Ngăn hiểm họa xe đạp, xe máy điện phải từ quản lý

Năm nay lại nhức nhối tình trạng các em tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe đạp điện.

Xe máy điện có tốc độ khá cao, điều khiển xe không đội MBH sẽ rất nguy hiểm - Ảnh: Dương Linh

Không như nhiều năm trước, dịp đầu năm học thường “nóng” tình trạng học sinh điều khiển xe máy vi phạm giao thông; Năm nay lại nhức nhối tình trạng các em tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe đạp điện. Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Xe đạp điện, tiện lợi hay hiểm họa?” do Báo Giao thông tổ chức hôm qua (17/9), nhiều ý kiến cho rằng, phải quản lý chặt loại phương tiện này không chỉ nhằm đảm bảo ATGT mà còn để người dân không bị “mắc lừa” khi mua phải xe nhái, xe nhập lậu.

Hoàn thiện tiêu chuẩn phân biệt xe đạp hay xe máy điện

Nhiều độc giả phản ánh có tình trạng đi mua xe điện nhưng không biết phân biệt đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện. Về vấn đề này, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định, xe đạp điện là phương tiện thô sơ, điều kiện an toàn rất đơn giản, không đèn tín hiệu, đồng hồ tốc độ và tốc độ không quá 25 km/h. Khuyến cáo người đi mua xe, ông Hà cho biết, phụ huynh học sinh phải xem độ tuổi của con em mình để cân nhắc mua phương tiện phù hợp. Nếu dưới 16 tuổi, chỉ sử dụng xe đạp điện vì không cần GPLX.

“Theo tôi, với học sinh, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn khi điều khiển xe máy, xe đạp điện là chạy tốc độ cao và không đội MBH. Trường chúng tôi đã làm việc với cả phụ huynh và các em học sinh để tuyên truyền, nâng cao ý thức của các em học sinh khi tham gia giao thông trên đường”.

Cô giáo Nguyễn Tuyết Mai
đại diện Trường THPT Việt Đức
(Hà Nội)

Về cách phân biệt xe đạp điện và xe máy điện, Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng đội Đăng ký và Quản lý phương tiện (Công an Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi định nghĩa xe đạp điện là xe chạy bằng năng lượng điện, khi hết điện có thể đạp để di chuyển được. Hay đơn giản hơn, xe nào có bàn đạp thì đó là xe đạp điện. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người sử dụng lại tháo bộ phận này ra dẫn đến việc không thể phân biệt được đâu là xe đạp hay xe máy điện”.

Đại diện cho nhà sản xuất, ông Ngô Văn Quyền, Phó Giám đốc Công ty CP liên doanh Việt Thái xác nhận: “Cái bàn đạp đó thực chất không hẳn có tác dụng vì có nhiều trường hợp để lách luật, nhà sản xuất lắp thêm bàn đạp vào xe máy điện để trở thành xe đạp điện”.

Ông Đinh Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH ô tô xe máy Detech cũng cho biết: “Xe máy điện phải có tem hợp chuẩn, giấy chứng nhận xuất xưởng và phải đăng ký. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng lại không cần cũng như không có ai kiểm tra, kiểm soát”.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cách phân biệt đơn giản nhất là xe đạp điện trước hết phải có bàn đạp và bàn đạp đó phải giúp xe di chuyển được khi xe hết điện. Với người mua, việc phân biệt thực tế rất khó nếu chỉ dựa vào tem. Tem chỉ phản ánh việc xe đã được kiểm định chất lượng hay chưa bởi số lượng xe đạp điện nhập khẩu lắp ráp “chui” không qua đăng kiểm rất lớn. Số lượng xe có dán tem đạt chuẩn chỉ khoảng 10%. Có rất nhiều xe được lắp ráp trôi nổi trên thị trường.

“Cần phải có biện pháp quản lý thị trường, quản lý xuất nhập khẩu, hạn chế lắp ráp, nhập khẩu chui. Theo tôi, trường hợp mua không có giấy tờ, không có hóa đơn, chắc chắn là những xe không rõ nguồn gốc, người dân không nên mua loại xe này”, ông Trí khuyến cáo.

Cần lộ trình quản lý chặt

Theo ông Đinh Văn Bắc, cần thực hiện lộ trình quản lý xe đạp điện bởi nếu thả nổi sẽ rất nguy hiểm. Không quản lý, doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn vì nguồn xe đạp điện nhập lậu. Nhiều doanh nghiệp chào hàng xe lậu không giấy tờ, kể cả giấy xác nhận chất lượng hay nguồn gốc xuất xứ có giá rất thấp.

“Trên thực tế, việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện trong thanh niên, học sinh hiện nay rất phổ biến. Từ năm 2014, thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành, các nhà trường đã đồng loạt tiến hành tuyên truyền, giáo dục phổ biến quy định về ATGT cho học sinh. Trong mỗi buổi chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, nhà trường đều nhắc nhở: Học sinh sử dụng xe đạp điện phải đội MBH. Bên cạnh đó, nhà trường đã mời lực lượng CSGT đến nói chuyện để tăng cường hiểu biết về TTATGT cho học sinh”.

Thầy Lê Xuân Trung
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi
(Hà Nội)

Cho biết chủ trương mới nhất của Chính phủ về xe máy điện và xe đạp điện, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: “Chính phủ đã có văn bản đồng ý miễn phí trước bạ đến hết 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký. Bộ Tài chính cũng đã thực hiện việc miễn, giảm lệ phí đăng ký đến hết ngày 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện các thủ tục đăng ký. Bộ Công an cũng có hướng dẫn việc miễn các loại hồ sơ, chứng từ khi làm thủ tục đăng ký đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký đến hết 30/6/2016, bao gồm: Hóa đơn, chứng từ mua bán xe; Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT (đối với xe nhập khẩu) hoặc Phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước). Đây là những chỉ đạo rất cơ bản cần tuyên truyền đến người dân về quản lý xe đạp, xe máy điện.

“Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tháo gỡ mọi khó khăn của người dân. Những vấn đề chưa quyết liệt tại một số khâu khiến xe máy, xe đạp điện thiếu chứng từ khi lưu thông, trong đó có cả xe nhập lậu, xe nhập phụ tùng về nước lắp ráp không đáp ứng các thủ tục, trôi nổi trên thị trường sẽ được xử lý rốt ráo. Cơ quan quản lý thị trường, thuế phải có yêu cầu chủ cửa hàng cam kết đầy đủ về nguồn gốc hàng hóa, phân biệt cho khách hàng đâu là xe máy điện, xe đạp điện chứ không thể lập lờ đánh lận con đen, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Hùng đề xuất.

Ngọc Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ngan-hiem-hoa-xe-dap-xe-may-dien-phai-tu-quan-ly-d120609.html