Ngàn lẻ một những rắc rối khi… ly hôn

Hồ sơ xin ly hôn gồm những giấy tờ gì và nộp ở đâu, thủ tục giải quyết ra sao, thời hạn giải quyết quy định như thế nào?

Hỏi: Vợ chồng tôi mâu thuẫn trầm trọng, khả năng khó tránh khỏi tan vỡ. Xin luật sư cho biết hồ sơ xin ly hôn gồm những giấy tờ gì và nộp ở đâu, thủ tục giải quyết ra sao, thời hạn giải quyết quy định như thế nào? (Chị Nguyễn Thu Nhài ở Nam Định và nhiều độc giả).

Trả lời: Hồ sơ ly hôn bao gồm: Đơn xin ly hôn; Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai vợ chồng; Bảo sao giấy khai sinh của con (nếu có); Các giấy tờ chứng minh tài sản chung (nếu có).

Hình minh họa.

Hồ sơ xin ly hôn nộp tại TAND cấp huyện nơi bị đơn đang cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), thủ tục giải quyết như sau:

Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của bạn thì Tòa án sẽ thông báo cho bạn về việc tiến hành thụ lý và yêu cầu bạn nộp tiền tạm ứng án phí nếu hồ sơ của bạn đủ căn cứ để giải quyết.

Việc thông báo và yêu cầu nộp tiền tạm ứng sẽ được thực hiện theo thủ tục cấp, tống đạt giấy tờ quy định của BLTTDS. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Nếu trong phiên hòa giải, bạn và bị đơn vẫn có tranh chấp hoặc mâu thuẫn thì Tòa án sẽ ra quyết định mở phiên tòa xét xử. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ nếu xét thấy cần thiết hoặc nếu có yêu cầu của đương sự.

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý, trường hợp có trở ngại khách quan hoặc tình tiết phức tạp thì được gia hạn tối đa không quá 2 tháng.

Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

Hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn được 8 năm, gần đây chúng tôi xảy ra mâu thuẫn gay gắt do tôi có người đàn bà khác, nhưng khi tôi đề nghị ly hôn thì vợ tôi lại vẫn muốn hàn gắn gia đình.

Tôi xin hỏi nếu vợ tôi vẫn không đồng ý mà tôi vẫn đề nghị ly hôn thì tòa án có giải quyết không? Trường hợp vợ chồng mâu thuẫn như thế nào thì tòa án mới giải quyết cho ly hôn? (Anh Trần Văn Chiến, 36 tuổi ở quận Tân Bình, TP HCM).

Trả lời: Khoản 1 Điều 56 Luật HNGĐ 2014 về Ly hôn theo yêu cầu của một bên quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Theo các văn bản hướng dẫn, vợ chồng được coi là lâm vào tình trạng trầm trọng khi:

-Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình…

Như anh trình bày thì bản thân anh có hành vi ngoại tình, đó là một trong những dấu hiệu được cho là tình trạng hôn nhân lâm vào trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống chung và mục đích hôn nhân không đạt được. Vậy anh được quyền đơn phương yêu cầu ly hôn mà không cần sự đồng ý của vợ.a

Hỏi: Con gái tôi không may lấy phải người chồng độc đoán, gia trưởng, lại cả ghen. Từ khi lấy chồng, cháu phải ở nhà nội trợ, không được đi làm dù có trong tay bằng đại học.

Không chỉ quản lý chặt chẽ về tiền bạc, con gái tôi còn bị chồng nó còn quản lý, giám sát nghiêm ngặt về thời gian chỉ vì sợ vợ đi theo trai, mang tiền cho trai…

Là người mẹ, thấy con gái phải sống cuộc sống bí bách, khổ sở như vậy tôi rất xót xa. Xin hỏi trong trường hợp này tôi có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn để giải thoát cho con gái mình được không? (Bà Trịnh Hồng Nga, 54 tuổi, ở Văn Lâm, Hưng Yên).

Trả lời: Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: “2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”

Như vậy, cha mẹ, người thân hích cũng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn cho con em, người thân của mình.

Tuy nhiên, điều luật quy định rất chặt chẽ và “khoanh vùng” trường hợp cha, mẹ, người thân tích khác chỉ được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Theo quy định trên, nếu vợ/chồng không có ý muốn ly hôn, vợ/chồng không bị bênh tâm thần hay những bệnh liên quan đến nhận thức, hành vi, vợ/chồng không có dấu hiệu của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần thì cha, mẹ hay người thân thích không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Đối chiếu với quy định trên thấy rằng con gái chị đang khỏe mạnh, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cháu cũng không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình ở mức nghiêm trọng và có lẽ tình trạng hôn nhân của cháu cũng không có biểu hiện gì là trầm trọng nên vợ chồng chị không có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn cho cháu.

Hỏi: Do mâu thuẫn vợ chồng, chồng tôi cầm hết giấy tờ (sổ đỏ, đăng ký xe ô tô, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con) nhằm mục đích để cản bước khiến tôi không thể làm thủ tục ly hôn. Xin luật sư cho biết tôi muốn xin ly hôn nhưng không có giấy tờ pháp lý gì trong tay liệu Tòa án có giải quyết hay không? (Chị Lê Hồng Hạnh, 43 tuổi, ở Quảng Ngãi).

Trả lời: Trường hợp của chị, mặc dù người chồng giữ các giấy tờ pháp lý liên quan đến hôn nhân làm khó cho việc làm thủ tục ly hôn nhưng chị vẫn có thể tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương bằng cách sau:

– Với Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn: chị liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi chị đăng kí kết hôn để xin cấp bản sao giấy chứng nhận đăng kí kết hôn. Nộp kèm hồ sơ bản sao Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn và nêu rõ lý do không có giấy đăng ký kết hôn bản chính trong đơn ly hôn.

– Với sổ hộ khẩu: Chị liên hệ với công an phường, xã để xin xác nhận là nhân khẩu thường trú tại địa phương vào đơn ly hôn hoặc xin giấy xác nhận là nhân khẩu thường trú tại địa phương riêng.

– Với giấy khai sinh của con: Chị liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi chị đăng kí khai sinh cho con để xin cấp bản sao.

Trong trường hợp chị có yêu cầu tòa án giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng mà các giấy tờ chứng minh khối tài sản chung vợ chồng hiện người chồng cũng cất giữ không đưa thì trong đơn ly hôn, tại phần yêu cầu chia tài sản chị vẫn phải kê khai các tài sản chung đó và trình bày rõ việc người chồng hiện đang cất giữ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu các tài sản này;

Đồng thời chị có thể đến cơ quan đăng ký quyền sở hữu đối với các tài sản đó xin cấp các bản sao hoặc xin xác nhận để làm bằng chứng.

Đối với các giấy tờ mà hồ sơ còn thiếu hoặc chỉ có bản sao, chị có thể trình bày trong đơn ly hôn và đề nghị tòa án yêu cầu người chồng cung cấp giấy tờ để tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định.

Quỳnh Lưu (Thực hiện)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ngan-le-mot-nhung-rac-roi-khi-ly-hon-d75914.html