Ngân hàng vào mùa phát hành trái phiếu

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu (300.000 trái phiếu kỳ hạn bảy năm và 100.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mỗi trái phiếu có giá trị 10 triệu đồng) từ ngày 12-11 đến ngày 11-12-2018. Lãi suất với mỗi kỳ hạn lần lượt sẽ được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 0,8% và 1%/năm. Lãi suất tham chiếu được tính bằng mức bình quân kỳ hạn 12 tháng của bốn ngân hàng thương mại gốc nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV) và hiện đang ở mức 6,8%/năm. Như vậy, lãi suất trái phiếu BIDV sẽ vào khoảng 7,6-7,8%/năm.

Ảnh: TBKTSG

Mức lãi suất này sẽ cao hơn mức 7,5%/năm đối với trái phiếu kỳ hạn sáu năm của Vietcombank nhưng thấp hơn so với mức 8,4-8,5%/năm đối với trái phiếu có kỳ hạn 5 và 10 năm của Ngân hàng Quân đội (MB) vừa mới phát hành vào cuối tháng 10-2018.

Động thái phát hành trái phiếu của nhóm các ngân hàng lớn có lẽ sẽ khiến nhiều ngân hàng khác có hành động tương tự.

Một mũi tên trúng hai mục tiêu

Nhìn lại diễn biến của thị trường tiền tệ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, các ngân hàng đã chạy đua để phát hành chứng chỉ tiền gửi (CD-Certificate of deposit) trung và dài hạn (trên một năm). Mục tiêu là nhằm đáp ứng quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được phép cho vay trung và dài hạn, theo đó tỷ lệ này sẽ giảm từ mức 50% xuống còn 45% từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, diễn biến của năm 2018 đang có sự khác biệt khi các ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu dài hạn (trên năm năm).

Đây được xem là một mũi tên nhưng trúng hai mục tiêu.

Đầu tiên là việc tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được phép cho vay trung và dài hạn sẽ tiếp tục giảm xuống còn 40% từ ngày 1-1-2019.

Thứ hai, quan trọng hơn nhiều, đó là việc bổ sung nguồn vốn tự có cấp 2 (Tier 2) khi tính hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Bởi theo quy định tại Thông tư số 19/2017 của NHNN có hiệu lực từ ngày 12-2-2018, các ngân hàng sẽ phải giảm trừ 20%/năm trong năm năm đối với số vốn tự có cấp 2 mà các ngân hàng đã huy động lẫn nhau (back to back) thông qua các hợp đồng đầu tư trái phiếu tính từ ngày 12-2-2018 trở về trước. Các khoản trái phiếu này có cùng kỳ hạn và cùng mức lợi tức. Việc hệ số CAR của VietinBank đã giảm từ mức 10% vào ngày 31-12-2017 xuống còn 9,5% vào ngày 31-3-2018 đã cho thấy quy mô của các khoản vốn huy động lẫn nhau này là không hề nhỏ tại các ngân hàng hiện nay. Thật ra đây là cách để các ngân hàng lách quy định của NHNN nhằm tăng nguồn vốn tự có của mình.

Rất khó và đòi hỏi phải có cách làm mới

Cũng theo quy định tại Thông tư số 19/2017, các nguồn vốn trái phiếu được coi là vốn tự có cấp 2 khi và chỉ khi được phát hành cho các nhà đầu tư không phải là các tổ chức tín dụng (TCTD). Nếu một TCTD mua trái phiếu của một TCTD khác phát hành thì ngay lập tức sẽ bị trừ vào vốn tự có của chính mình. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, có lẽ sẽ chẳng có ngân hàng nào thừa vốn tự có để đi đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn trên năm năm của một TCTD khác.

Với kỳ hạn rất dài, từ 5-10 năm, nhìn chung sẽ rất khó để các ngân hàng tìm được các nhà đầu tư, do đây đều là các khoản trái phiếu không được bảo lãnh và cũng không có tài sản đảm bảo, trong khi lãi suất cũng không thực sự hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Mặc dù ngân hàng là định chế tài chính lớn nhưng do kỳ hạn trái phiếu rất dài nên rủi ro tiềm tàng cũng không hề nhỏ cho các nhà đầu tư. Việc MB và Vietcombank chỉ huy động được 1.387 và 329 tỉ đồng trong đợt phát hành vừa qua là minh chứng cho thấy sẽ rất khó cho BIDV có thể hoàn thành được mục tiêu của mình trong đợt phát hành này.

Tình hình này đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động tìm cho mình một cách làm mới so với hiện nay. Các ngân hàng nên hướng đến việc xây dựng một cấu trúc cũng như một cơ chế mới cho trái phiếu của mình.

Nguyên nhân sâu xa khiến trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu của ngân hàng nói riêng khó thu hút được nhà đầu tư không phải do lãi suất thấp mà là do tính thanh khoản của công cụ này hiện đang rất thấp. Vì vậy, cần phải có cơ chế để tạo thanh khoản cho nó.

Theo đó, để phát hành thành công thì phải xây dựng cơ chế giúp người mua dễ dàng mua được và người bán cũng dễ dàng bán được khi có nhu cầu. Như vậy, đối tượng mua sẽ không chỉ là các nhà đầu tư tổ chức mà các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia đầu tư vào công cụ này. Muốn thế, các ngân hàng phải tìm cho mình nhà tạo lập thị trường (market maker) để sẵn sàng mua vào hoặc bán ra khi các nhà đầu tư có nhu cầu. Nhà tạo lập thị trường phải cùng với các ngân hàng đưa ra được một trái phiếu có cấu trúc đủ hấp dẫn về mặt lợi tức đồng thời có tính linh hoạt cao. Hấp dẫn về lợi tức là khi lợi suất trái phiếu luôn cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng cùng kỳ hạn. Linh hoạt là nhà đầu tư có thể bán ra bất kỳ lúc nào nhưng vẫn đảm bảo thu được một phần lợi tức thay vì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn như các khoản tiền gửi tiết kiệm.

Ngọc Khanh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282195/ngan-hang-vao-mua-phat-hanh-trai-phieu-.html