Ngăn ngừa tai nạn đường thủy

Ngày 25-2 vừa qua, trên sông Vu Gia thuộc huyện Ðại Lộc (Quảng Nam) xảy ra vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 25-2 vừa qua, trên sông Vu Gia thuộc huyện Ðại Lộc (Quảng Nam) xảy ra vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng.

Thuyền gia dụng chở theo 10 người (bảy người lớn, ba trẻ em) khi đến giữa sông, gặp gió chướng cùng với chở quá nhiều người (thông thường chở nhiều nhất là sáu người) đã khiến thuyền bị lật, làm sáu người chết. Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và huyện Ðại Lộc đang điều tra, xác minh nguyên nhân vụ việc và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Thông tin ban đầu từ hiện trường cho thấy, thuyền được đưa vào hoạt động nhưng không có áo phao hoặc thiết bị cứu sinh.

Số liệu thống kê cho thấy, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường thủy khi người dân sử dụng thuyền gia dụng chở người, hàng hóa, làm chết nhiều người và thiệt hại nhiều tài sản. Ðơn cử, ngày 20-9-2019, xảy ra vụ lật thuyền tự chèo của sáu học sinh trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) làm chết ba em nhỏ. Ngày 6-1-2020, vụ lật thuyền gia dụng trên sông Trà Lý (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) làm chết hai người; ngày 15-2-2020, trên sông La Ma, huyện Nam Ðông (Thừa Thiên Huế), lật thuyền chở sáu cặp vợ chồng đi khai thác keo tràm, làm ba người chết,...

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân các vụ tai nạn đường thủy nêu trên do các phương tiện gia dụng của người dân và các cơ sở thủ công tự đóng, không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông. Việc người dân sử dụng phương tiện thủy gia dụng vào hoạt động mang tính tự phát, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất phục vụ đời sống hằng ngày, hầu hết không trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh, an toàn. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với phương tiện không có thiết bị an toàn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ở các địa phương, hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật cũng như tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn hạn chế, phần lớn người dân chưa có ý thức về an toàn, không quan tâm sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh.

Để hạn chế các vụ tai nạn đường thủy do các phương tiện gia dụng gây ra, ngành giao thông nên rà soát, hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên đường thủy; nghiên cứu, siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm, trong đó có hành vi sử dụng thuyền không có động cơ (trọng tải toàn phần từ 1 đến 15 tấn hoặc có sức chở từ năm đến 12 người), thuyền có động cơ (máy chính dưới năm sức ngựa hoặc sức chở dưới năm người) không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc về mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh; các lực lượng công an cần tăng cường tuần tra, kiểm soát các hành vi vi phạm đối với các loại phương tiện nêu trên.

Các địa phương chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT đường thủy trong nước nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân khi tham gia giao thông, trang bị đủ dụng cụ an toàn các phương tiện thủy thô sơ theo quy định (áo phao, dụng cụ nổi); cảnh báo các nguy cơ tai nạn, đuối nước khi tham gia giao thông bằng phương tiện thủy gia dụng mà không có áo phao, dụng cụ cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về sử dụng và tham gia giao thông đối với các loại phương tiện thủy gia dụng. Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp các cơ quan thành viên và MTTQ Việt Nam xây dựng báo cáo tổng kết cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" để đánh giá kết quả, hiệu quả cũng như những hạn chế, đề xuất hình thức vận động xây dựng văn hóa giao thông đường thủy trong nước phù hợp tình hình mới.

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43449702-ngan-ngua-tai-nan-duong-thuy.html