Ngân hàng rút vốn, công ty tài chính loay hoay với bài toán tăng trưởng

Từ sau khi các ngân hàng rút vốn, CFC, mà nay là VietCredit loay hoay với bài toán tăng trưởng. Báo cáo tài chính của công ty này cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng - tài sản sinh lời cốt lõi của công ty - đang 'teo tóp' dần, thậm chí còn thấp hơn cả dư nợ liên ngân hàng.

Ngân hàng rút vốn, công ty tài chính loay hoay với bài toán tăng trưởng

Tháng 6/2018, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) đã chính thức đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit).

Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này rất được mong chờ sẽ tạo ra sự đột phá khi cơ cấu cổ đông ngoài Vicem còn có Vietcombank (nắm 10,91% vốn điều lệ năm 2017), Ngân hàng TMCP Bản Việt - Viet Capital Bank (nắm 10,99% vốn năm 2015 và 4,96% vốn năm 2016) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt - Viet Capital Asset Management (nắm 4,96% vốn năm 2016).

Tuy nhiên sau đó, Viet Capital Bank và Viet Capital Asset Management đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit. Cuối năm 2017, Vietcombank cũng bán sạch vốn tại đây, chỉ còn lại Vicem hiện đang nắm 15% vốn điều lệ. Gần 85% vốn điều lệ của VietCredit hiện do cổ đông thể nhân nắm giữ.

Theo chủ trương của Chính phủ, Vicem cũng sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp của mình tại VietCredit.

Từ sau khi các ngân hàng rút vốn, CFC, mà nay là VietCredit loay hoay với bài toán tăng trưởng. Báo cáo tài chính của công ty này cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng - tài sản sinh lời cốt lõi của công ty - đang "teo tóp" dần.

Cụ thể, nếu như năm 2016, dư nợ cho vay khách hàng đạt 840 tỷ đồng thì sang năm 2017 đã giảm xuống còn 715 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ 9 tháng sau, dư nợ chỉ còn lại vỏn vẹn 423 tỷ đồng, bằng một nửa con số hai năm trước đó.

Đối lập với diễn biến giảm của dư nợ cho vay khách hàng là sự gia tăng dư nợ liên ngân hàng. Năm 2016, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác của VietCredit chỉ ở mức 136 tỷ đồng nhưng một năm sau, con số này đã tăng gấp 2,5 lần lên 336 tỷ đồng.

9 tháng sau, khoản mục dư nợ liên ngân hàng này tiếp tục tăng gấp đôi lên 694 tỷ đồng, nghĩa là gấp 1,6 lần dư nợ cho vay khách hàng.

Dư nợ liên ngân hàng cao hơn dư nợ cho vay khách hàng với bất kỳ tổ chức tín dụng nào cũng là điểm bất thường, bởi cho vay khách hàng mới là hoạt động cốt lõi. Trước năm 2012, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng ngành ngân hàng Việt Nam chính là việc các tổ chức tín dụng "đua nhau" cho vay/gửi tiền trên thị trường liên ngân hàng.

Với trường hợp của VietCredit, tình huống này có thể là tạm thời. Việc các ngân hàng rút vốn đã khiến cho công ty tài chính này mất bệ đỡ cả về huy động lẫn cho vay.

Cùng với đó, nhu cầu mở rộng kinh doanh sau khi bắt đầu tái cơ cấu (đổi tên, tăng vốn điều lệ, dự định lên sàn...) khiến VietCredit buộc phải huy động lượng vốn lớn từ thị trường liên ngân hàng và trước mắt không thể đẩy ngay ra thị trường 1 (cho vay khách hàng) do việc này cần thời gian. Vì vậy, đành phải đưa vốn trở lại thị trường liên ngân hàng hàng để đảm bảo tính sinh lời.

Nhân sự của VietCredit đã tăng gấp 5 lần, từ 108 người thời điểm cuối năm 2017 lên tới 552 người thời điểm kết thúc ngày 30/9/2018, phần nào cho thấy nhu cầu mở rộng của VietCredit là lớn thế nào.

Nhưng rõ ràng không dễ để đẩy lượng vốn lớn ra thị trường 1, khi mà cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng khốc liệt. Ngay cả công ty lớn nhất thị trường như FE Credit trong năm 2018 cũng gặp khó trong tăng trưởng cho vay khách hàng.

9 tháng năm 2018, VietCredit đạt lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước đó. Nếu không tính thu nhập đột biến 26,4 tỷ đồng từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần thì công ty tài chính này thậm chí còn lỗ khá nặng.

Minh Tâm

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-rut-von-cong-ty-tai-chinh-loay-hoay-voi-bai-toan-tang-truong-20180504224221303.htm