Ngân hàng thế sự…

Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử một vụ đại án gần đây, tôi có đặt vấn đề vì sao Nhà nước không để cho ngân hàng hoạt động yếu kém, bị âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế đặc biệt lớn được thực hiện thủ tục phá sản theo Luật Phá sản, mà lại quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần bằng “0” đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu?

Phố đi bộ Nguyễn Huệ về đêm. Ảnh: HOÀI PHAN

Câu hỏi đó chưa được tranh luận, làm rõ đến tận cùng tại phiên tòa, nhưng cách đây gần hai tuần, phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội vào sáng 22.10.2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém. Ông nhấn mạnh: “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém” (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online). Tôi tâm đắc và nhận thấy đây là cách tiếp cận hoàn toàn có căn cứ vì hiện tồn tại nhiều vướng mắc từ thực tiễn xử lý các Ngân hàng yếu kém ở trong tình trạng bị kiểm soát đặc biệt và đưa vào diện mua bắt buộc bằng “0” đồng, khiến cho báo chí, dư luận đang quan tâm là có hay không việc sử dụng các nguồn lực Nhà nước để giải quyết nợ xấu…

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm vụ án nói trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời cơ sở pháp lý của quyết định mua bắt buộc cổ phần bằng “0” đồng căn cứ vào Khoản 3 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng, Khoản 12 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 07/2013/TT-NHNN ngày 14.3.2013 về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong hệ thống các giải pháp tại các văn bản pháp quy nêu trên không có giải pháp nào quy định Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Ngân hàng với giá “0” đồng, mà chỉ có các giải pháp nhằm duy trì các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng. Chúng tôi chỉ thấy các quy định trên ghi rõ, Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần, cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối phải chuyển nhượng cổ phần. Điều đáng quan tâm là khi mua bằng “0” đồng thì các tài sản mà ngân hàng đang nắm giữ để bảo đảm cho các dư nợ tín dụng sẽ được xử lý như thế nào và các cổ đông có quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước công bố tổng giá trị số tài sản thế chấp, đảm bảo hiện nay tại ngân hàng vào thời điểm xảy ra vụ án hay không? Trong khi đó, như Ngân hàng Nhà nước xác định, phần vốn cổ phần do cổ đông đóng góp vào tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cổ đông, nhưng thực sự họ chưa được biết và có ý kiến về vấn đề này.

Trong một chừng mực nhất định, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của ngân hàng với giá “0” đồng còn gặp vướng mắc khi vụ án hình sự đã được khởi tố, các cổ đông của ngân hàng không có điều kiện xây dựng phương án xử lý và tăng vốn điều lệ cho ngân hàng, nên không có cơ hội để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đó là chưa kể việc tính toán, định giá các tài sản đảm bảo cho các khoản dư nợ đến kỳ thanh toán chưa phù hợp, có sự chênh lệch giữa giá trị thực và giá trị định giá của cơ quan định giá do Cơ quan điều tra Bộ Công an trưng cầu.

Về mặt pháp lý, việc quyết định mua bắt buộc cổ phần này có thể cũng không phù hợp với các quy định pháp luật liên quan việc trưng mua hoặc trưng dụng tài sản tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản do Quốc hội ban hành ngày 3.6.2008, bởi lẽ trưng mua là một quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia (Khoản 1 Điều 2). Theo Điều 13 của Luật này, trong danh mục các tài sản thuộc đối tượng trưng mua chỉ có nhà ở, tài sản gắn liền với đất, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, công cụ, dụng cụ và vật tư, vật dụng thiết yếu khác, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác, hoàn toàn không có cổ phần, cổ phiếu của doanh doanh nghiệp hay các tổ chức tín dụng. Nếu mua theo cơ chế thỏa thuận thì phải có cơ chế cho các cổ đông thực hiện quyền đàm phán, thỏa thuận…

Phát biểu của Phó Thủ tướng đã làm rõ thêm một thực tế là hiện nay chúng ta đang phải sử dụng dùng nguồn lực Nhà nước khi trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu của một tổ chức tín dụng. Tức là nếu cho phép ngân hàng trích lập 100 đồng vào chỗ này thì ngân sách đóng 25 đồng rồi, bởi vì không cho trích lập thì Nhà nước thu được 25 đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp). Khi Nhà nước cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt thì có nghĩa là dùng ngân sách Nhà nước rồi, bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7 - 8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%... Đó chính là lý do vì sao Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc Chính phủ nghiên cứu đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.

Tôi chia sẻ với ý kiến của ông là làm được như vậy có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều, vì bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, Nhà nước phải mua lại “0” đồng, rồi Nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm…

LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ngan-hang-the-su-610246.bld