Ngân hàng số trong thành phố thông minh

Tại Hội nghị cấp cao về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 vừa tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu đã dành riêng một phiên thảo luận về chủ đề: 'Thành phố thông minh hơn với ít giao dịch tiền mặt hơn'. Các ý kiến được nêu ra đều chung quan điểm rằng, ngân hàng số - thanh toán điện tử là một yếu tố cần thiết và chủ đạo để thúc đẩy các đô thị xây dựng thành phố thông minh.

Theo Giám đốc Khối Ngân hàng số của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Quang Ðệ, thành phố thông minh khi kết nối ở mức độ cao thì các dữ liệu, dịch vụ, giao dịch sẽ được số hóa, có thể dễ dàng giao dịch trực tuyến. Khi đó, tiền mặt sẽ được loại bỏ dần, thay thế bằng các giao dịch kỹ thuật số. Thanh toán điện tử là điều không thể thiếu nếu muốn hướng tới thành phố thông minh. Ngành ngân hàng thời gian gần đây đã liên tục cập nhật, ứng dụng công nghệ và đưa ra nhiều sản phẩm ngân hàng số, thậm chí coi đây là mảng kinh doanh cốt lõi. Riêng LienVietPostBank đang nghiên cứu triển khai giải pháp thẻ công dân điện tử đa năng, tích hợp cả thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, thẻ sinh viên, thẻ công chức... cùng các thông tin dịch vụ như bảo hiểm, điện, nước... của người dân trong một thẻ duy nhất để thuận tiện trong quản lý và giao dịch thanh toán.

Ðại diện Tập đoàn VISA, ông Manoj Sugathan cho rằng, Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đang có nhiều cơ hội để có thể bước từ ngưỡng dùng nhiều tiền mặt sang ít dùng tiền mặt và tiến tới thanh toán không chạm (không cần quẹt thẻ). Tương lai của các giao dịch tiền tệ sẽ là công nghệ thanh toán không chạm và các ứng dụng thanh toán trên điện thoại, ứng dụng hệ thống thẻ trên vé... Khi đó, người dân có thể giao dịch đơn giản, dễ dàng hơn, nhất là trong các giao dịch hành chính giữa công dân và chính quyền, thanh toán các dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông công cộng...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân Hà Nội vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu hằng ngày. Các điểm nhận thanh toán không dùng tiền mặt còn ít. Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Tiến Dũng lấy thí dụ, khi Hà Nội đang bàn chuyện xây dựng thành phố thông minh thì các hộ dân vẫn muốn duy trì hình thức thanh toán hóa đơn tiền nước bằng tiền mặt, trả cho nhân viên đi thu trực tiếp. Hiện nay, hạ tầng thanh toán của hệ thống ngân hàng đã cơ bản sẵn sàng, nhưng làm thế nào để gắn kết thanh toán không dùng tiền mặt trong thành phố thông minh là vấn đề Hà Nội cần quan tâm giải quyết.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong khối ngân hàng và tổ chức thanh toán đều cho rằng, hành lang pháp lý hiện nay vẫn chưa thật sự đầy đủ để kiến tạo các dịch vụ thanh toán hiện đại, ngân hàng số. Do đó, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPAY Trần Trí Mạnh đề xuất, chính quyền thành phố cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dự án phát triển phương thức thanh toán hiện đại; kiến tạo không gian, cơ sở hạ tầng để phân bổ, lắp đặt các thiết bị và phát triển điểm thanh toán mới. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp các ngân hàng, tổ chức thanh toán để xây dựng hệ thống không dùng tiền mặt, nền tảng quan trọng của đô thị thông minh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37754202-ngan-hang-so-trong-thanh-pho-thong-minh.html