Ngân mãi tiếng sáo Ngọc Phan

Không những biểu diễn giỏi mà Ngọc Phan còn say sưa suy nghĩ để tìm cách cải tiến, nâng cao hiệu quả diễn tấu của cây sáo dân tộc. Thành tựu đáng kể nhất của ông là đã mở rộng thêm âm vực của sáo bằng việc thêm 5 âm cao và 1 âm trầm, hoàn thiện sáo 6 lỗ thành 10 lỗ.

Hồi còn là một cậu thiếu niên, tôi đã rất mê nghe đài (Ngày ấy chỉ có đài phát thanh chứ chưa có Truyền hình). Ngoài nghe các bài hát mới, tôi còn đặc biệt thích thú với các chương trình dân ca, nhạc cổ. Có hai bản nhạc được diễn tấu bằng nhạc cụ dân tộc là “Dòng kênh trong” (đàn bầu) và “Nhớ về Nam” (sáo trúc), tôi nghe đi nghe lại không biết chán, đến mức thuộc lòng giai điệu, có thể xướng lên chính xác như hát một ca khúc.

Mãi về sau, tôi mới rõ hai bản nhạc đó là “Dòng kênh trong” của nhạc sỹ Hoàng Đạm do Mạnh Thắng đánh đàn bầu và “Nhớ về Nam” của Ngọc Phan do tác giả thổi sáo trúc. Riêng bài sáo này, khi ấy tôi cũng như nhiều người chưa thể đặt chân đến mảnh đất miền Nam Trung Bộ của Tổ quốc nhưng nghe cứ thấy có cái gì đó nhớ thương da diết và gợi lên một tình cảm rất đỗi thân thương. Tiếng sáo véo von, dìu dặt, cứ như xoáy vào lòng người, lúc thủ thỉ ân tình, lúc lại như hối hả, thúc giục…Tóm lại là rất nhiều cung bậc tình cảm phong phú được người sáng tác tự thể hiện thật tài tình.

 NSƯT Ngọc Phan.

NSƯT Ngọc Phan.

Cái tên Ngọc Phan ám ảnh tôi từ đó. Thời ấy, tôi nhớ rõ, ngoài Ngọc Phan còn có ba người thổi sáo hay nữa là Đức Tùy, Đinh Thìn và Kim Vĩnh. Đức Tùy qua đời rất sớm. Đinh Thìn cũng không trường thọ. Kim Vĩnh thì chuyên về sáo Mèo. Riêng Ngọc Phan kéo được khá dài tuổi nghệ thuật của mình. Mãi đến trước khi qua đời ở tuổi 79 (1938 – 2017), ông vẫn còn biểu diễn khi cần. Tiếng sáo của ông quả là rất đặc biệt.

Người nghệ sỹ này thổi sáo tài tình ở chỗ, có những đoạn nhạc rất dài nhưng người nghe đã không thể phát hiện chỗ nào ông lấy hơi mà có cảm giác hơi ông rất dài đến kỳ lạ (người khác thổi đương nhiên là phải ngắt để lấy hơi nhiều lần). Ông cho biết, để đạt được điều này, phải khổ công luyện tập, đặc biệt là luyện cách lấy và giữ hơi.

“Trích ngang” lý lịch của Ngọc Phan khá đơn giản, ngắn gọn: Sinh năm 1938, quê Kiến An, Hải Phòng. Năm 1956, ở tuổi 18, thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay). Tốt nghiệp loại xuất xắc, có 3 đơn vị nghệ thuật đều muốn lấy Ngọc Phan về làm việc là Đoàn Ca múa Quân đội, Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngọc Phan chọn Đài và làm việc cho tới lúc nghỉ hưu. Chuyện thi vào trường nhạc của ông cũng khá thú vị. Lúc ở nhà, bạn bè xui nên thi để theo học đàn viôlông vì là nhạc cụ Tây phương, hiện đại. Chàng trai Phan khi ấy cũng nghe nói đàn này là “nữ hoàng âm nhạc” rất sang trọng bèn hăm hở lên Hà Nội đăng ký dự thi. Vào phòng thi, Ngọc Phan phải thử năng khiếu và kéo đàn.

