Ngân hàng tuần qua: Một loạt ngân hàng vượt trần tín dụng, VIB báo lãi 9 tháng hơn 4.000 tỷ đồng

VIB báo lãi 9 tháng hơn 4.000 tỷ đồng trước thềm chuyển sàn; một loạt ngân hàng vượt trần tín dụng; lãi suất liên ngân hàng về gần mốc 0%; MB báo lãi trước thuế 9 tháng năm 2020 đạt hơn 8.100 tỷ đồng… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VIB báo lãi 9 tháng hơn 4.000 tỷ đồng là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VIB báo lãi 9 tháng hơn 4.000 tỷ đồng là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VIB báo lãi 9 tháng hơn 4.000 tỷ đồng trước thềm chuyển sàn

Lũy kế 9 tháng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) ghi nhận tổng doanh thu đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 1.637 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng doanh thu. Doanh thu bán lẻ đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu duy trì ở mức 40%, chi phí dự phòng tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 4.025 tỷ đồng, xấp xỉ bằng mức thực hiện của cả năm 2019 (4.082 tỷ đồng). Trong đó, tính riêng quý III/2020 thì lợi nhuận trước thuế của VIB là 1.688 tỷ đồng, chiếm gần 42% lợi nhuận 9 tháng đầu năm. Chỉ số ROE bình quân đạt 28,9%.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của VIB đạt trên 213.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt trên 151.000 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm.

Đầu tháng 10 vừa qua, ban lãnh đạo VIB đã thông qua nghị quyết hủy đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM để chuẩn bị cho việc niêm yết gần 1 tỷ cổ phiếu VIB trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) trong tháng tới.

Trước đó, VIB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên trên 11.094 tỷ đồng.

Sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Ngày 14/10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội một số vấn đề liên quan đến công tác nhân sự.

Trong đó có việc bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, theo quy định tại Điều 40 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ như phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh; miễn nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ KH-CN đối với ông Huỳnh Thành Đạt; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc trình Quốc hội xem xét, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kỳ vọng gì vào lộ trình tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh?

Ngày 9/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP theo hướng mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Đây là cơ sở pháp lý cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh như VietinBank, Vietcombank, BIDV được tăng vốn điều lệ bằng nguồn vốn Nhà nước.

Khi Nghị định 121 ban hành, VietinBank, Vietcombank và BIDV đã có thể thúc đẩy ngay việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, Nghị quyết số 25 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, Nghị quyết số 26 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 1023 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cũng không có danh mục kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Do đó, muốn mở đường tăng vốn cho các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, Quốc hội buộc phải đưa nội dung này vào nghị quyết mới, bởi nghị quyết của Quốc hội là văn bản ngang luật, vì vậy các nghị định, trong đó có Nghị định 121 (ban hành bởi Chính phủ) vẫn phải tuân theo nghị quyết của Quốc hội. Gần đây, Agribank đã được Quốc hội cho phép tăng vốn điều lệ bằng nguồn tiền ngân sách.

Một loạt ngân hàng vượt trần tín dụng

Kiểm toán Nhà nước cho biết 7 ngân hàng vượt trần tín dụng gồm: Ngân hàng TMCP Đại chúng 13.656 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn 8.654 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt 3.153 tỷ đồng, Ngân hàng Shinhan Bank (Hàn Quốc) 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - chi nhánh Hồ Chí Minh 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga 69 tỷ đồng.

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2020, tín dụng tăng trưởng 6,09% so với cuối năm 2019.

Tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế như sau: dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; dư nợ ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.

Về tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên, vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 5,5%.

Thị trường không hấp thụ vốn, ngân hàng thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng về gần mốc 0%

Dữ liệu thống kê của VietnamFinance cho thấy, từ đầu tháng 10/2020, mức lãi suất tiền gửi của gần 20 ngân hàng đã giảm đối với hầu hết kỳ hạn, có nơi giảm tới 0,5%.

