Ngân nga câu hát then giữa hồ Ba Bể

Chiều dần buông, mặt hồ Ba Bể (thuộc tỉnh Bắc Kạn) bàng bạc màu sương khói. Cô gái Triệu Thị Huế rướn cong mình khua mái chèo thuyền độc mộc xuống mặt hồ in bóng núi rung rinh.

Gió phất phơ man mát xua đi bao nhọc nhằn của người lữ khách đã trót yêu câu hát then của người Tày mà lần tìm về Ba Bể. Tôi khẽ khỏa tay xuống dưới làn nước mát trong rồi cất lời hỏi nhỏ: “Huế đưa tôi đi đâu nghe hát vậy?”. “Em sẽ đưa anh về nơi đất thiêng, nghe câu hát then mượt mà say đắm”.

Cảnh hồ Ba Bể vốn đẹp như chốn bồng lai nay thêm câu hát của đồng bào Tày khiến nơi đây càng trở nên có sức hấp dẫn lạ kỳ. Huế giải thích rằng: Đồng bào gọi “then” nghĩa là “thiên” (trời). Vì thế, điệu hát then được coi là điệu hát thần tiên. Hát then mang màu sắc tín ngưỡng gắn bó với đời sống tâm linh của đồng bào. "Có phải vì thế Huế dẫn tôi về chốn thiêng nơi hồ Ba Bể?”. Huế mỉm cười khẽ đáp “dạ”.

 Đội hát then bản Pắc Ngòi biểu diễn phục vụ du khách tham quan hồ Ba Bể.

Đội hát then bản Pắc Ngòi biểu diễn phục vụ du khách tham quan hồ Ba Bể.

Vui câu chuyện với cô gái bản Pắc Ngòi mà thuyền cập vào đảo nhỏ lúc nào không hay. Dưới những tán cây già xanh mát, ngôi đền An Mã hiện ra thâm nghiêm trầm mặc. Trong đền thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần. Ngôi đền cổ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào. Huế gặp lại hai chị Nông Thị Nhiệm, Dương Thị Thỏa người cùng bản Pắc Ngòi. Cả ba người đều trong đội hát then của bản sẵn sàng ngân lên câu hát then mượt mà tình tứ.

Ba cô gái dịu dàng trong tà áo chàm ngồi xuống bên thềm đá. Cả không gian đảo vắng bỗng chốc xao động bởi tiếng đàn, tiếng xúc sắc. Từng câu hát nảy lên theo nhịp đàn như đánh thức các giác quan của người lữ khách. Lời ca ngân vang hòa với tiếng đàn dặt dìu bay bổng: “Về thăm hồ Ba Bể cảnh tiên/ Nhạc chim hót rừng xanh hoa vặc viền khoe sắc/ Mặt hồ thêu cảnh vẽ nên thơ/ Em đưa anh thăm chốn nàng tiên đánh cờ/ Em đưa anh thăm chốn ao tiên, ao tiên ngự núi hoa ảo huyền, mơ màng tiên xuống tắm ngự chơi. Thuyền lướt sóng mênh mông, tay em chèo khua nước nhịp nhàng như tiên múa sơi sluông”. Huế vốn hiền lành chân chất như cây lúa củ khoai dưới chân dốc bản. Ấy vậy mà khi em hát, đôi mắt lóng lánh, đôi má ửng hồng đẹp tựa bông lan rừng soi bóng dưới dòng Ba Bể. Em khẽ nghiêng mái đầu xanh vấn khăn gọn gàng bên cây đàn tính làm duyên. Những chiếc tua rua rực rỡ sắc màu càng tôn thêm vẻ đẹp nền nã của người con gái miền sơn cước.

Tôi ghé hỏi nhỏ: “Huế có thuộc nhiều điệu hát then cổ không?”. Huế tủm tỉm thưa: “Chúng em được người già trong bản truyền dạy từ bé nên cũng biết nhiều điệu để trình diễn trong những dịp khác nhau, có then cầu an, then cầu mùa, then cấp sắc, lại có then chúc tụng, then chữa bệnh”. “Huế đang hát điệu then được biên soạn lời mới đúng không?”. “Chúng em hát lời mới để anh dễ nghe đấy ạ!”. Câu hát then trở thành món ăn không thể thiếu của người dân bản Tày. Lời ca nhẹ nhàng mà sâu sắc thể hiện ước nguyện về một cuộc sống no ấm, đủ đầy. Những câu then mộc mạc giản dị đã bước ra từ chốn linh thiêng theo chân đồng bào vắt vẻo nơi lưng chừng núi hay hòa vào dòng nước Ba Bể ngọt ngào.

Đôi mắt tôi mơ màng nghe lời Huế hát: “Thuyền em về lọt bến tiên sa/ Chốn ấy chốn hào hoa trai gái, còn bay đi bay lại giao duyên/ Chốn ấy chốn hẹn anh, em tung còn lúng liếng màu sắc/ Em nối còn se chắc đường tơ/ Nắng chiều lan xa, tiên thu còn nữa, hẹn mùa sau xuân tới lại về/ Hoa thơm bướm lượn hồ Ba Bể/ Gái trai tìm bạn nghĩa ngày xuân”. Thuyền cập bến khi ánh hoàng hôn đã lặn dưới chân núi Lung Nham nhưng những câu hát then vẫn còn ngân nga, diệu kỳ như ru hồn người vào chốn cảnh tiên.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/ngan-nga-cau-hat-then-giua-ho-ba-be-583661