Năng khiếu thì tốt, đạt điểm tối đa 5/5 (theo thang điểm Liên Xô chỉ có 5 bậc). Nhưng kéo đàn không ổn. Ở nhà từng tập kéo tập toạng, nhưng vào phòng thi do quá run mà kéo không ra tiếng, chỉ ò í e. Tuy nhiên, giám khảo thấy điểm năng khiếu của Phan tốt bèn hỏi: “Ngoài đàn viôlông, em còn chơi được nhạc cụ nào khác nữa không?”.

Thí sinh này cho biết còn thổi được sáo nhưng cũng chỉ võ vẽ do hồi nhỏ, theo đám bạn thả trâu vẫn tập thổi sáo. Thế là giám khảo yêu cầu Phan thổi. Họ lấy một cây sáo trúc của trường đưa cho Phan và nói: “Em cứ mạnh dạn thổi. Vì là thổi cây sáo lạ, không quen nên chúng tôi sẽ trừ hao sự vấp váp của em. Cứ yên tâm”. Thế là Ngọc Phan thổi luôn bài “Mùa hoa nở” của Nguyễn Văn Tý (“Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa. Đây bao la ánh sáng đang chan hòa…”).

Thổi xong một lần, Ngọc Phan định thổi tiếp lần hai thì giám khảo ngắt: “Thôi được rồi. Em có thổi được bài dân ca nào không?”. Thí sinh này xin thổi bài “Cây trúc xinh” (dân ca quan họ Bắc Ninh). Cũng vừa thổi xong một lần, định thổi tiếp thì giám khảo lại ngắt: “Cảm ơn em. Phần thi của em đã xong”. Ngọc Phan ra về với nỗi lo không biết mình thế nào vì lúc đầu kéo viôlông chẳng ra gì. Chuyển sang thổi sáo thì cả hai bài đều bị ngắt giữa chừng, không được thổi trọn vẹn.

Trở về nhà, Ngọc Phan hồi hộp chờ giấy báo kết quả. Mãi chẳng thấy gì, rồi nghe nói đã có danh sách thí sinh trúng tuyển niêm yết ở trường, đến xem thì thấy không có tên mình. Buồn rũ rượi vì nghĩ mình bị trượt. Nhưng bạn bè xui: “Mày thổi hay thế, thi năng khiếu tốt, sao có thể trượt? Cứ tìm gặp thầy Hiệu trưởng hỏi xem sao”.

Thế là Ngọc Phan đã không ngần ngại, tìm thầy Tạ Phước khi đó là Hiệu trưởng, Trưởng ban giám khảo để hỏi lại. Ông cho biết điểm thi thổi sáo của Ngọc Phan được 5/5. Nhưng không có điểm thi năng khiếu, có nghĩa thí sinh bỏ môn này, không thi nên không đỗ. Ngọc Phan thưa là có thi và tự tin nói rằng làm tốt vì vượt qua tất cả các mức từ dễ đến khó, không sai chỗ nào. Tạ Phước nói sẽ xem lại, có gì sẽ báo sau.

Ngay sau đó, ông cho người xem lại thì đúng như lời Ngọc Phan khai, điểm thi năng khiếu cũng được 5/5. Do sơ suất mà bộ phận lên danh sách đã để sót điểm thi môn năng khiếu của Ngọc Phan. Vị Hiệu trưởng khả kính đã xin lỗi chàng trai 18 tuổi về sơ sót “chết người”. Suýt nữa thì để lọt một thí sinh đạt điểm cao tối đa, hứa hẹn một tài năng trong tương lai. Quá sung sướng, phấn khích, chàng tân khoa âm nhạc về khoe bố mẹ và khao bạn bè một bữa to.

Về Đài Tiếng nói Việt Nam làm việc, Ngọc Phan được biên chế trong đội ca nhạc dân tộc. Độc tấu hay ngồi thổi sáo trong dàn nhạc, ông đều làm hết mình. Tài năng mỗi lúc càng phát triển, không chỉ diễn tấu, ông tiến tới sáng tác nhiều tác phẩm cho sáo và các nhạc cụ dân tộc khác. Ngoài bản “Nhớ về Nam” (Lý hoài Nam) nhắc ở trên, ông còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như: “Cánh chim hòa bình”, “Ngày hội non sông”, “Mùa xuân biên phòng”, “Tiếng sáo bản Mèo”, “Gọi trăng”, “Tiếng sáo quê hương”, “Tiếng sáo gọi người yêu”…

NSƯT Ngọc Phan đang biểu diễn.

Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho chèo, cải lương. Tuy chỉ học sáo mà không học sáng tác nhưng Ngọc Phan thể hiện sự thông minh qua việc tự học hỏi kỹ thuật sáng tác và do chịu khó nghe nhiều mà những tác phẩm nhạc không lời viết cho sáo diễn tấu của ông đã rất có hiệu quả, được nhiều nghệ sỹ sáo sau này biểu diễn.

Những tác phẩm của Ngọc Phan rất được nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương có cảm tình. Vị cố nhạc sỹ, nguyên là Hiệu trưởng Nhạc viện Hà Nội kiêm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam này đã bỏ công tu chỉnh, nâng cao nhiều tác phẩm cho Ngọc Phan. Bản “Nhớ về Nam” mà thính giả vẫn nghe hôm nay đã có công đáng kể của Nguyễn Văn Thương. Lúc nghệ sỹ còn sống, có lần tôi hỏi ông: “Đầu đuôi thế nào mà bản nhạc nổi tiếng đó lại đứng tên cả hai người. Ai là người tạo ra trước để người còn lại nâng cao?”.

Rất chân thành, Ngọc Phan cho biết: “Mình chỉ đáng học trò Nguyễn Văn Thương, sao dám sửa lại của ông ấy. Lúc đầu, mình viết ra. Sau khi nghe, Nguyễn Văn Thương rất thích nhưng thấy một số chỗ có thể nâng cao cho hiệu quả hơn nên đã đề nghị làm việc đó. Ông ấy rất tế nhị và lịch sự hỏi ý kiến mình: “Phan cho phép mình nâng cao thêm chút ít, được không?”.

Tất nhiên là mình rất vui và thấy vinh dự được nhạc sỹ lớn, có tiếng tăm chú ý, tâm đắc với tác phẩm của mình. Thế là ông bắt tay sửa lại và viết thêm mấy chỗ. Rõ là hay hơn bản cũ của mình nhiều. Từ đó, ở đâu biểu diễn tác phẩm này đều được giới thiệu có sự liên danh hai tác giả. Mình đề nghị đề tên Nguyễn Văn Thương trước rồi mới là tên mình. Nhưng nhạc sỹ không đồng ý, yêu cầu để tên mình lên trước. Mình rất cảm kích cử chỉ này".

Không những biểu diễn giỏi mà Ngọc Phan còn say sưa suy nghĩ để tìm cách cải tiến, nâng cao hiệu quả diễn tấu của cây sáo dân tộc. Thành tựu đáng kể nhất của ông là đã mở rộng thêm âm vực của sáo bằng việc thêm 5 âm cao và 1 âm trầm, hoàn thiện sáo 6 lỗ thành 10 lỗ.

Tôi hỏi Ngọc Phan là hồi đầu khi bản nhạc “Nhớ về Nam” mới vang lên trên Đài có tên là “Lý hoài Nam”, vì sao về sau lại đổi là “Nhớ về Nam”? Ông kể lại kỷ niệm sâu sắc. Đó là khi được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác Hồ. Nghe Ngọc Phan thổi sáo xong, Người rất khen rồi hỏi nghệ sỹ: “Sao không là “Nhớ về Nam” mà lại là “Lý hoài Nam” và sao không “Đi chơi xuân” mà lại là “Du xuân”? Rồi Bác căn dặn; “Tiếng Việt mình phong phú lắm. Không nên vay mượn tiếng nước ngoài. Nói năng, viết lách sao cho thật giản dị, dễ hiểu”. Từ đó, hai bản nhạc trên đã được đổi tên.

Dẫu sau này có thêm nhiều nghệ sỹ sáo trúc nổi tiếng khác, trong đó có những học trò của Ngọc Phan như Tiến Vượng, Đinh Linh, Vũ Thanh Hương… nhưng công chúng mãi không quên tiếng sáo tài hoa, giàu sức truyền cảm của một trong những tên tuổi nổi trội trong làng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Ngọc Phan quả là rất xứng đáng với danh hiệu NSƯT được Nhà nước phong tặng ngay từ đợt đầu tiên.

Nguyễn Đình San

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ngan-mai-tieng-sao-ngoc-phan-560406/