Ngân hàng và Fintech làm sao để cùng phát triển?

Làn sóng mới mang tên Fintech đang khiến nhiều ngân hàng lo ngại vì khả năng thay đổi nhiều dịch vụ tài chính vốn có lâu nay. Tuy nhiên, đây cũng là lúc hai bên cần tìm cách xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng.

Theo công bố tại Hội thảo thường niên ngành Ngân hàng Tài chính 2017, Fintech đang tạo ra những thay đổi chóng mặt trên thị trường tài chính toàn cầu. Ở châu Âu, Fintech đã khiến 8 ngân hàng hàng đầu phải sa thải khoảng 100.000 nhân viên vào đầu năm 2016. Các ngân hàng như Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank và Standard Chartered đã mất khoảng 420 tỷ USD giá trị vốn hóa bởi sự lên ngôi của Fintech.

Các công ty Fintech có thể tận dụng lợi thế công nghệ, từ đó cung cấp dịch vụ tài chính thuận tiện hơn, chi phí thấp hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn, từ đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mô hình ngân hàng truyền thống.

Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, các công ty Fintech hiện nay mặc dù có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, nhưng lại ít kinh nghiệm trong hoạt động tài chính-ngân hàng. Trong một sớm một chiều, các hệ thống kiểm soát, tuân thủ nội bộ trong Fintech chưa thể hoàn thiện, cũng như mạng lưới tiếp cận khách hàng chưa thể so sánh được với các ngân hàng truyền thống, những nơi mà mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực có nền tảng lâu đời, bộ máy kiểm soát tuân thủ pháp lý chắc chắn hơn. Nhưng, nếu được kết hợp các lợi thế, hai mô hình này sẽ đem đến một thị trường dịch vụ tài chính mạnh mẽ. Vậy làm sao để cả Fintech và ngân hàng cùng phát triển?

Hợp tác bình đẳng

Ông Võ Tấn Long - Giám đốc khối Dịch vụ ngân hàng số VPBank cho rằng, việc hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech giống như việc kết hợp giữa doanh nghiệp lớn và start-up. Hai đơn vị kinh doanh này khác nhau về mô hình tổ chức, nhưng vẫn phải tạo được các cơ chế để giải quyết vấn đề chung.

Fintech được ghép từ hai từ financial (tài chính) và technology (công nghệ). Các công ty Fintech cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua các nền tảng công nghệ cao, với mục tiêu tiện lợi hơn so với các nền tảng truyền thống.

Timo là một ứng dụng Fintech đang kết hợp cùng VPBank cho phép khách hàng VPBank được sử dụng một số sản phẩm dịch vụ như gửi tiết kiệm, mở thẻ tín dụng... Trong trường hợp của Timo và VPBank, ông Võ Tấn Long cho biết hai bên đã tạo ra một cơ chế đặc biệt trong quy trình vận hành: cơ chế Bề mặt (front end) và Nội tại (back end) cho hệ thống quản lý được đưa ra. Front end là nơi đem tới trải nghiệm người dùng, sẽ có thể chuyển đối linh động, tuy nhiên các thay đổi về back end sẽ cần thống nhất từ phía VPBank và Timo để không vượt ra khỏi các quy tắc của ngân hàng.
Cũng đồng ý với quan điểm hợp tác phải bình đẳng, ông Marco Breu, Tổng Giám đốc McKinsey & Company Việt Nam tin rằng, nếu tạo được mối quan hệ win-win (đôi bên cùng có lợi) thì ngoài ngân hàng và Fintech, khách hàng cũng sẽ được hưởng nhiều giá trị hơn nữa.

Biết mình, biết người

Fintech phát triển khách hàng nhanh, có nền tảng công nghệ mạnh để phân tích dữ liệu khách hàng... Trong khi đó, hệ thống ngân hàng lại có sẵn các quy trình bài bản, hệ thống kiểm soát chặt chẽ, điều mà các công ty Fintech Việt Nam hiện nay đang thiếu.

