Ngăn ngừa rủi ro bằng bộ quy tắc

Hệ thống báo cáo sai phạm (HTBCSP) được coi là một thành phần quan trọng của việc quản lý rủi ro, gian lận, giúp các DN phòng ngừa và phát hiện sai phạm trong tổ chức, đồng thời được sử dụng làm công cụ quản trị công ty (QTCT).

Tại hội thảo với chủ đề “HTBCSP và bộ quy tắc QTCT” do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp với Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) và Đại sứ quán Anh tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á (ICAEW), cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm 3 nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, và tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Để DN Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, tạo được niềm tin với nhà đầu tư, một HTBCSP và QTCT tốt giúp DN giải quyết tranh chấp hiệu quả trong nội bộ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của DN. Bộ quy tắc QTCT ở Anh (vừa được ban hành bộ mới vào tháng 7) đã được cả thế giới công nhận, và là cơ chế khung được các nhà đầu tư tin tưởng khi quyết định bỏ vốn vào đầu tư. Bộ quy tắc này đề cập đến các vấn đề kinh tế, xã hội và sẽ góp phần định hướng cho thành công lâu dài của DN Anh.

Theo bà Elizabeth Richards, Giám đốc chuyên môn về quản trị DN của ICAEW, bộ quy tắc đặt mối quan hệ giữa các công ty, cổ đông và các bên liên quan ở vị trí trung tâm của sự tăng trưởng bền vững, lâu dài trong nền kinh tế Anh. Bộ quy tắc này chú trọng vào việc các DN xây dựng niềm tin bằng cách tạo nên mối quan hệ mạnh mẽ với các bên liên quan, nhấn mạnh sự tin cậy là điều tối quan trọng trong việc thúc đẩy tính minh bạch và toàn vẹn trong kinh doanh cho xã hội nói chung.

Theo ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN, HTBCSP và bộ quy tắc QTCT của Anh sẽ giúp phát hiện sai phạm ngay trong nội bộ để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện trước khi dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, gây ra đổ vỡ DN. Tuy nhiên, để thay đổi những vấn đề mang tính cốt lõi của QTCT cần phải có những thay đổi về tư duy, nhận thức. Trong các báo cáo đánh giá về QTCT ở Việt Nam, có thể thấy QTCT của Việt Nam còn thua rất xa các nước trong khu vực. Nguyên nhân lớn nhất là việc nhận thức của chủ DN. Thị trường đã từng chứng kiến nhiều DN hoạt động tốt, nhưng sau 5-6 năm đột nhiên “biến mất”. Hay nhiều ngân hàng thương mại sau thời gian hoạt động tốt, bị sụp đổ trở thành ngân hàng 0 đồng. Đó chính là do vấn đề QTCT. Những người đứng đầu không chú ý tới lợi ích chung của cộng đồng, công ty mà quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của bản thân, dẫn đến xung đột lợi ích, bị khởi tố…

“Hiện nay, Viện QTCT đã được thành lập, chúng tôi sẽ phối hợp thúc đẩy việc đào tạo với giảng viên là các chuyên gia trong nước và quốc tế, hỗ trợ DN nắm bắt được các thông lệ QTCT, áp dụng, xây dựng chính sách theo khuôn khổ bên trong nội bộ và hệ thống giám sát QTCT tốt. Điều này sẽ góp phần nâng cao văn hóa QTCT, giá trị công ty, lòng tin của các cổ đông, để từ đó DN phát triển bền vững hơn, ngăn ngừa được những xung đột, rủi ro; từ đó giá công ty, cổ phiếu được nâng lên, khả năng tiếp cận vốn trên thị trường vốn sẽ tốt hơn” - ông Bằng nói.

Hiện UBCKNN, Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Chứng khoán mới. Dự kiến trong đó sẽ có chương riêng về QTCT. Điều đó thể hiện quyết tâm trong việc tăng cường, thúc đẩy QTCT theo thông lệ tốt ở Việt Nam.

Quang Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/ngan-ngua-rui-ro-bang-bo-quy-tac-62151.html