Ngân hàng số: giảm 50% chi phí và 5 thách thức đi kèm

Chi phí bình quân cho mỗi giao dịch trên nền tảng ngân hàng số giảm 50% so với giao dịch truyền thống tại chi nhánh. Tuy nhiên, đi cùng với lợi ích là những rủi ro và thách thức mà các nhà băng phải đối mặt.

Xu hướng người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng số ngày càng gia tăng.

Xu hướng người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng số ngày càng gia tăng.

Tại Hội thảo "Ngân hàng số: xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc" tổ chức ngày 21/1, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin, hiện 94% các ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.

Chuyển đổi số được đặt lên hàng đầu

Bà Đỗ Tuyết Trinh, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân, HDBank chia sẻ, ngân hàng số mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Các sản phẩm, dịch vụ từ ngân hàng số sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà băng.

"Trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chính của nhiều ngân hàng thương mại trong nước và đã có nhiều ngân hàng xem ngân hàng số là trọng tâm phát triển thời gian qua. HDBank cũng không nằm ngoài mục tiêu này, công cuộc chuyển đổi số đang được đặt lên hàng đầu”, bà Trinh cho hay.

Dưới góc nhìn của chuyên gia Ngô Trí Long: "Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tạo ra hai lợi ích cơ bản là giảm thiểu chi phí giao dịch và gia tăng lợi nhuận".

Ông Long dẫn giải, thông thường mỗi năm, một ngân hàng truyền thống trung bình chỉ mở được khoảng 5 - 6 phòng giao dịch, trong khi mô hình ATM hay LiveBank (hoạt động gần như một phòng giao dịch tự động) lại không bị giới hạn về tốc độ mở và thời gian phục vụ (24/7).

Hay như đối với ứng dụng tiết kiệm, tốc độ tăng trưởng khách hàng so với một chi nhánh truyền thống là 100 lần (khoảng 70.000 - 80.000 khách hàng mới/tháng), năng suất huy động cũng tăng đáng kể, khoảng 150 tỷ đồng/tháng...

Ngoài ra, ngân hàng số còn giúp kiểm soát chi phí giao dịch và vận hành ở mức thấp. Cụ thể, số liệu của một ngân hàng cho thấy chi phí bình quân cho 1 giao dịch tại một chi nhánh truyền thống là khoảng 23.000 đồng, nhưng với LiveBank chỉ còn hơn 11.000 đồng/giao dịch, tương ứng giảm 50%. Thậm chí, với eBank chỉ mất 2%, tức là chưa đến 500 đồng/giao dịch.

Tương tự, chi phí vận hành (bao gồm đầu tư và duy trì) của LiveBank chỉ bằng 20% so với một chi nhánh truyền thống.

Ứng dụng công nghệ giúp gia tăng năng suất của AI Chatbot, dẫn đến giảm tải 30% cho lực lượng tổng đài trung tâm (Call Center), hay như công nghệ sinh trắc học nhận diện giọng nói (Voice Biometrics) đã giúp giảm 15% thời gian xử lý cuộc gọi...

"Chuyển đổi số không còn là một khái niệm, mà là hành động cụ thể, quyết định sự sống còn, tồn vong của bất kỳ tổ chức nào, trong đó có các ngân hàng. Đó là lý do để các ngân hàng chạy đua đầu tư công nghệ để chuyển đổi số", ông Long nhấn mạnh.

Hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho các ngân hàng và người dùng là rất lớn, nhưng đồng thời cũng phải đối diện với những rủi ro và thách thức lớn.

ÔngLê Anh Dũngchỉ ra 5 thách thức lớn với chuyển đổi số ngân hàng: khuônkhổ pháp lý; cơ sở hạ tầngsố đồng bộ, tập trung; chuẩnkỹ thuật kết nối; chuẩndữ liệu, cơsở dữ liệu dùng chung; hạtầng an ninh, bảo mật.

Ngoài ra là sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin...

"Tội phạm công nghệ cũng là mối nguy lớn, buộc các ngân hàng phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", ông Dũng nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý công nghệ, ông Nguyễn Đức Tuân, Quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT), cảnh báo về tình trạng tấn công mạng trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gia tăng.

Dẫn giải về một số cuộc tấn công mạng lớn tại Việt Nam như vụ ngân hàng MSB bị lộ 2 triệu dữ liệu khách hàng…, ông Tuân nhấn mạnh các sự cố thường gặp như: Dữ liệu không được mã hóa, phần mềm độc hại, dịch vụ bên thứ ba không an toàn, dữ liệu bị thay đổi trái phép, tấn công giả mạo… Đặc biệt xu hướng tấn công có chủ đích (APT) ngày càng gia tăng số lượng và mức độ tinh vi.

Theo ông Tuân, những giải pháp chủ yếu để bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số gồm: Nâng cao nhận thức cho nhân viên, người dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin, đào tạo, huấn luyện đội ngũ chuyên trách về an toàn thông tin, diễn tập thường xuyên về an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, có những sự số xảy ra ở Việt Nam nhưng máy chủ lại đặt ở nước ngoài, vì vậy thiết lập mạng lưới ứng cứu này có vai trò rất quan trọng.

Để giải bài toán thách thức về chuyển đổi số, theo ông Dũng, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Đồng thời, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng như chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính.

Theo Huyền Anh/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ngan-hang-so-giam-50-chi-phi-va-5-thach-thuc-di-kem/20210123045300903