Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội: Vì sao nợ xấu liên tục 'phình' to?

Nợ xấu tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đang tăng khá mạnh từ mức 4.624 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.422 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 2,33% lên 2,75%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 vừa được ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) công bố, đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 299.698 tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,7%, đạt 194.009 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần của SHB đạt 1.174 tỷ đồng, tăng 63,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ chỉ còn lãi 61 tỷ, giảm 93%; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 17% chỉ đạt 25 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng sụt giảm mạnh từ 163 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 4 tỷ trong quý 3 năm nay.

Do sự sụt giảm mạnh ở hoạt động dịch vụ, nên dù chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ và chi phí dự phòng thậm chí còn giảm mạnh 63%, song lợi nhuận trước thuế của SHB trong quý 3 chỉ đạt 348 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SHB có lãi trước thuế 1.466 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.

Tình hình nợ xấu của SHB đang là vấn đề đau đầu.

Tình hình nợ xấu của SHB đang là vấn đề đau đầu.

Một thông tin đáng chú ý, nợ xấu tại SHB lại tăng khá mạnh từ mức 4.624 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.422 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 2,33% lên 2,75%. Nhiều ý kiến cho rằng, việc dễ dãi trong các điều kiện tín dụng của ngân hàng đang khiến cho các khoản nợ bị phình to. Nợ xấu càng để lâu thì ngân hàng phải càng phải trích lập dự phòng lớn, thêm vào đó ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh.

Trước đó, hồi tháng 4/2018, tại Đại hội đồng cổ đông của SHB, tình hình nợ dưới chuẩn tăng mạnh trong năm qua cũng được các cổ đông đặc biệt quan tâm.

Trả lời câu hỏi về vấn đề vì sao quy mô của SHB thuộc top 5 mà lợi nhuận không bằng các ngân hàng khác trong nhóm, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB chia sẻ, do SHB nhận sáp nhập ngân hàng Habubank và Công ty Tài chính VVF nên việc cấu trúc lại các khoản nợ và trích lập dự phòng phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý trong các báo cáo tài chính của ngân hàng này là con số nợ có xu hướng tăng so với năm 2016. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2017 đã kiểm toán của SHB, tính đến 31/12/2017, nhiều khoản nợ tăng mạnh so với cuối năm 2016. Cụ thể, nợ cần chú ý của SHB ở mức gần 3.203 tỷ đồng, tăng so với 2.206 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2016. Tương tự, nợ dưới tiêu chuẩn ở mức 644,7 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với con số 247,3 tỷ đồng cuối năm 2016. Nợ có khả năng mất vốn (nợ xấu) ở mức hơn 2.761 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với con số 1.757 tỷ đồng cuối năm 2016.

Nguyên nhân của con số nợ tăng cao được Ban lãnh đạo SHB cho rằng, do quy mô hoạt động của ngân hàng tăng lên, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tăng nên nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng hơn nếu so sánh bằng số tuyệt đối. Ngoài ra, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khách hàng của SHB dù cơ dư nợ tại SHB đủ tiêu chuẩn nhưng phát sinh nợ dưới chuẩn tại tổ chức tín dụng khác nên SHB cũng phải chuyển nhóm nợ đối với khách hàng đó.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo SHB cho biết đã bán khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), lãnh đạo SHB cho biết đây đều là những khoản nợ có tài sản đảm bảo nên có khả năng thu hồi. Vì thế, năm 2018, SHB dự kiến bán nợ cho VAMC khoảng 300 tỷ đồng, hiện đang hoàn thiện hồ sơ. Một thông tin khác được lãnh đạo SHB đưa ra là dư nợ của Vinashin sau khi sau khi SHB nhận sáp nhập với Habubank là 3.998 tỷ đồng, hiện SHB đã trích lập dự phòng được 1.089 tỷ đồng, còn lại 2.909 tỷ đồng đang trong quá trình xử lý.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu nợ xấu không được xử lý dứt điểm, càng để lâu thì ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn, chưa kể nợ nhóm 5 coi như mất khả năng thu hồi và càng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Hoàng Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ngan-hang-tmcp-sai-gon---ha-noi-vi-sao-no-xau-lien-tuc-phinh-to-d150500.html