Theo ông Kim Jong-geuk - Giám đốc Điều hành Lotte Card, nhà cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng lớn thứ 5 tại Hàn Quốc, làn sóng Fintech của Hàn Quốc cũng giống Việt Nam hiện nay. Các công ty Fintech đột ngột xuất hiện cùng các công nghệ sáng tạo, tuy nhiên các ngân hàng Hàn Quốc không e dè như phía Việt Nam, vì ngay cả vũ khí mạnh nhất của Fintech là cho vay P2P (kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay qua Internet) cũng không cạnh tranh trực tiếp được với mô hình ngân hàng truyền thống. Hầu hết các Fintech tại Hàn Quốc mới chỉ dừng ở việc cho vay tiêu dùng, tức là các khoản vay có kỳ hạn ngắn và định mức thấp. Thêm nữa, quy mô tài chính của Fintech không cho phép họ giảm sâu lãi suất nhằm cạnh tranh được với lãi suất từ phía các ngân hàng.

Ngoài ra, ngân hàng có lượng khách hàng trung thành riêng, cùng với đó là nhiều loại hình cho vay đa dạng mà các Fintech chưa thể đáp ứng được như cho vay thế chấp, cho vay mua nhà... Do đó, việc kết hợp giữa Fintech và ngân hàng nên hiểu là sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Như ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam nhận định: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một đơn vị dù lớn cũng không thể làm hết tất cả mọi việc”.

Dự phòng rủi ro

Hiện nay các ngân hàng vẫn ngần ngại khi hợp tác vì phải chia sẻ thông tin khách hàng với các công ty Fintech, rủi ro trong quá trình cho vay... Trước thực tế này, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Công nghệ tin học (NHNN) cho rằng, khi hợp tác, ngân hàng và Fintech cần phải làm rõ trách nhiệm của từng bên đối với cung ứng dịch vụ khách hàng. Từ phía ngân hàng, cần có quy định rõ dữ liệu nào được cung cấp cho Fintech. Khi đưa sản phẩm vào ứng dụng, ngân hàng cũng cần giám sát các dữ liệu để đảm bảo được sử dụng đúng mục đích, đồng thời phải có chính sách bảo vệ thông tin khách hàng. Với các công ty Fintech, cần quan tâm đến khía cạnh bảo mật ngay từ khi đưa ra ý tưởng, thực hiện song song giữa sáng tạo và tăng cường bảo mật cho giao dịch của khách hàng.

Bài học hạn chế rủi ro Lotte Card là một ví dụ đáng học tập. Lotte Card đang hoạt động như một tổ chức tín dụng Fintech tại Hàn Quốc. Hiện nay công ty này đang cung cấp dịch vụ cho vay tín dụng mua sắm tới 800.000 người tại Hàn Quốc và các dịch vụ thanh toán Fintech khác cho 9.000.000 người. Để hạn chế rủi ro trong dịch vụ cho vay mua sắm của mình, điều đầu tiên Lotte Card làm là xác định danh tính người vay. Hàn Quốc quản lý rất chặt đầu số di động ứng với mỗi cá nhân, nên Lotte Card sẽ yêu cầu xác nhận bằng việc nhập số điện thoại đã đăng ký theo tên người đó. Số lượng tài khoản đăng ký nhận vay sẽ không bị hạn chế, chỉ cần ngân hàng trong danh sách đăng ký đó có hợp đồng chia sẻ thông tin với Lotte Card. Từ dữ liệu chuyển về từ phía ngân hàng đối tác, các thông tin về trạng thái tài khoản, khả năng thanh toán, hạn mức cho vay của khách hàng sẽ được kiểm tra. Từ đó Lotte Card có thể xét duyệt nhanh chóng đăng ký cho vay của khách hàng.

Ở trường hợp của Việt Nam, theo ông Kim Jong-geuk, các doanh nghiệp có thể bắt đầu từ việc xác định danh tính qua các thuê bao di động trả sau, vì yếu tố thông tin của các tài khoản này dễ đảm bảo xác thực hơn thuê bao trả trước p

Việt Dũng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ngan-hang-va-fintech-lam-sao-de-cung-phat-trien-121569.html