Ngân hàng Việt ghi điểm nhờ tài sản

Từ đầu năm tới nay, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế ngày càng cho thấy những gam màu sáng trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Chính sách tiền tệ chủ động

Cụ thể, trong tháng 4/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng bậc xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn và phát hành tiền gửi nội tệ - ngoại tệ của ACB, MB, Techcombank từ B2 lên B1 với triển vọng từ tích cực lên ổn định. Moody’s cũng nâng mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của 3 ngân hàng này từ B2 lên B1.

Nhóm NH Thế giới nhiều năm liên tiếp đánh giá cao chất lượng thông tin tín dụng tại Việt Nam

Tháng 5/2018, Fitch cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn và sửa đổi Sàn Xếp hạng hỗ trợ của các NHTM Nhà nước của Việt Nam là VietinBank, Vietcombank và Agribank từ mức B+ lên BB-. Cơ quan này cũng sửa đổi Sàn Xếp hạng hỗ trợ của MB, ACB từ mức NF lên B-. Triển vọng các NHTM Nhà nước cũng được nâng từ Tích cực (Positive) lên Ổn định (Stable) nhằm phản ánh triển vọng quốc gia. Trước đó, Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ BB- lên BB.

Giới chuyên gia cho rằng, cơ sở để các định chế này nâng xếp hạng của các ngân hàng Việt dựa nhiều vào việc Việt Nam đang xây dựng chính sách hướng tới mục tiêu ổn định vĩ mô. Trong đó, vai trò của chính sách tiền tệ là vô cùng quan trọng. Thêm nữa, theo ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngày càng được cải thiện sẽ là bộ đệm an toàn cho Việt Nam trước nhiều biến động có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng được cải thiện tích cực cũng là lý do để các tổ chức quốc tế nâng xếp hạng các ngân hàng Việt. Trong khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD sẽ là các văn bản pháp lý quan trọng tạo ra cơ chế đồng bộ giúp xử lý nhanh chóng hơn các khoản nợ xấu, góp phần nâng cao chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng trong tương lai.

Thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 5/2018, tổng tài sản hệ thống TCTD đạt trên 10,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,27% so với cuối năm 2017. Đáng chú ý, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM, đặc biệt của nhóm NHTMCP tiếp tục được cải thiện nâng lên mức 11,34%. Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm cũng có những triển vọng tương đối tích cực.

“Dù vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại, song không thể phủ nhận rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang có sự chuyển biến ngày càng tích cực hơn. Trong đó vai trò của NHNN trong điều hành đang có những dấu ấn rõ nét. Chất lượng tín dụng được củng cố cũng là yếu tố giúp cho ngân hàng có được sự phát triển bền vững, đạt kết quả kinh doanh hiệu quả hơn”, một chuyên gia nhận định.

Nâng cao dữ liệu thông tin tín dụng

Một trong những điểm cũng được chuyên gia nói tới để giúp cải thiện tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam là việc chú trọng chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Marketing (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - CIC) cho biết, việc nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng là nhiệm vụ quan trọng trong Đề án phát triển CIC đến 2020. Đây cũng là nhiệm vụ NHNN giao trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Đến nay, CIC liên tục duy trì và thực hiện thu thập thông tin từ 100% TCTD và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trên 1.100 QTDND và 35 tổ chức tự nguyện. Việc thu thập, xử lý, cập nhật thông tin đều được kiểm soát chặt chẽ và được thực hiện tự động hóa trên nền tảng công nghệ thông tin”, ông Tuấn cho biết.

Cùng với đó, CIC cũng đang đẩy mạnh mở rộng thu thập thông tin từ các tổ chức ngoài ngành như: cập nhật thông tin doanh nghiệp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện gói thầu dự án kết nối thông tin với Bộ Công an C72; nghiên cứu phương án và tạo điều kiện để các doanh nghiệp bán lẻ, Fintech và cho vay ngang hàng P2P được tham gia vào hệ thống thông tin tín dụng trên nguyên tắc có đi có lại như: Công ty CP bán lẻ Kỹ thuật số FPT, MOBIVI, mạng bán hàng trực tuyến ALUKAKU...

Nhờ đó, đến nay, độ phủ thông tin tín dụng của Việt Nam đã vượt 51% theo đánh giá của Nhóm Ngân hàng Thế giới năm 2018. Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh của Nhóm Ngân hàng Thế giới nhiều năm liên tiếp cũng đánh giá cao chất lượng, chiều sâu thông tin tín dụng thu thập tại Việt Nam (7/8 điểm).

Kho thông tin tín dụng Quốc gia đa dạng về chỉ tiêu, có bề dày về lịch sử lưu trữ, phương án cung cấp linh hoạt đã tạo điều kiện cho các TCTD trong việc khai thác thông tin không chỉ phục vụ các mục đích đánh giá khách hàng vay mà còn là nguồn thông tin hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh hay xây dựng các mô hình, thẻ điểm đánh giá khách hàng vay nhằm các mục đích giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự phát triển an toàn bền vững của các TCTD.

“Các báo cáo xếp hạng tín dụng là kênh thông tin tham khảo quan trọng trong việc đánh giá tín dụng khách hàng cũng như đưa ra các quyết định cấp tín dụng, từ đó hỗ trợ công tác quản trị rủi ro của các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động NH”, một chuyên gia chia sẻ.

Minh Khuê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-viet-ghi-diem-nho-tai-san-78355.html