Ngân hàng số thay đổi cách chi tiền của người dân

Từ nay tới cuối năm, các ngân hàng đang đặt mục tiêu đẩy mạnh giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các tiện ích của ngân hàng số. Ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam chia sẻ: Bên cạnh việc cần đồng bộ áp dụng các công nghệ thì việc nâng cao bảo mật luôn cần đặt lên hàng đầu.

Các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) cho biết: Với hơn 64 triệu người dùng Internet, chiếm gần 70% dân số, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho việc phát triển ngân hàng số.

Với Internet banking, khách hàng có thể mua sắm, thanh toán nline bất kỳ mọi nơi. Ảnh minh họa: C.Thủy.

“Để khuyến khích người dùng thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng cần đồng bộ áp dụng các công nghệ, giải pháp hỗ trợ thanh toán như: Giải pháp Tokenization trong thanh toán trực tuyến và thanh toán tại POS; liên kết với các đối tác phát triển ứng dụng thanh toán trên di động để mở rộng phạm vi thanh; tập trung triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc một cách đồng bộ để khuyến khích người dùng”, ông Tuấn nói.

Đại diện LienVietPostBank cho biết: Tính đến hết ngày 30/6, Ví Việt đã đạt 2,3 triệu người dùng và hơn 20 ngàn điểm chấp nhận thanh toán trải rộng khắp 63 tỉnh thành. Từ đó, khách hàng có thể mua sắm online, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, chuyển khoản hay gửi tiết kiệm online. Để phục vụ nhu cầu các khách hàng dịp cuối năm, phía ngân hàng đang bổ sung thêm các dịch vụ như: Gửi tiết kiệm online và vay cầm cố tiền gửi. Khách hàng có thể đăng ký Internet Banking, cài đặt ứng dụng mà không phải ra quầy giao dịch.

“Tiện lợi và tốc độ đã trở thành kỳ vọng cơ bản của người tiêu dùng đối với trải nghiệm thanh toán. Vì họ mong đợi để có thể trả tiền cho bất cứ thứ gì, bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu. Khách hàng có thể đặt hàng trước và thanh toán tại các nhà hàng ăn ngon, yêu cầu một chuyến đi về nhà chỉ trong vài phút từ một chiếc Grab gần đó hoặc gọi đồ ăn, mua một món quà trực tuyến được chuyển đến ngay trước cửa nhà chỉ trong vòng 30 phút. Công nghệ mới và đổi mới đang thay đổi cách người tiêu dùng muốn trả tiền”, ông Đinh Văn Chiến - Phó Tổng giám đốc TPBank nói.

Theo ông Phạm Anh Dũng, Phó Giám đốc Khối khách hàng cá nhân PVcomBank, ngân hàng đang triển khai hiện đại hóa hệ thống CNTT nhằm đáp ứng được yêu cầu thanh toán dịch vụ công ngày càng phát triển.

“Chúng tôi đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, kết nối cơ sở dữ liệu thuế, điện, nước…và triển khai thanh toán trên các kênh giao dịch điện tử Mobile Banking, Internet Banking, đưa tới cho khách hàng thuận tiện trong quá trình thanh toán. “Ngân hàng không khoảng cách” sẽ mang tới cho khách hàng khi giao dịch trên các kênh thanh toán điện tử của PVcomBank”, ông Dũng nói.

Theo PvcomBank, vấn đề lớn nhất cần tránh đối với ngân hàng số là giải pháp cục bộ, giao diện và hệ thống không được tích hợp, hạ tầng cũ lỗi thời, quy trình xử lý và hệ thống rời rạc, cũ kỹ. Nghiệp vụ không đáng tin cậy, không có khả năng đáp ứng tốc độ số đủ độ tin cậy, khả năng truy cập dữ liệu đa kênh kém, dữ liệu thường xuyên không có sẵn và không được cập nhật.

Điều quan trọng trong quá trình phát triển ngân hàng số đó là yếu tố bảo vệ khách hàng vì vậy phía ngân hàng đang tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng bảo mật và áp dụng những công nghệ cao trong quá trình xác thực giao dịch của khách hàng. Song song với đó, cố gắng tạo ra những tiện ích thiết yếu nhất cho khách hàng khi giao dịch ngân hàng số, để hướng khách hàng giao dịch điện tử hóa nhiều hơn.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/ngan-hang-so-thay-doi-cach-chi-tien-cua-nguoi-dan-20180903153307313.htm