Ngăn ngừa lao động trẻ em: Cần sự chung tay của nhiều đối tác và cộng đồng xã hội

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu lao động trẻ em có độ tuổi từ 5-17 tuổi. Lao động trẻ em vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70%), tiếp đến là ngành dịch vụ (chiếm 17,1%) và ngành công nghiệp là 11,9%...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội(LĐTB&XH) tại 3 tỉnh, thành phố cho thấy, hơn 7% hộ gia đình có người từ 5-17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Gần 2% hộ gia đình có thành viên từ 5-17 tuổi tham gia công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Nhiều chuyên gia đánh giá, do lao động trẻ em có giá rẻ và nhiều trẻ em sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động, nên người sử dụng lao động đã tận dụng lợi thế này để tăng cường lao động trẻ em. Ngoài ra, việc sử dụng lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng cũng là một nguy cơ cần được quan tâm để phòng ngừa. Trong khi đó, việc phải lao động sớm để lại nhiều hậu quả không nhỏ, tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như tới việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, lao động sớm trước tuổi để lại nhiều hậu quả không nhỏ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của các em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục; từ đó tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như tới việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Thông qua hệ thống luật pháp, chính sách hỗ trợ xã hội, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, các hoạt động hội nhập quốc tế, đã thể hiện cam kết của Việt Nam về vấn đề lao động trẻ em, hướng tới phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Điều này có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai việc phòng ngừa lao động trẻ em, và Việt Nam đang có những bước chuẩn bị để trở thành quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững về xóa bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm.

Theo đánh giá của ILO, đến thời điểm này, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã nội luật hóa các công ước cơ bản mà Việt Nam đã phê chuẩn. Các quy định của pháp luật Việt Nam đầy đủ. Tuy nhiên, hiện tại lực lượng thanh tra lao động còn mỏng và khối lượng công việc nhiều, cùng với tình trạng nghèo đói, thiếu hiểu biết về quyền trẻ em của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, dẫn đến vẫn còn vấn đề về sử dụng lao động trẻ em, trong đó bao gồm cả các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như trẻ em làm công việc độc hại, trẻ em là nạn nhân của lạm dụng tình dục, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em là nạn nhân của buôn bán người…

Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho rằng, trong sản xuất hộ gia đình, trẻ em thường rất dễ bị tổn thương do thu nhập của bố mẹ các em không đủ, hoặc bởi các doanh nghiệp gia đình phi chính thức không đủ tiền thuê lao động trưởng thành, nên phải để con em mình lao động không được hưởng lương. Do đó, theo ông Chang-Hee Lee, phòng, chống lao động trẻ em đòi hỏi phải có các chính sách đồng bộ.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được quan tâm hơn, đặc biệt là vấn đề lao động trẻ em. Do đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính các em, gia đình, cộng đồng và của cả doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền vững, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/ngan-ngua-lao-dong-tre-em-can-su-chung-tay-cua-nhieu-doi-tac-va-cong-dong-xa-hoi_t114c7n149353