Biểu lãi suất niêm yết của Vietcombank tháng 10 giảm 0,2% so với tháng 9. Lãi suất gửi 6 tháng tại ngân hàng này hiện chỉ được trả 4%, mức lãi cao nhất mà Vietcombank trả cho khách gửi tiết kiệm là 5,8%, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. BIDV, VietinBank cũng giảm 0,2-0,3% với tất cả kỳ hạn. Lãi suất cho khoản tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng áp dụng đồng loạt là 4,2%. Lãi suất từ một năm trở lên hiện chỉ còn 5,8%, trong khi trước đây là 6%.

Đáng chú ý là từ tuần đầu tháng 10, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm đã giảm về 0,1%/năm với các khoản vay bằng tiền VND, thấp nhất trong lịch sử hoạt động ngành ngân hàng. Đây là mức lãi suất bình quân ghi nhận trong tuần, nên thực tế tại một số giao dịch thậm chí còn ghi nhận mức lãi suất thấp hơn 0,1%/năm nói trên.

Lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm liên tục từ đầu tháng 5 và giảm mạnh từ đầu tháng 6 đến nay. Đầu năm, các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn tương tự vẫn được áp dụng mức lãi suất 1,69%/năm. Sau chưa đầy 10 tháng, lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm tại thị trường Việt Nam đã giảm gần 17 lần, xuống gần 0%/năm.

Tương tự kỳ hạn qua đêm, lãi suất cho vay liên ngân hàng các kỳ hạn khác như 1 tuần và 1 tháng cũng giảm liên tục nhiều tuần, hiện lần lượt ở mức 0,25%/năm và 0,47%/năm. So với đầu năm, lãi suất ở các kỳ hạn này cũng giảm hàng chục lần (đầu năm lãi suất cho vay 1 tuần là 2,54%/năm; cho vay 1 tháng là 2,5%/năm).

Nhận diện lực đẩy lợi nhuận 9 tháng của MB

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 cho thấy lũy kế 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8.134 tỷ đồng. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh các ngân hàng, trong đó có MB, chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.

Lực đẩy lợi nhuận của MB vẫn đến từ tín dụng, dù xét toàn thị trường, nhu cầu vay vốn là khá yếu và lãi suất giảm mạnh.

Cụ thể, 9 tháng năm nay, thu nhập lãi (biểu thị doanh thu mảng tín dụng) của MB tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 24.031 tỷ đồng.

Mức tăng này đạt được trong bối cảnh lãi suất giảm, là do tăng trưởng tín dụng của MB khá cao so với mặt bằng chung. Cụ thể, dư nợ cho vay 9 tháng của ngân hàng này tăng 7,3%; cùng với đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ước tăng tới 89%. Nhờ vậy, tổng dư nợ tín dụng của MB đạt mức tăng 11,8%, cao hơn nhiều so với mức 6,09% toàn ngành.

Không chỉ doanh thu tín dụng tăng, điểm tích cực song song là chi phí huy động giảm. 9 tháng, chi phí lãi (biểu thị chi phí huy động) của MB giảm 2,9%. Điều này là nhờ quy mô tiền gửi khách hàng giảm 1,3% (do tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh, trong khi tiền gửi của dân cư vẫn tăng khá); cùng với đó, lãi suất tiền gửi giảm sâu, lãi suất liên ngân hàng tiến về cận 0; ngoài ra, MB vẫn giữ được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức tương đương năm ngoái.

Bù trừ doanh thu - chi phí, mảng tín dụng đem về cho MB 14.483 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng, tăng trưởng 10,5%.

VietinBank dành lợi nhuận 3 năm để chia cổ tức bằng cổ phiếu

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước “gỡ khó” về pháp lý cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ban hành nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Cụ thể, VietinBank sẽ lấy lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018 và 2019 làm nguồn vốn để phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu.

Ngày đăng ký cuối cùng dự kiến là 5/11/2020. Ngày gửi phiếu lấy ý kiến cho cổ đông là 13/11/2020. Ngày tổng hợp ý kiến là 23/11/2020.

Trước đó vào đầu tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018.

Theo đó, Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-tuan-qua-mot-loat-ngan-hang-vuot-tran-tin-dung-vib-bao-lai-9-thang-hon-4000-ty-dong-20180504224245051.htm