Ngăn lạm dụng quyền lực

Cuối cùng bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - nhân vật gây bức xúc dư luận trong những năm qua, cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư kiểm điểm, đưa những sai phạm ra ánh sáng.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh chủ trì một phiên họp tại tỉnh Đồng Nai trong tháng 3-2018. Ảnh: Báo Đồng Nai

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã bỏ phiếu đề nghị khai trừ Đảng đối với bà Thanh với kết quả 2/3 số phiếu tán thành. Đây là kết quả tất yếu sau một thời gian dài "người đàn bà quyền lực" ở tỉnh Đồng Nai này bất chấp dư luận, tự tung tự tác.

Điều mà dư luận khó hiểu nhất chính là những sai phạm của bà Thanh diễn ra từ năm 2012, khi còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh và công khai trước mắt bao cơ quan chức năng của tỉnh này nhưng không có biện pháp ngăn chặn hoặc động thái chấn chỉnh nào được đưa ra. Việc này chỉ có thể giải thích hoặc cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai làm việc kém cỏi, hoặc quyền lực của bà Thanh đã phủ khắp mà không cơ quan nào dám động vào.

Trước vụ việc của bà Thanh, nhiều lãnh đạo ở các địa phương khác như Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Thanh Hóa... cũng bị kỷ luật sau thời gian dài vi phạm nhưng bộ máy công lực địa phương không thể nào đụng đến. Quyền lực của các quan chức này đã đủ để bảo vệ họ ngay trong "lãnh địa"?

Ai cũng hiểu những vi phạm, suy thoái của cán bộ kéo dài phải có mảnh đất dung dưỡng. Mảnh đất đó chính là quyền lực đã được thâu tóm tại địa phương hoặc xa hơn là đủ sức mạnh đè bẹp mọi tiếng nói khác biệt dù chính trực. Quyền lực đủ lớn để những cơ quan công lực địa phương phải im lặng trong thuần phục hoặc đồng lõa. Còn những tiếng nói của người dân bị ảnh hưởng, chèn ép sẽ bị khỏa lấp bằng đủ cách, kể cả đe nạt, trấn áp. Khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, bức xúc tố cáo... là những phương cách chẳng đặng đừng mà người dân bị thiệt thòi không thể kêu cứu tại địa phương.

Để củng cố quyền lực khuynh loát được tại địa phương thì công thức xưa cũ nhất nhưng hữu hiệu nhất chính là tạo vây cánh và đồng minh. Bởi vậy mới có vấn nạn cán bộ to bổ nhiệm cán bộ nhỏ là tay chân và từ từ "nâng tầm" những cán bộ tay chân thành những người đảm trách ở các cơ quan quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương. Những vi phạm sẽ được thiết kế bài bản thông qua từng ban ngành, cơ quan hữu trách trót lọt. Và, khi có vấn đề xảy ra thì chính những cơ quan do vây cánh tạo thành sẽ hợp thức hóa, hoặc bưng bít thông tin. Tất nhiên quyền lợi sẽ được phân phát, "miếng bánh" sẽ được chia phần.

Sau vây cánh là đến người nhà, bằng nhiều cách được bố trí, cất nhắc vào những vị trí quyền lực. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua các cơ quan trung ương phát hiện hàng loạt con cháu, người nhà cán bộ lãnh đạo địa phương đang nhan nhản trong các cơ quan công quyền dù không đủ tiêu chuẩn, bổ nhiệm không đúng quy trình. Những người này sẽ tiếp nối được quyền lực và bảo toàn những lợi ích của người nhà.

Xử lý những người vi phạm là vấn đề cấp thiết, nhưng quan trọng hơn chính là ngăn chặn tình trạng cát cứ quyền lực và xây dựng bộ máy quản trị địa phương hữu hiệu để ngăn chặn sự thoái hóa quyền lực từ khi còn manh nha.

Phạm Hồ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ngan-lam-dung-quyen-luc-20180424222913261.htm