Ngân hàng tiềm ẩn cụt vốn vì nợ xấu

Đến thời điểm này, đã có nhiều ngân hàng (NH) công bố kết quả kinh doanh quý III/2016 cho thấy nợ xấu của nhiều NH vẫn cao và hầu như là nợ có khả năng mất vốn.

Nợ xấu tăng vọt

BacABank (NH TMCP Bắc Á) trong 9 tháng năm 2016, nợ xấu chiếm 0,72% nhưng nợ có khả năng mất vốn chiếm tới gần 97% tổng nợ xấu, tương đương 311 tỷ đồng. VietABank (NH TMCP Việt Á) cũng đứng vào Top ngân hàng có tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn cao chiếm tới 94% tổng nợ xấu, tương đương 293,9 tỷ đồng. VIB (NH TMCP Quốc tế) có khả năng mất 690 tỷ đồng, chiếm 84% tồng nợ xấu là 823,4 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2016...

Kiểm ngân tại chi nhánh LienVietPostBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ngay cả những NH lớn cũng có con số nợ có khả năng mất vốn cao. Vietcombank là 5.448 tỷ đồng, chiếm tới gần 70% tổng nợ xấu là 7.807 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015. Nợ nhóm 5 cao, Vietcombank cũng phải trích lập dự phòng rủi ro lên tới 4.513 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016. BIDV nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng mạnh thêm 46% lên mức 6.947 tỷ đồng, chiếm 53% tổng nợ xấu. Vietinbank, tỷ lệ nợ xấu sau 9 tháng có sự giảm nhẹ xuống còn 0,85% so với thời điểm đầu năm là 0,92%. Tuy nhiên nợ có khả năng mất vốn tăng 30% lên 3.576 tỷ đồng, chiếm 66% tổng số nợ xấu.

Một số NH không công bố số liệu nợ xấu, tuy nhiên chi phí trích lập dự phòng rủi ro trong kỳ cũng tăng mạnh, như chi phí dự phòng của LienVietPostBank tăng từ lên 153,2 tỷ đồng so với cùng kỳ là 112,3 tỷ đồng. KienLongBank vẫn phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng gần 18% so với cùng kỳ năm 2015 lên mức 77,2 tỷ đồng. Trong 9 tháng, Eximbank tiếp tục gia tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với 923,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 498,49 tỷ đồng.

Chưa hết khó

Khi tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, quá trình nợ xấu chuyển từ nhóm 2 - 3 sang nhóm 4 - 5 rất nhanh, các NH khó tránh được tình trạng nợ có khả năng mất vốn. Khi nợ xấu gia tăng, NH đã phải đối mặt với rủi ro lớn, còn với việc nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, rủi ro mà NH đối mặt cao gấp nhiều lần.

Thống kê mới nhất, lượng nợ xấu tại các ngân hàng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC đến hết 31/8/2016 đạt 262.054 tỷ đồng. Trong khi VAMC mới thu hồi nợ được 37.983 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng, vì thế, khoản dự phòng rủi ro được đánh giá sẽ tăng mạnh trong năm nay, một phần do tiến trình xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh, trong khi khoản dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt sẽ tăng 20% năm đối với các khoản nợ đã bán.

Tại hội thảo về nợ xấu gần đây, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một trong những vấn đề cần được làm rõ là thực sự nợ xấu hiện nay như thế nào? Yêu cầu NH Nhà nước báo cáo rõ ràng, minh bạch trước Quốc hội số nợ xấu có thể khảo sát được là bao nhiêu? Đây là một vấn đề rất quan trọng trong nền kinh tế đòi hỏi chúng ta phải kịp thời và nghiêm chỉnh trong vấn đề xử lý nợ xấu. Còn theo TS Cấn Văn Lực, BIDV tính toán nợ xấu hiện nay của các tổ chức tín dụng khoảng 7% tổng dư nợ, theo tính toán của Thụy Sĩ là khoảng 8% còn theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) là 10 - 11%. Chung quan điểm với TS Lê Xuân Nghĩa, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính NH cho biết: Để giảm nguy cơ nợ xấu quay trở lại hệ thống NH, đây là thời điểm chúng ta cần mạnh tay với nợ xấu, cần “làm thật” chứ không chỉ “nói suông”.

Nếu chưa được giải quyết nợ xấu, có thể một số khoản nợ trước kia được cơ cấu lại sẽ trở lại thành nợ xấu. Nếu nợ xấu tiếp tục tăng sẽ gây thiệt hại cho NH, đồng nghĩa với việc “ăn” vào lợi nhuận, thậm chí ăn vào vốn chủ sở hữu của NH.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ngan-hang-tiem-an-cut-von-vi-no-xau-271858.html