Ngàn năm mây trắng và sự se duyên của nghệ thuật truyền thống

Là công trình nghệ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời là tác phẩm hưởng ứng Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ tư năm 2019, vở kịch hát Ngàn năm mây trắng vừa được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng đã mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho người xem bởi những sáng tạo mới trong cách khai thác đề tài, nhất là ở sự kết hợp duyên dáng của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.

Cảnh trong vở Ngàn năm mây trắng.

Cảnh trong vở Ngàn năm mây trắng.

Là công trình nghệ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời là tác phẩm hưởng ứng Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ tư năm 2019, vở kịch hát Ngàn năm mây trắng vừa được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng đã mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho người xem bởi những sáng tạo mới trong cách khai thác đề tài, nhất là ở sự kết hợp duyên dáng của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.

Vở diễn được hoàn thiện dựa trên kịch bản văn học của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ. Ông chia sẻ, năm 1997, khi tới thăm, chiêm bái tượng đá Nàng Tô Thị nơi địa đầu xứ Lạng, ông đã viết bài thơ “Trước nàng Tô Thị”: Sau ngàn năm, sau vạn năm/ Tôi theo câu hát xa xăm tìm về/ Nẻo đường hun hút sơn khê/ Vẳng trong gió núi vỗ về lời ru/ Chiều nao khói lửa mịt mù/ Ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời/ Hay từ đất khách xa xôi/ Vần thơ đi sứ rối bời niềm đau… Bài thơ đã trở thành cảm hứng để ông hoàn thiện kịch thơ Ngàn năm mây trắng đầu năm 2019. Lấy đề tài, cảm hứng từ sự tích dân gian về Hòn Vọng Phu, Nàng Tô Thị-người đàn bà thủy chung bồng con chờ chồng đến hóa đá, nhưng vở diễn lại mở ra cách tiếp cận khác. Ở đó, hình ảnh nàng Tô Thị không còn bị động như trong truyền thuyết. Với tình yêu son sắt và niềm tin mãnh liệt chồng còn sống, nàng chủ động ôm con vượt núi cao, đèo sâu quyết đi tìm chồng là Trần Khôi, mặc cho trước đó, Trương Lỗ-người anh em kết nghĩa của Trần Khôi khẳng định chàng đã hy sinh nơi chiến trận. Từ đây, vở diễn sáng bừng vẻ đẹp của lòng thủy chung, nhân ái nơi người phụ nữ Việt Nam. Vẻ đẹp ấy hòa trong cảm hứng ngợi ca, xúc động về hình tượng những chiến binh dũng cảm đã lấy máu mình bảo vệ giang sơn. Và đó cũng là cái tứ hợp lý để theo hành trình nàng Tô Thị bồng con tìm chồng, vở diễn cứ thế tạo nên những lớp không gian đậm mầu sắc tự sự mà ở đó, mỗi lớp lang lại được tái hiện bằng một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc.

Vở Ngàn năm mây trắng mở ra bằng những điệu cải lương da diết khi Trương Lỗ kể cho Tô Thị nghe về sự ra đi lẫm liệt của chồng nàng nơi trận tuyến. Để rồi sau đó, theo bước chân Tô Thị, vở diễn lại đưa người xem đến với một phường chèo, nơi Tô Thị được nghe kể câu chuyện về người có tên giống chồng nàng bằng những làn điệu chèo ngọt ngào, sâu lắng. Tiếp đó là cuộc gặp gỡ giữa Tô Thị với một gánh hát xẩm cùng tung tích về nhân vật có tên Trần Khôi được thuật lại bằng những điệu hát xẩm đặc trưng. Cho đến khi Tô Thị tìm đến ngôi đền thiêng, nơi tiếng hát văn Huế của cô đồng vang lên vạch trần câu chuyện về việc chồng nàng đã bị người anh em kết nghĩa hãm hại, nàng mới biết chân tướng và bộ mặt thật của kẻ thủ ác Trương Lỗ, để rồi sau đó tiếp tục bồng con đi tìm chồng rồi hóa đá vọng phu… Theo dõi vở diễn, cảm giác nàng Tô Thị như người dẫn chuyện đưa người xem đi tới nhiều miền không gian với nhiều câu chuyện khác nhau. Mỗi lớp không gian dường như trở nên lung linh hơn với vẻ đẹp của các loại hình âm nhạc dân tộc. Khán giả không khỏi bất ngờ khi ở cùng một vở diễn, vừa có thể nghe được làn điệu Chiêu quân, Vọng cổ, Lý chiều chiều… của cải lương, vừa được nghe khúc Lẩy Kiều, Vỉa ngâm… của chèo, kết hợp với điệu Xẩm chợ, Xẩm ba bậc… của Xẩm, hay làn điệu Trống quân… của hát văn Huế.

Để làm nên sự kết hợp duyên dáng của các loại hình nghệ thuật, không thể không nói đến bàn tay nhào nặn tài hoa của NSND Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam ở vai trò đồng đạo diễn. NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: Khi nhận lời mời dàn dựng kịch thơ Ngàn năm mây trắng, các đạo diễn đã nghĩ ngay tới đặc thù chuyên môn của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam là có cả Đoàn Ca nhạc mới và Đoàn Ca nhạc dân tộc, trong đó Đoàn Ca nhạc dân tộc có các nghệ sĩ ở đủ các loại hình âm nhạc truyền thống cho nên đã lên ý tưởng xây dựng một vở kịch hát mang đầy đủ âm hưởng của các loại hình cải lương, chèo, xẩm và hát văn. Đây là cả một thách thức lớn nhưng cũng là đề bài hay để ê-kíp thực hiện phát huy vai trò sáng tạo. Làm thế nào để khi đặt cạnh nhau, các loại hình âm nhạc dân tộc không bị pha trộn mà phải tôn lên vẻ đẹp của nhau, đó là lý do các loại hình được đưa vào những không gian tự sự riêng trong một mạch truyện thống nhất để bộc lộ vẻ đẹp vốn có. Đây cũng là sự thể nghiệm, cách tân cho sân khấu truyền thống để mang đến cho khán giả những cảm xúc, trải nghiệm mới.

Bên cạnh đó, cũng cần nói đến sự đầu tư về âm nhạc, mỹ thuật của vở diễn. Những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam được thay đổi liên tục từ chiếc đèn kéo quân để tạo phông sân khấu đã tạo hiệu ứng đặc biệt khi đặc tả không gian, thời gian của các lớp kịch. Kết hợp với phương pháp sân khấu tự sự phương đông, vở Ngàn năm mây trắng mang đến dấu ấn đậm nét về một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại với khả năng tôn vinh nét đẹp của những loại hình nghệ thuật truyền thống. Được biết, sau khi tham dự Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ tư năm 2019, vở diễn sẽ phục vụ công chúng ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội và trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của một số địa phương trên cả nước.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/41337902-ngan-nam-may-trang-va-su-se-duyen-cua-nghe-thuat-truyen-thong.html