bước đẩy lùi vấn nạn này. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em, tiến tới xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Hơn hết, từ thực tế cho thấy, việc ban hành các chính sách, pháp luật phải đi đôi với trách nhiệm và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc triển khai để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, phải chú trọng đến vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông trong việc thay đổi những quan niệm truyền thống, những định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới. Quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em cũng phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại đồng thời cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại./.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT)

Trong quá trình hình thành và phát triển các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới, sự tham gia tích cực và chủ động của các ban, ngành liên quan cùng cộng đồng tại địa phương là vô cùng quan trọng để đảm bảo các dịch vụ được thân thiện, có chất lượng, được kết nối đồng bộ và bản thân người bị bạo lực cũng được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực để có thể chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết

Bà Khuất Thu Hồng – Chủ tịch Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet).

Theo kết quả nghiên cứu về tác động của Covid-19 tới bạo lực gia đình với phụ nữ tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và Đại học Y tế Công cộng vừa thực hiện cho thấy, trong thời gian cách ly phòng dịch Covid-19, nhiều xung đột và mâu thuẫn đã xảy ra trong các cặp vợ chồng. Đáng chú ý, trong thời kỳ dịch Covid-19, những nạn nhân bị đánh đập, hành hạ, chửi bới… để đối phó với bạo lực gia đình, nhiều người đã chọn giải pháp im lặng chịu đựng. Phần lớn những phụ nữ chịu bạo hành trong nghiên cứu đều cho biết lý do xuất phát vì con cái, vì không muốn cha mẹ bị mang tiếng...

Nhiều phụ nữ cũng cho biết, sở dĩ họ không tìm kiếm sự giúp đỡ bởi nhiều nguyên nhân như sợ bị đổ lỗi, các biện pháp hòa giải không hiệu quả. Điều buồn nhất trong mẫu nghiên cứu là, có tới 51% trong số 270 người bị bạo hành đã từng có ý định tự sát. Để ngăn ngừa vấn nạn này, bên cạnh lồng ghép vấn đề bạo lực giới vào công tác tuyên truyền trong dịch Covid-19, nâng cao nhận thức của cộng đồng thì việc phát triển và tăng cường các dịch vụ đa dạng hỗ trợ nạn nhân là đặc biệt quan trọng.

Bà Phạm Thị Thùy Dương – Luật sư, Giám đốc công ty Luật Tuệ Vinh

Để giải quyết vấn đề xâm hại, các cơ quan có thẩm quyền phải đặt ra giới hạn cho các hành vi bị coi là vi phạm. Trên thực tế, các vụ việc xâm hại đều phải chứng minh hậu quả. Tuy nhiên, ở trong trường hợp quấy rối tình dục nơi công cộng, bị xử lý thời gian gần đây thì việc chứng minh rất khó khăn. Đa phần ở các vụ việc đều không thể hiện rõ ở dấu vết nào cụ thể. Tuy nhiên, hậu quả tinh thần các vụ việc để lại cho nạn nhân lại rất lớn. Có những trường hợp, dấu vết ấy theo tinh thần nạn nhân suốt cả cuộc đời chứ không phải ngày một ngày hai. Thậm chí, nếu có xử lý mới chỉ dừng ở mức xử lý hành vi, còn biện pháp khắc phục thì chưa có quy định cụ thể./.

G.N (Lược ghi)

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngan-ngua-tinh-trang-bao-luc-xam-hai-phu-nu-va-tre-em-quyet-liet-hon-nua-trong-hanh-dong-116617.html